Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhìn từ cú sốc điểm thi môn Sử thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi và đáp án môn Lịch sử trong kỳ thi ĐH vừa qua đang là cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học. Tuy nhiên, nếu đề thi và đáp án không chuẩn, nên chăng chấm lại môn lịch sử.
Ngay đến các thầy còn tranh luận về đề thi tuyển sinh, thì học trò biết xử lý ra sao? Ảnh: Hồng Vĩnh.

Điểm thi tuyển sinh năm 2011 môn Sử thấp đã gây ra biết bao hệ lụy. Đó là một cú sốc đối với xã hội, thậm chí có người còn lo: Nếu điểm thi môn Sử thấp sẽ ảnh hưởng đến lòng yêu nước của cả một thế hệ! Cú sốc trên khiến Bộ trưởng GD&ĐT phải trấn an dư luận: Đó là vấn đề của thời đại, của thế giới, chứ không chỉ của Việt Nam! Nhiều nhà khoa học đưa ra kiến giải khác nhau: lỗi của hệ thống, giáo viên, phương pháp dạy Sử, và cả đề thi, đáp án không chuẩn, thậm chí còn sai…

Chính vì thế, tìm ra nguyên nhân thực sự của “hiện tượng” điểm thi môn Sử thấp, đang trở thành yêu cầu cấp bách, nhằm giải quyết nhiều vấn đề. Điều đó không chỉ có ý nghĩa lâu dài đối với việc dạy và học Sử, mà còn giải quyết những vấn đề có ý nghĩa xã hội, trực tiếp liên quan hàng vạn học sinh, nhà giáo trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay.
Nếu điểm thi môn Sử thấp vì lỗi hệ thống, vì dạy kém, học kém, gia đình và xã hội thiếu quan tâm, vì cơ chế chính sách đối với môn Sử,… thì đây là vấn đề đáng lo ở tầm vĩ mô. Những vấn đề như thế không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Cũng xin nhấn mạnh rằng, không phải đến bây giờ khi có cú sốc trên, vấn đề đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học môn Sử mới được đặt ra, theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Đây là vấn đề lớn, thường xuyên, lâu dài, cơ bản, và là nỗi day dứt lớn của đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử.
Nhưng nếu điểm Sử thấp, trực tiếp do đề thi và đáp án, vấn đề lại khác. Ngoài rút kinh nghiệm tổ chức ra đề, thống nhất đáp án, tổ chức chấm thi…, rất cần thiết phải có cách xử lý và chính sách đảm bảo quyền lợi công bằng cho thí sinh.
Nếu đề sai, nên chấm lại
Vào thời điểm này, việc khẳng định đề thi và đáp án môn Sử có chuẩn hay không đang là cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học. Đó là điều đáng tiếc, bởi đề thi cho học sinh phổ thông, cho dù là tuyển sinh ĐH, mà đến các thầy, các giáo sư còn chưa thống nhất, thì học trò biết xử lý ra sao? Vì thế, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần khẩn trương xem xét lại đề thi và đáp án.
Nếu đề thi và đáp án thực sự có vấn đề (không chuẩn, sai sót, thiếu rõ ràng, không phù hợp với trình độ học sinh, ảnh hưởng đến điểm thi của thí sinh) thì nên chấm lại môn Sử. Bởi đây không chỉ là đòi hỏi của công bằng, mà còn là vấn đề của niềm tin.
Vì nhiều lý do, các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Sử, đang mất dần sự hấp dẫn và sự lựa chọn của thí sinh trong các kỳ thi. Nếu mất thêm niềm tin vào sự công bằng, thì e rằng năm sau, người thi Sử ít hơn và điểm thi Sử có thể còn thấp hơn nữa. Đấy là chưa kể những hệ lụy liên quan hàng vạn giáo viên dạy Sử, khi công sức của họ, niềm tin và danh dự nghề nghiệp của họ bị đổ xuống sông, xuống biển.
Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)