Sanest Khánh Hòa cùng Bộ Tư lệnh Thông tin đăng quang và nhờ vậy, bản đồ bóng chuyền đã được vẽ lại. Hai cuộc lật đổ ngoạn mục ở vòng chung kết đã khép lại một giải đấu mà cuộc phân chia quyền lực bỗng diễn ra công bằng trong cảnh sa sút trên bình diện chung của bóng chuyền Việt Nam…
Vòng Chung kết giải bóng chuyền đội mạnh toàn quốc 2008: Bất ngờ buồn cho Long An
Dấu ấn của tân binh
Hiếm lắm mới xảy ra chuyện lạ khi đội bóng vừa trở lại hạng đội mạnh đã thắng như chẻ tre 12 trận của cả một mùa giải để đoạt ngô vô địch, và Sanest Khánh Hòa đã làm được điều ấy nên đã trở thành một hiện tượng và khiến nhiều đồng nghiệp phải thán phục.
Tân binh Sanest Khánh Hòa lên hạng và lên ngôi lần đầu tiên trong lịch sử, nhưng lại là một nỗi lo trên bình diện chung của bóng chuyền quốc gia. |
Các học trò của HLV Huỳnh Thúc Phong xuất phát điểm bị cho là góp nhặt và “ô hợp”, nhưng sự chuẩn bị không hề có dấu hiệu hời hợt rốt cuộc đã đưa họ lên bục vinh quang. HLV Thúc Phong cho rằng, ông gặp may vì… lỡ sở hữu trong tay chủ công hay nhất, nhì Đông Nam Á Ngô Văn Kiều, người góp công sức lớn cho danh hiệu của Sanest Khánh Hòa.
Nhưng rõ ràng, sức mạnh của Sanest Khánh Hòa không tập trung ở một mình Văn Kiều. Đây là mùa bóng mà dàn nội binh của đội bóng Khánh Hòa phát huy tối đa sức mạnh, nhất là ở các vị trí của Văn Công, Thế Vũ, chuyền 2 Quang Kha. Hai “món hàng ngoại” Affan và Ayip đến từ Indonesia cũng hòa nhập nhanh và ấn tượng như khi họ chơi trong màu áo ĐTQG. Đấy chính là sức mạnh tập thể!
Những cú trượt ngã bất ngờ
Thể Công dù cho có thua trong mục tiêu bảo vệ danh hiệu vô địch, thì ở đội bóng này còn có khối điều cho các đội bóng khác học tập. Đẳng cấp của một đội bóng lớn là điều mà cả 2 gương mặt sáng giá Hoàng Long Long An lẫn VTV Bình Điền Long An đều thiếu mất trong cuộc đua đến danh hiệu vô địch mùa này. Thể Công và PV Thái Bình đã chứng tỏ họ quá khôn khéo, thường biết chọn thời điểm để khẳng định sức mạnh của mình.
Nói gì thì nói, Thể Công vẫn là một cái tên lớn của làng bóng chuyền Việt Nam. Có thể họ đang chững lại, nhưng như mọi người thường nói “đẳng cấp là mãi mãi”, và Thể Công là như vậy. Trong trận bán kết thắng Hoàng Long Long An 3-1, trận đấu hay nhất cả mùa của mình, Thể Công đã dạy cho đối thủ bài học về tinh thần chiến đấu và đẳng cấp của một đội bóng khi được xếp vào nhóm đầu tàu của bóng chuyền Việt Nam.
Trước các đối thủ cạnh tranh chính, Hoàng Long Long An nhập cuộc loay hoay, VTV Bình Điền Long An cũng vậy. Tinh thần vốn là thứ vũ khí sở trường của họ không còn. Hay nói dễ hiểu hơn, sức ép phải thắng của 2 đội bóng đang giữ Cúp Hoa Lư là một trong những nguyên nhân khiến họ bước vào vòng 2 thật căng thẳng. Có lẽ, với 2 ông thầy Nguyễn Văn Hải và Lương Khương Thượng, kỷ niệm đẹp nhất mùa bóng 2008 chính là sự thăng hoa của các học trò ở vòng 1.
Kế hoạch trở lại nhóm “tam đại gia” của Thép Việt TPHCM bị phá sản, bất kể họ đang sở hữu chủ công Wanchai hay nhất Thái Lan hiện nay. Dấu ấn của HLV Aphisak không nhiều, thậm chí có người bắt đầu hoài nghi về tài cầm quân của cựu tuyển thủ quốc gia Thái Lan này. Thép Việt TPHCM rất cần một cuộc “đại phẫu”, cả về nội lực lẫn cách làm.
Tràng An Ninh Bình mùa này yếu thế vì thiếu hụt lực lượng. Họ bỗng trở nên… bình thường khi trượt dốc tinh thần. Ngay cả Nguyễn Hữu Hà, chủ công thuộc diện hiếm của bóng chuyền Việt Nam sau vài trận nỗ lực cũng đã tỏ ra chán nản trước cảnh sa sút bất ngờ của các đồng đội.
Lo cho bóng chuyền nữ
Bộ Tư lệnh Thông tin về nhất nhờ hòa hợp được cựu binh Phạm Thị Yến với dàn cầu thủ trẻ đang lên? Đấy cũng là một lý do và nhiều người lấy làm mừng cho thầy trò Phạm Văn Long. Nhưng, nguyên nhân chính nằm ở thực tế đáng buồn: bóng chuyền nữ Việt Nam đang chững lại.
Hai mùa rồi, người ta không nhìn thấy nét đột phá, không có những cá nhân nổi trội xuất hiện, giống như trường hợp của Ngô Văn Kiều, Lê Quang Khánh ở giải nam. Chưa kể, lối chơi, cách đánh của các đội bóng cứ… na ná như nhau và đa số dựa vào các cựu binh (đang sa sút) là chính.
Đáng lo hơn, trong các đội bóng hiện nay, các nhà chuyên môn không chấm được cây chuyền 2 nào coi cho được, nên đành công nhận Lê Thị Hồng của Sông Mã Thanh Hóa đang trầy trật với cuộc chiến trụ hạng, là hay nhất!
Các tuyển thủ như Ngọc Hoa, Phạm Thị Yến, Phạm Thu Trang, Đỗ Thị Minh vẫn chơi ổn định trong màu áo CLB, nhưng với sự thăng tiến chậm như vậy, có nhà chuyên môn bàn rằng: “Chẳng cần tập trung ĐTQG làm chi cho mệt, vì với quân, tướng như hiện nay, Việt Nam vẫn lấy HCB SEA Games 25 dễ như bỡn. Nhưng muốn lật đổ người Thái với đội bóng mà chất lượng chỉ ở mức trung bình khá thì quả là điều viển vông”.
Vậy không đáng lo cho bóng chuyền nữ sao được?
LÊ QUANG (theo SGGP)
Bình luận (0)