Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhớ Cần Vương

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 13-7, nhân kỷ niệm 125 năm ngày vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương (13-7-1885), tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ hội Cần Vương lần thứ nhất với chủ đề "Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương" tại khu di tích thành Tân Sở thuộc xã Cam Chính (huyện Cam Lộ).

Mặt bằng khu vực 1 di tích thành Tân Sở bị san ủi để phục vụ lễ hội “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” trong khi chưa có khai quật khảo cổ học (ảnh chụp trưa 13-7) – Ảnh: THÁI LỘC

Lễ hội đã tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng từ ngày đầu tiên khi vua Hàm Nghi từ kinh đô Huế ra thành Tân Sở ban dụ phát động phong trào kháng Pháp và nhận được sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của sĩ phu và nhân dân cả nước.

Cũng trong ngày 13-7, tại thị trấn Cam Lộ, UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học lịch sử VN đã tổ chức hội thảo khoa học "Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương" với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu của cả nước. Hội thảo đã tập trung thảo luận về phong trào Cần Vương như là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử VN thời cận hiện đại, trong đó thành Tân Sở có vai trò là kinh đô kháng chiến của một phong trào yêu nước kéo dài hơn mười năm.

Thành Tân Sở được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1995, với diện tích khu vực 1 là 22,9ha. Hiện trạng khu thành này gần như là một bãi đất mấp mô, do bị người Pháp triệt hạ và bị thời gian tàn phá. Cho đến nay nhiều ý kiến vẫn chưa thống nhất về cấu trúc, vật liệu, quy mô… của khu thành quan trọng này.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng khu thành này ngày xưa từng có rất nhiều kiến trúc quan trọng, bao gồm nhiều vòng thành có lũy tre bao quanh. Ở bên trong là một quần thể kiến trúc có tính chất quân sự như nhà chỉ huy, trại lính, vọng gác, kho đạn dược, kho hậu cần, bãi tập trận…

Tất cả những kiến trúc này rất có thể tồn tại ở dạng nền móng đang nằm dưới lòng đất. Do đó để bảo tồn và phát huy giá trị của thành Tân Sở, nhiều tác giả đồng thời đề nghị cần thực hiện công tác thám sát hoặc khai quật khảo cổ học trên diện rộng. Trên cơ sở đó, tiến hành phục dựng một số kiến trúc quan trọng của di tích như cổng, một phần lũy thành, hào vàng lũy tre…

Ðồng thời nên xây dựng khu trưng bày hoặc bảo tàng Cần Vương để trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan đến Tân Sở cũng như phong trào Cần Vương; xây dựng tượng đài vua Hàm Nghi, lập đền thờ và dựng bia tưởng niệm các nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương… Nhiều ý kiến cũng đồng tình lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận khu thành này là di tích quốc gia hạng đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng – giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Quảng Trị, ngay sau cuộc hội thảo này tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn tôn tạo khu di tích thành Tân Sở, biến nơi đây thành khu vực tưởng niệm vua Hàm Nghi, các vị văn thân trong phong trào Cần Vương và là địa chỉ văn hóa du lịch quan trọng của tỉnh Quảng Trị.

San ủi khu di tích chưa khai quật khảo cổ

Trong khi tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo nhằm phục dựng di tích thành Tân Sở, trước đó vào tháng 5-2010, để tổ chức lễ hội Cần Vương, huyện Cam Lộ đã cho san phẳng khu đất rộng 2ha trong khu vực 1 của khu di tích – nơi chưa được tiến hành công tác khảo cổ học – để làm sân khấu và khán đài lễ hội.

Ông Nguyễn Huynh – phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, trưởng ban tổ chức lễ hội Cần Vương lần thứ nhất – cho biết việc làm này theo hình thức dùng xe ủi san bằng mặt đất, sau đó dùng xe chuyên dụng lăn đều lên mặt bằng. Việc san ủi này do lãnh đạo huyện Cam Lộ chỉ đạo. Cũng theo ông Huynh, khu đất này trước đó là một bãi đất trồng sắn của người dân, có địa hình không bằng phẳng, có nhiều hố bom lồi lõm… Việc san ủi này đã phát hiện được một số di vật như đạn pháo, gạch vỡ…

Về điều này, tiến sĩ Phan Thanh Hải – phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế – nói: “Việc san ủi bề mặt như vậy rất dễ làm lẫn lộn các yếu tố gốc của di tích bên dưới”. PGS.TS Đỗ Bang, phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, cho biết: “Việc làm này không đúng, may mà tôi phát hiện được và nói ngay… Tôi cũng đã đề nghị phải khai quật khảo cổ học toàn diện trước khi làm bất cứ chuyện gì ở đây”.

THÁI LỘC – QUỐC NAM (Theo TTO)

Bình luận (0)