Một góc chợ trên đảo Thổ Châu |
Nằm ở cực Tây của miền Nam Tổ quốc, cách đất liền trên 80 hải lý, Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang) là hòn đảo xa và đi lại có phần vất vả nhất của các tỉnh phía Nam. Để thực hiện một chuyến đi từ TP.Rạch Giá ra Thổ Châu và ngược lại phải mất ít nhất một tuần…
Chuyến tàu chở niềm vui
Để ra được với Thổ Châu, phải mất một ngày đi từ TP.HCM xuống Rạch Giá rồi mua vé tàu vượt biển ra Phú Quốc. Thêm một đêm ngủ lại “đảo ngọc”, 8 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới bắt tàu ra hòn đảo nằm ở phía cực Tây của miền Nam. Một điều đặc biệt là chuyến tàu Phú Quốc – Thổ Châu lại miễn phí hoàn toàn cho những cư dân trên đảo (riêng du khách thì thu 50 ngàn đồng/ chuyến). Hỏi chuyện ông Nguyễn Minh Trí, vị thuyền trưởng có 30 năm tuổi nghề thì được biết, nếu trời yên biển lặng thì cứ 5 ngày lại có 1 chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại. Cũng có khi, “trời nổi giận”, cả tháng liền tàu không dám nhổ neo. Không chỉ hành khách khổ mà người dân trên đảo cũng muôn phần lo lắng vì sợ thiếu rau xanh và các đồ dùng, sinh hoạt thiết yếu.
Hôm chúng tôi ra đảo, thời tiết khá tốt, gió chỉ giật cấp 4 – cấp 5. Thế nhưng do không quen với việc đi biển nên tàu mới xuất phát được một lúc đã thấy hoa mắt, ù tai, trời biển quay cuồng. Nói như thế để thấy con đường ra đảo vô cùng vất vả. Song với nhiều người, trong cái vất vả ấy lại có những niềm vui vô bờ bến. Gặp tôi trên boong tàu, Nguyễn Thanh Tuấn (15 tuổi) líu lo suốt gần 1 tiếng đồng hồ. Tuấn nói, ở đảo Thổ Châu không có trường cấp 3. Vì vậy, ai muốn học cao hơn thì phải vào Phú Quốc. Và đó cũng chính là lý do mà sau khi học xong lớp 9, Tuấn phải rời đảo vào trường huyện trọ học. Xa nhà suốt 5 tháng ròng đã làm niềm vui trong chuyến trở về của cậu bé trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Tuấn hào hứng: “Vậy là con sắp được về nhà rồi. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha và nhớ nhất vẫn là cô em gái mới 4 tuổi!”.
Tại khoang hành khách, tôi như nhìn thấy niềm vui hiện lên trên gương mặt của chị Nhanh – một tiểu thương, mưu sinh bằng nghề “đạp sóng dữ/ vượt biển Tây/ ra Thổ Châu/ kiếm tiền chợ”. Chị kể, nhà chị ở Giồng Riềng, cuộc sống vất vả lắm. Cũng vì cái ăn, cái mặc nên bén duyên với cái nghề buôn bán trên biển. Năm nay 38 tuổi nhưng chị đã có thâm niên trên 10 năm buôn bán cá tuyến Thổ Châu – Phú Quốc. Theo tàu ra đảo thu mua cá khô, mỗi chuyến như vậy chị kiếm khoảng 1 triệu đồng. “Nếu trời thương, gió yên biển lặng, mỗi tháng cũng kiếm được dăm triệu đồng, đủ lo cho sắp nhỏ” – chị Nhanh thổ lộ. Ngoài mua bán cá, chị còn tranh thủ mang thêm một số mặt hàng nhu yếu phẩm từ Phú Quốc ra bán cho bà con ở đảo nên cũng kiếm thêm đồng ra đồng vào. Chị bộc bạch: “Với chị niềm vui mà con tàu này mang lại chính là khoản tiền lời đó. Bởi chính nó đã làm cho con chị có cái ăn, cái mặc, được học hành đến nơi đến chốn…”.
Cũng trên chuyến tàu xuôi về Thổ Châu hôm ấy, với mẹ con chị Nguyễn Thị Tương lại có niềm vui khác – đó là niềm vui sắp được gặp chồng, cha. Chồng chị Nhanh là một sĩ quan hải quân đang công tác trên đảo Thổ Châu. Đây là lần đầu tiên ra đảo thăm chồng nên mọi thứ với chị đều lạ lẫm. Trước khi thực hiện chuyến xuôi miền cực Nam Tổ quốc, người phụ nữ trẻ quê Nam Định này đã biết trước đường đi vất vả, gian nan lắm, nhất là đoạn từ Phú Quốc ra Thổ Châu. “Nghe kể cũng hãi, nhưng đã hơn 2 năm nay chồng chị bận công tác, chưa về phép. Đứa con trai mới lên lớp 1 cứ suốt ngày nhắc rồi gọi tên bố. Thương quá, gặp dịp nghỉ hè, chị cho cháu ra đảo thăm bố luôn thể… Tiện cả đôi đường” – chị Tương tâm sự…
Đảo nhỏ vươn mình
Không chỉ khi tàu từ Phú Quốc ra, mà từ tất cả 4 phương, 8 hướng nhìn vào Thổ Châu, chỉ thấy một dải đất nhỏ nằm lọt thỏm giữa mênh mông biển khơi, xung quanh là chân trời xa thẳm. Những hôm biển động, Thổ Châu như bức tranh thủy mặc, mờ mờ, ảo ảo trong sương. Khởi hành khoảng 8 giờ sáng, 3 giờ chiều, tàu mới cập đảo. Trái với những hình dung của chúng tôi, cuộc sống của người dân trên đảo khá sôi động với “trên bến dưới thuyền”, tàu ghe ra vào tấp nập.
