Hình ảnh bác nông dân mang theo bên mình chiếc điếu cày và chiếc bùi nhùi rơm giữ lửa, đến lúc nghỉ tay, bác ngồi trên ruộng lúa hoặc bên một bãi cỏ rít một điếu thuốc lào ngẩng đầu lên trời nhả khói bay cao, thả hồn vào cõi mộng, làm tan biến cái mệt mỏi của nghề nông. Có lẽ, đó là giây phút hạnh phúc, an lạc nhất. Trong thời đại văn minh công nghiệp, điếu cày – thuốc lào ngày càng dần quên lãng và nó trở thành một biểu tượng cho nỗi nhớ – niềm say – tình chung thủy. Mà trong cuộc đời này, đâu chỉ có tình yêu mới cần những phẩm chất đó…
Văn hóa hút thuốc lào của người Việt đã có từ xa xưa. Ảnh: I.T
“Say như điếu đổ”
Người Việt xưa có câu: “Điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện”, là những biểu tượng cho sự cộng cảm xã hội “Yêu nhau miếng trầu, quý nhau điếu thuốc”. Mời nhau hút thuốc, lại nâng điếu châm đóm cho nhau là một cách bày tỏ thân tình, thân thiết, lòng trân trọng, quý mến nhau. Hút thuốc, ăn trầu có tác dụng như nhau, nên có thời cả nam nữ đều hút. Nhưng dần hút thuốc phổ biến ở nam giới, ăn trầu ở nữ giới. Xưa phụ nữ có hầu bao giắt thắt lưng đựng trầu, cau, dao… thì nam giới cũng có bao đựng diêm, thuốc, đóm hạt bưởi.
Về tục hút thuốc lào của người Việt, có lẽ dựa vào tên gọi. Theo nhà bác học Lê Quý trong Vân Đài loại ngữ có chép: “Xét ở nước ta, vốn xưa không có thuốc ấy (thuốc hút làm từ lá cây – yên diệp). Từ năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ đời vua Thần Tông, nhà nước Ai Lao đem giống cây ấy đến, dân ta mới đem trồng. Quan, dân, đàn bà, con gái đua nhau hút đến nỗi có người nói rằng: nhịn cơm ba bữa thì còn chịu được, chứ nhịn thuốc một ngày cũng không chịu được”. Phải chăng vì vậy, ông gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ tương tư).
Khi xưa, ở nước ta, thuốc lào phát triển khắp thành thị đến thôn quê. Lúc đầu người ta chỉ hút trong những dịp hội hè, tết nhất, đám cưới… sau nhiều người nghiện, thuốc lào trở thành nhu cầu thường xuyên như cơm ăn, nước uống. Thật vậy, với người Việt, thuốc lào là một thứ thuốc làm dịu sự mệt mỏi, buồn tẻ, khô khan, đơn điệu của cuộc sống hằng ngày nên không thể bỏ qua, thậm chí có người còn gọi là quốc túy. Điếu thuốc lào đã từng được người xưa xem là biểu tượng của nam tử hán. Vua Lê Thánh Tông đã vịnh cái điếu như vịnh về tài trí của người anh hùng: “Đầu mũ lung đai ngồi chỉnh chện. Lòng sông dạ bể tiết xa khơi, Tiếng kêu réo sấm từng vang đất, Hơi thở tuôn mây rẽ ngất trời”. Hay cũng bài vịnh điếu, nhưng lại như một biểu tượng của viên quan chân chính tài đức song toàn: “Vốn ở lâu đài đã bấy nay, Khi lên dễ khiến thế gian say, Lưng in chính trực mười phân thẳng, Dạ vẫn hư linh một tiết ngay”.
Tác giả gặp gỡ những người dân có thói quen hút thuốc lào
Thế mới thấy, sự kỳ diệu của thuốc lào, luôn làm thổn thức và say đắm các văn nhân, thi sĩ, mọi tầng lớp trong xã hội. Còn nhớ, thời chúa Trịnh Sâm, quân lính hút thuốc lào say sưa đến nỗi gây ra nhiều vụ cháy liên tiếp, có vụ cháy hết cả một doanh trại lớn. Chúa phải ra đạo luật bắt chôn tất cả điếu, ai không tuân theo sẽ chém đầu. Một hôm, chúa bất ngờ đích thân đi kiểm tra việc thi hành đạo luật chôn điếu, ngạc nhiên thấy lính đồn trại vẫn nhả khói thuốc như thường. Chúa giận dữ quát hỏi vì sao trái lệnh. Lính thưa rằng, họ đều thi hành đúng lệnh là vẫn chôn điếu, nhưng họ để hở nõ điếu và lổ cắm xe điếu nên vẫn hút được. Chúa Trịnh Sâm vốn rất nghiêm mà vẫn bật cười khâm phục sự thông minh của quân lính và bãi bỏ đạo luật chôn điếu, chỉ truyền nếu hút thuốc gây cháy đồn trại sẽ bị chém đầu. Từ đó trong dân gian xuất hiện câu ca dao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”!
