Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhịp sống công nhân: Bài 2: Thắp sáng những ước mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân KCX Linh Trung (Thủ Đức) trong giờ tan ca

Hàng chục ngàn nông dân trẻ từ các miền quê đã gác lại cái cày, cái cuốc đến với những khu công nghiệp của TP.HCM để kiếm việc làm, tăng thu nhập. Trong những gương mặt trẻ đó vẫn luôn nhen nhóm những ước mơ, khát vọng thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Vì vậy, ngày ngày đến nhà máy, công ty làm việc, tối đến họ vẫn miệt mài với đèn sách.
Ngày đi làm… tối chong đèn
Học hết phổ thông, gia đình không có điều kiện nên Thúy không dám đăng ký tiếp tục thi đại học mà khăn gói vào Nam làm CN ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Mặc dù không được tiếp tục đến trường nhưng Thúy lúc nào cũng suy nghĩ để có thể tiếp tục học mà vẫn có thời gian đi làm để lo cho cuộc sống của mình. Sau mấy tháng làm quen với công việc, quen với cuộc sống ở thị thành. Thúy bắt đầu thực hiện ước mơ của mình bằng cách nộp hồ sơ thi tại chức vào Khoa Kế toán, Đại học Nông lâm TP.HCM. Vậy là mấy tháng nay, tối nào Thúy cũng chong đèn ôn thi. Thúy kể: “Mặc dù đi làm cả ngày về rất mệt, tối là chỉ muốn lăn sóng soài ra chiếu cùng các bạn nhưng cứ nghĩ cuộc đời chẳng lẽ như thế này mãi nên em cũng cố gắng mở sách ra ôn bài”.
Nhiều CN hiện nay cũng được đến trường đến lớp, được tham gia các buổi học ở giảng đường nhờ có sự phấn đấu không ngừng của bản thân và sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ CN. Tuy nhiên, có rất nhiều CN đến trường nhưng không trình bày với ban lãnh đạo công ty. Nam, một CN đang học tại chức tại Trường ĐH Bách khoa kể: “Nếu công ty biết mình đi học thế này, chắc cũng bị đuổi việc nên nhiều lúc rất mệt, nghỉ làm mấy buổi ở công ty mà mình cũng không dám nói rõ lý do học tập chính đáng của mình”.
Đến giờ tan ca, Mạnh (CN nhà máy Samsung) vội vàng chạy ra chợ mua mấy miếng đậu hũ về nấu ăn để chuẩn bị đi học. Sau khi đi làm được 2 năm, thấy làm việc mà không có kiến thức, khổ quá, Mạnh đưa hồ sơ nộp vàp Trường Trung cấp Kinh tế. Cả năm nay, ngày đi làm, tối Mạnh lại chăm chỉ đến lớp. Có khi 9, 10 giờ làm ca đêm, học xong, Mạnh tất tả tiếp tục đi làm không kịp ngủ. Vậy mà Mạnh vẫn cố gắng không nghỉ một buổi học nào, còn điểm số thì vẫn luôn xếp vào những hàng đầu trong lớp.
Thắp ước mơ bằng học nghề
Thất nghiệp gia tăng, nhiều CN thấy công việc hiện tại của mình vừa bấp bênh, vừa vất vả nên họ rất muốn chuyển hướng đi cho mình một cuộc sống thật ổn định. Thế nhưng, cuộc sống lam lũ ở quê nhà khiến nhiều CN bỏ học từ rất sớm. Có người học hết cấp 2, người học hết cấp 1, thậm chí có người còn chưa biết đến con chữ. Vậy lối thoát nào để thắp sáng những ước mơ cho họ?
Tất tả với mấy chị em trong phòng đưa được cái máy may cũ kỹ của một người quen về, Liên (CN nhà máy Hisonk Vina) vui mừng ngắm đi ngắm lại không chán. “Vậy là từ nay em đã có cái máy may để ngày đi làm, tối sửa đồ cho khách kiếm thêm được mấy đồng rồi”, Liên hồ hởi nói. Từ lúc bước chân vào Bình Dương làm CN, Liên đã đi học thêm nghề may để kiếm thêm thu nhập cho mình và nếu sau này về quê cũng có nghề làm ăn chứ không phải chân lấm tay bùn như bố mẹ mà quanh năm vẫn không đủ ăn, đủ mặc.
Đối với nhiều CN không đủ tiền để đến lớp học nghề, họ tìm đến các cửa hàng cắt tóc, cửa hàng làm bánh, sửa chữa xe máy… để vừa phụ việc, vừa học thêm nghề.
Không được học hành bằng bạn bè cùng trang lứa, bố mất sớm, một mình người mẹ gầy yếu với 5 đứa con nhỏ. Hoàn cảnh gia đình quá khốn khó buộc Minh (CN ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore) phải nghỉ học từ năm học lớp 5 để đi làm thuê cuốc mướn cho nhà người ta. Lớn lên, Minh cùng mấy người bạn cùng xóm có cùng hoàn cảnh vào miền Nam làm CN. Trong mấy năm liền, Minh chỉ biết cắm cúi làm việc chăm chỉ và gửi thêm tiền về quê phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Nhưng trong những năm gần đây, thấy bạn bè thất nghiệp hàng loạt phải về quê, một mình ở lại với nỗi lo sợ bị thất nghiệp. Vậy là Minh quyết định ngoài giờ đi làm, phải học thêm một cái nghề. Minh nghĩ: “Nếu học nghề cắt tóc, vài năm nữa có một số vốn rồi về quê mở một cửa tiệm chắc cũng đủ sống”. Ngày vất vả làm việc ở công ty, tối Minh lại đến tiệm làm tóc phụ giúp cho chủ tiệm mà chẳng có một đồng tiền công nào. Minh tâm sự: “Em đi phụ cắt tóc như thế này chủ yếu là để học việc từ bà chủ, khi đã có một chút hiểu biết về việc này rồi, em sẽ đi học một khóa đào tạo chuyên nghiệp hẳn hoi để lúc nào không làm ở đây nữa thì về quê mở tiệm”.
Cùng làm thợ phụ cắt tóc vào buổi tối của Minh còn có cả chị Hoa, cũng làm cùng công ty với Minh. Hai người quyết chí phải học cho bằng được, vì vậy dù làm việc ở công ty rất mệt nhưng tối nào cả hai cũng đến quán phụ giúp cho chủ quán, thường thì đến 10 giờ nhưng có khi cũng đến 11, 12 giờ khuya vì nhiều khi khách duỗi tóc nên phải cố gắng làm cho xong.
Dương Bình
Hiện nay, trước tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều công ty bị phá sản hay rơi vào tình trạng trì trệ hoạt động, hàng loạt CN thất nghiệp. Trước tình hình này, Qũy hỗ trợ CN TP.HCM sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nghề cho khoảng 4.000 CN các khu công nghiệp trên địa bàn bị mất việc để các CN này có điều kiện chuyển sang làm việc khác.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)