Con đường huyết mạch dài gần 10km nối liền bãi Dong (nơi tàu cập đảo) về bãi Ngự (trung tâm hành chính của đảo) đã được tráng nhựa gần 10 năm nay. Thêm một nhà máy phát điện nhỏ, những bảng hiệu cửa hàng, quán ăn… tạo cho chúng tôi cảm giác như đang đứng giữa chốn văn minh đô hội ở đất liền. Ít ai biết rằng, người dân trên đảo Thổ Châu đã từng trải qua một thời thương đau, mất mát. Bia tưởng niệm trên đảo vẫn còn khắc ghi: Năm 1975, bọn Khơ-me Đỏ đã bất ngờ tấn công, chiếm đóng và giết hại gần 500 cư dân trên đảo Thổ Châu. Đến năm 1992, nhận thấy tình hình an ninh, trật tự ổn định, UBND tỉnh Kiên Giang mới tiến hành đưa dân ra định cư, mở đầu cho một thời kì hồi sinh của Thổ Châu. Và cũng từ đó, lực lượng hải quân và các chiến sĩ biên phòng luôn sát cánh cùng sự mưu sinh của ngư dân trên đảo.
Là một trong những người đến với Thổ Châu trong đợt di dân đầu tiên, ông Lê Minh Chiến nhớ lại: “Đó là khoảng đầu năm 1992, khi Nhà nước phát động phong trào tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, tôi đăng ký đi ngay. Đợt đầu tiên có tổng cộng 17 hộ với khoảng trên dưới 30 người. Đa số là dân ở khu vực giáp U Minh Hạ, Giồng Riềng và Rạch Giá. Ngày ấy, người nào ra đảo cũng được hỗ trợ 1 năm gạo”. Ông Phan Văn Kháng, người ra đảo cùng đợt với ông Chiến cũng góp chuyện: “Cả năm trời ra đây, không ai biết xài tiền. Bởi có chợ búa gì đâu, chỉ có rừng và biển. Hết thức ăn thì ra biển mà câu, mà bắt cá. Mà anh em hồi đó hay lắm nha. Bắt được bao nhiêu tôm cá đều đem chia cho nhau cùng ăn…”.
Nhịp sống nơi đảo xa cứ thế ngày một khởi sắc. Từ chỗ chỉ có trên dưới 30 người, đến nay, sau đúng 20 năm, dân số đã tăng lên gần 1.500 người. Ông Trần Hoàng Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, tâm sự: “Được xem là thế hệ lãnh đạo thứ 2 trên đảo nên chúng tôi cũng tự hào lắm. Từ chỗ chẳng có gì, giờ người dân Thổ Châu đã biết ăn ngon, mặc đẹp. Có trạm y tế khang trang, có trường học mẫu giáo, trường cấp 1 và cấp 2. Nhiều học sinh của đảo đã lên huyện, lên tỉnh học và thi đỗ đại học…”. Tuy chưa được như ở trong đất liền, nhưng những năm gần đây, người dân trên đảo đã được cung cấp điện sinh hoạt từ 15-16 giờ/ngày. Có điện, kéo theo sự phát triển một số dịch vụ khác, như cửa hàng mua bán các mặt hàng kim khí điện máy, điện thoại di động, dịch vụ sửa chữa điện tử… cũng lần lượt ra đời. “Trong vô số cái không thể thiếu thì điện là cái mà người dân chúng tôi cần nhất. Bởi có nó, tiện lợi trăm bề. Chính vì lí do đó mà khi có điện, dân số cơ học ở đây tăng lên đáng kể, xã đảo ngày càng thêm sầm uất, nhộn nhịp” – ông Nghiệm cho biết thêm.
Hôm chúng tôi ra đảo, việc giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thi công một hệ thống đường nhựa bao quanh đảo đang được tiến hành. Chính quyền và người dân trên đảo vui lắm, họ hi vọng rằng, chỉ không lâu nữa, sau khi con đường trên hoàn thành, nó sẽ trở thành điểm tựa để hòn đảo xa xôi nơi cực Nam Tổ quốc bứt phá vươn lên, cuộc sống người dân thêm phần ấm no, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
Bình luận (0)