Điếu cày – nghệ thuật và triết lý
Cùng với cơi trầu, chiếc điếu và bộ đồ pha trà là những đồ dùng tiếp khách trong mỗi gia đình người Việt xưa: “Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”. Do vậy, cái ống điếu đã gắn với người dân ta từ nhiều đời và trở nên thân quen, gần gũi với nhiều mẫu dáng tạo hình, trang trí phục vụ cho nhiều đối tượng. Điếu hút vượt khỏi chức năng thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà còn trở thành một vật phẩm mang tính nghệ thuật, mỹ nghệ cao.
Sau khi hút một điếu thuốc lào, người ta thấy khoan khoái, tỉnh táo say sưa, yêu đời. Tuy vậy, dưới mắt của thầy thuốc, thuốc lào hại nhiều, lợi ít, nên bỏ, cần cấm. Đặc biệt, văn minh công nghiệp phát triển, thuốc lá, thuốc lào cần hạn chế. Trong tương lai bát điếu, điếu cày chỉ còn ở dạng hiện vật lưu trữ ở các bảo tàng, để con cháu nhớ về một loại thuốc hút khá đặc biệt của cha ông, nó mang cả ý nghĩa triết lý, sự kỳ công, nghệ thuật, một tâm hồn chân chất, quê hương bình dị, nơi có thể thả hồn qua làn khói thuốc nhìn mây trời lồng lộng giữa những buổi trưa hè đầy nắng gió… |
Điếu hút có nhiều loại: điếu cày, điếu bát, điếu ống. Điếu bát thông dụng trong hầu hết các gia đình người Việt xưa, điếu ống dùng trong các gia đình quyền quý, điếu cày phổ biến trong các gia đình lao động. Điếu bát thường làm bằng sành, sứ có trang trí cổ bình hình trái xoan, thường đặt trong bát gỗ tiện gọi là bát điếu dùng hứng đựng bã thuốc. Hoa văn trên điếu trang trí rất độc đáo, có khi ẩn hình rồng, hay hình sơn thủy, thi văn bằng chữ Hán… Người sang trọng, khi đi ra đường không chịu cảnh gặp điếu nào cũng hút, đã nghĩ ra cách chế tạo điếu ống. Điếu ống được làm từ ống tròn bằng gỗ quý (gụ, trắc) có khảm xà cừ công phu. Điếu được bịt bạc, vách điếu giác bộ, đai và quai điếu cũng được làm bằng bạc, rất công phu và nghệ thuật. Còn người bình dân hút thuốc lào bằng điếu cày. Đó là một khúc tre, khúc trúc đẹp, gồm 2 đốt. Đốt dưới để nguyên. Đốt trên có khoan một lỗ nhỏ, để cho nước vào trong. Chỗ có nước được cắm vào một chiếc nõ điếu mà phần dưới của nõ điếu được cắm vào phần có nước xuyên qua ống tre.
Khác với mọi thứ thuốc khác trên đời chỉ hút bằng lửa, thuốc lào hút bằng cả lửa và nước. Lửa đốt thuốc tạo khói mang hương vị, nước lọc khói làm giảm chất sốc, nóng, độc. Chính sự giao hòa giữa lửa – nước, âm – dương ấy đã tạo nên tính nghệ thuật và triết lý của việc hút thuốc lào. Cái điếu thuốc lào có thể là một cây kèn nhiều âm điệu, lúc nhịp nhàng tí tách nhặt khoan, lúc rít ròn rã vút lên đầy lôi cuốn, rồi vụt biến trong dấu lặng dài gợi nỗi dở dang thèm nhớ. Người hút thuốc lào đúng điệu như một nghệ sĩ điều khiển nước, lửa, âm thanh, ánh sáng, hình khối, lúc chống điếu hút kín mồm, lúc nâng điếu lên rít bên mép, lúc ngửa mặt phả khói… Bao nhiêu động tác, đòi hỏi sự tinh tế, công phu.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)