Gần 40 năm sống cùng nghề dạy học cùng với những kỷ niệm buồn vui bên nhiều thế hệ học trò, giờ đây về hưu, tôi không khỏi có một chút gì đó nao nao luyến tiếc trong lòng.
Thầy cô giáo có gần gũi, yêu thương học trò thì mới nhận lại sự trân trọng, quý mến của các em (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Tôi đến với nghề dạy học một cách bất ngờ và tôi nghĩ chẳng bao giờ mình trở thành thầy giáo được, bởi tôi là người hay cà rỡn, mà với tính cách ấy thì không thích hợp với nghề giáo, một nghề đòi hỏi những con người chững chạc, đường hoàng.
Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng, là sinh viên học dở năm thứ nhất tại Trường ĐH Cộng đồng Đà Nẵng (trường ĐH duy nhất và đầu tiên tại Đà Nẵng), tôi chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ biết về tham gia công tác thanh niên tại quê nhà và ăn bám vào ba mẹ. Nhà thì đông con, trên 10 anh chị em nên rất khó khăn. Đầu năm 1976, Ty Giáo dục Đà Nẵng (hồi ấy gọi sở là ty) có mở lớp đào tạo sư phạm cấp tốc ngắn ngày. Học xong khóa này (học trong 4 tháng) ra dạy cho học sinh cấp 2 vì lúc ấy đang thiếu giáo viên, tôi liền viết đơn xin học và được nhận vào học. Lúc ấy tôi băn khoăn dữ lắm vì không biết mình có thể trở thành thầy giáo được không nhưng biết làm sao được vì tôi đang thất nghiệp và mong có việc làm. Tôi tự nhủ cứ vào ngành giáo dục trước, sau này rồi hẵng tính, miễn có công ăn việc làm giải quyết trước mắt cho gánh nặng gia đình là được.
Khi con tim ta giàu lòng yêu thương, độ lượng thì cái nhìn của ta ấm áp tình người. |
Thế nhưng, cái nghề “chữa cháy” tạm thời của tôi, qua thời gian dần dần gắn bó với tôi như máu thịt. Trước hết có phải với cá tính hồi còn đi học của mình hay không mà những học sinh tinh nghịch trong những lớp tôi giảng dạy, dưới ánh mắt của tôi, các em lại rất gần gũi và thân thiết. Tôi thường kể về tuổi thơ tinh nghịch thời đi học của mình cho các em nghe và chỉ ra những tác hại cũng như những niềm vui ngây ngô từ những trò tinh nghịch đó, các em có vẻ rất thích thú; từ đó các em cũng nhìn tôi với những ánh mắt đầy thiện cảm. Tôi từng nói với các em, mọi học sinh dưới mắt tôi đều bình đẳng mặc dầu cá tính khác nhau và nếu được hãy gắng làm những điều cho người khác vui tránh làm điều người khác bận lòng. Đặc biệt với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi rất đồng cảm vì tôi cũng đã từng có những năm tháng học trò nghèo khổ như các em và các em cũng rất quý tôi.
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, tôi đã nghiệm ra một điều rằng đôi mắt không chỉ là phương tiện giúp ta nhìn thấy sự vật chung quanh mà còn là lăng kính phản ánh thái độ của con người trước cuộc sống. Đôi mắt không có tình cảm và lý trí, nhưng nó giúp ta nhận biết được đúng – sai, tốt – xấu, cái đáng yêu và đáng ghét… là nhờ nó được điều khiển bởi con tim và khối óc. Khi con tim ta giàu lòng yêu thương, độ lượng thì cái nhìn của ta ấm áp tình người, khi khối óc của ta sáng suốt sẽ cho ta cái nhìn đúng đắn về sự vật và con người. Và cũng chính nhờ ánh mắt yêu thương và đồng cảm ấy mà tôi nhận lại rất nhiều niềm tin và sự trân trọng, quý mến của bao thế hệ học trò và tôi thật sự hạnh phúc với con đường làm thầy của mình.
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)