Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhớ bài sâu, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Phạm Ngọc Tường (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm học tập với SV
Làm thế nào để giúp sinh viên (SV) ghi nhớ bài học sâu và áp dụng linh hoạt vào đời sống thực tiễn? Đó là một trong những nội dung được trình bày tại tọa đàm “Trao đổi phương pháp học tập và thi hiệu quả” do Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tổ chức ngày 12-11.
Cách ghi nhớ sâu
Tại tọa đàm, các giảng viên (GV) đã trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giúp SV có thể nhớ sâu và phát huy nhiều kỹ năng. Ông Phan Gia Phước (GV Khoa CNTT) từng đạt giải nhì Cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố, chia sẻ: “Để SV vừa học vừa hành, tôi chọn phương pháp dạy học tích hợp theo định hướng năng lực thực hiện. Phương pháp này sẽ giúp SV đạt được những kỹ năng nghề nghiệp như xác định mục tiêu nghề nghiệp, làm thế nào đạt được mục tiêu đó… để SV khi ra trường sẽ không bỡ ngỡ, còn doanh nghiệp khỏi mất công đào tạo lại. Một trong những vấn đề cần lưu tâm đối với phương pháp này là dù GV có đào tạo thế nào để bắt buộc SV đạt chuẩn công việc thì doanh nghiệp vẫn luôn thay đổi, công nghệ luôn thay đổi. Bởi vậy, GV cần hợp tác với doanh nghiệp để họ chia sẻ những tiêu chuẩn mà SV cần đạt được sau khi ra trường, từ đó áp dụng vào chương trình đào tạo”.
Một trong những vấn đề SV khối ngành kỹ thuật cho rằng khó ghi nhớ nhất là ngoại ngữ. Em Nguyễn Đình Thắng (lớp CD14, OT6) thắc mắc: “Ngày nào em cũng học tiếng Anh mà không thể nhớ, đặc biệt là phần phát âm thường bị GV phê bình”. Về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Mai Dung (GV Khoa Ngoại ngữ) đưa ra lời khuyên: “Với môn tiếng Anh, sau khi nghe giảng ở lớp, các em nên dành thời gian luyện tập nhiều để trở thành thói quen và ngấm dần vào khả năng học ngoại ngữ của mình. Còn khi luyện phát âm thì các em nên nghe từ điển Anh – Anh của Oxford bởi khi nghe người bản ngữ phát âm sẽ chính xác hơn. Nhiều em cho rằng việc phát âm không quan trọng là hoàn toàn sai bởi khi tra phiên âm, ghi từ loại và ghi nghĩa mới biết từ đó dùng trong ngữ cảnh gì, phát âm như thế nào…”.
Tăng cường rèn kỹ năng, đạo đức
Những năm gần đây, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã có nhiều hoạt động đổi mới dạy học như áp dụng đào tạo theo tín chỉ cho hệ trung cấp từ năm 2011, thực hiện Học kỳ trong doanh nghiệp cho SV…
Bà Phạm Ngọc Tường (Phó hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Để công tác đổi mới dạy học đạt hiệu quả cao, nhà trường luôn tạo điều kiện để GV nâng cao năng lực ngoại ngữ và trình độ chuyên môn. Đặc biệt, nhà trường không chỉ tập trung đưa chương trình Học kỳ doanh nghiệp đến với SV mà còn có cả GV. Từ đó, GV có điều kiện tiếp cận với doanh nghiệp, nghiên cứu dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp cũng như các dự án để qua đó nắm được nhu cầu của thị trường lao động và có những điều chỉnh trong chương trình, phương pháp, mục tiêu giảng dạy…”.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng học tập cho SV, vấn đề mà SV thường xuyên thắc mắc là khi ra trường trình độ chuyên môn của họ rất cao sao vẫn thất nghiệp hay làm vài ba bữa lại bị doanh nghiệp cho nghỉ việc. Bà Phạm Ngọc Tường cho hay: “Năm 2015 sẽ có sự vận chuyển lớn lao động trong khu vực ASEAN nên SV tốt nghiệp cần phải có kiến thức, năng lực ngoại ngữ và kỹ năng, thái độ. Hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển dụng đều thẳng thắn cho rằng SV Việt Nam không yếu về năng lực nhưng hành vi, thái độ, đạo đức còn thiếu nên họ rất lo ngại…”.
Về vấn đề kỹ năng, em Nguyễn Thị Hồng Thẩm (đạt giải nhất Hội thi giỏi nghề cấp thành phố năm 2014) chia sẻ: “Trong kỳ thi giỏi nghề cấp thành phố năm nay, ngoài vấn đề kiến thức thì kỹ năng mềm là yếu tố rất quan trọng để Ban giám khảo đánh giá thí sinh. Chẳng hạn, em dự thi phần hướng dẫn viên du lịch, ngoài kiến thức chuyên môn ở trường, em phải thường xuyên rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm để khi tranh tài ở  phần thi năng khiếu không thấy bỡ ngỡ…”.
Bài, ảnh: D.Bình
Quan trọng là năng lực chuyên môn của GV
Theo ông Phan Gia Phước (GV Khoa CNTT), các thành phần năng lực được tích hợp phải dựa vào các tình huống cụ thể trong đời sống để SV tiếp cận rõ ràng hơn, cụ thể hơn và phải tích hợp được 3 thành phần là kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài yếu tố cơ sở vật chất thì năng lực sư phạm và chuyên môn của GV là điều quan trọng nhất. Theo đó, GV phải biết kết hợp nhiều phương pháp giáo dục khi áp dụng dạy học tích hợp này.
 
 

Bình luận (0)