Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Nhờ có Tạp chí Giáo dục, đôi lúc tôi đóng vai “chuyên gia”

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi viết cho Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo, rồi Báo Giáo dục TP.HCM và bây giờ là Tạp chí Giáo dục TP.HCM tính đến nay đã gần 1/4 thế kỷ. Quãng thời gian ấy trong 30 năm thành lập tạp chí kể ra cũng khá dài và chính độ dài ấy, tạp chí đã cho tôi được trải nghiệm vai trò cầm bút ở nhiều khía cạnh: bạn đọc, nhà báo, phụ huynh, nhà giáo và đôi lúc được đóng vai một… “chuyên gia”.

Từ những bài viết trên Giáo dục, tác giả đã tập hợp và tuyển chọn xuất bản 2 cuốn sách về lĩnh vực giáo dục

“Chuyên gia” hẳn là cách mà anh Trương Tấn Trực, Phó Thư ký Tòa soạn, gọi vui khi đặt hàng cho tôi viết một bài nào đó. Ngoài chỗ bạn học thân tình, có lẽ anh Tấn Trực còn có sự tin tưởng tôi nhất định nên nhiều lần yêu cầu tôi phải có một bài về một lĩnh vực mà có khi không phải sở trường của tôi. Có một số đề tài mà tôi nhớ: về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, về kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm, về đề thi một số môn (nhất là các môn khoa học xã hội), về phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT (nhất là với phổ điểm môn lịch sử), về việc tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, về vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục, về một vụ bạo lực học đường, về một cách giáo dục trẻ, về việc chọn nghề hoặc tư vấn tuyển sinh… Trong nhiều năm qua, có lẽ tháng nào tôi cũng được giao nhiệm vụ viết một chủ đề nào đó. Nhất là với các số đặc biệt (như số khai giảng năm học mới, số Tết, số Ngày Báo chí cách mạng…), tôi đều được mời viết bài; dù không giới hạn chủ đề nhưng vì là số đặc biệt nên hàm lượng thông tin và chất xám, cũng như độ “dày” của bài viết cũng phải đậm hơn.

Trong hầu hết các trường hợp tôi đều cố gắng hoàn thành lời hứa. Đương nhiên, tôi phải giữ uy tín với bạn nhưng cái chính là tôi thích viết cho tờ Giáo dục. Có lẽ tôi ít nhiều có duyên nợ với lĩnh vực giáo dục mà chính tờ Giáo dục đã cho tôi cơ hội được bày tỏ ý kiến, được chia sẻ quan điểm về một số vấn đề có liên quan… Vì vậy, tôi luôn viết các bài cộng tác dù chủ động hay theo gợi ý bằng sự hăng say, hứng thú. Có khi đọc một cuốn sách, tôi lẩy ra được một tình huống giáo dục thế là viết ngay; có khi đọc một mẩu tin, phát hiện ra một vấn đề có liên quan đến giáo dục, tôi cũng không trì hoãn việc bày tỏ ý kiến về vấn đề đó; có khi bức xúc với một câu chuyện, một chi tiết ở khía cạnh giáo dục, tôi cũng hăng hái viết để chia sẻ một góc nhìn khác… Còn với các bài được đặt hàng, có khi không thuộc vấn đề tôi am hiểu thì với trách nhiệm của một người viết, tôi thường tìm hiểu khá kỹ các thông tin, quy định có liên quan. Dù tôi không dám nhận mình là “chuyên gia” nhưng chính nhờ Giáo dục, nhờ được đặt bài cho Giáo dục, mà tôi có dịp tham khảo, tìm hiểu thêm một số vấn đề nào đó vốn chưa có hiểu biết đầy đủ.

Trong gần 25 năm qua, tôi đã viết rất nhiều bài cho Giáo dục, tập trung vào các nhóm chủ đề chính: ý kiến về chương trình giảng dạy; việc dạy, học, kiểm tra và đánh giá; các kỳ thi; về một số môn học cụ thể (nhất là nhóm các môn khoa học xã hội); việc giảng dạy của giáo viên; vai trò và hình mẫu người thầy; về giáo dục đạo đức trong nhà trường; về việc sử dụng tiếng Việt và hun đúc tình yêu tiếng Việt cho trẻ; về một số vấn đề mang tính thời sự trong lĩnh vực giáo dục… Với chủ đề nào tôi cũng viết nghiêm cẩn, cả trong tiếp cận vấn đề, cách diễn đạt, cách dùng từ và nhất là tâm thế phản ánh. Tôi luôn thể hiện tính gợi ý, đề xuất chứ không phê phán trực diện, không kêu gọi suông, không sử dụng các từ ngữ đao to búa lớn. Chẳng hạn, vì luôn khơi gợi, động viên giới trẻ dùng tiếng Việt trong sáng nên tôi cố gắng viết tiếng Việt giản dị và đúng nhất có thể. Có khi anh Tấn Trực phê bình mà tôi phải xấu hổ vì một lỗi chính tả, một lỗi kỹ thuật, một lỗi diễn đạt: “Thầy Hải (anh Trực hay gọi vui tôi như vậy) biểu người ta đọc kỹ, viết kỹ mà thầy lần này viết không kỹ nhé!”. Câu nửa đùa nửa thật nhưng tôi luôn chú ý khắc phục để tránh lặp lại các lỗi tương tự.

Tôi mong Giáo dc ngày càng đp v hình thc, sâu v ni dung, đm v cht lưng các n phm, tác phm, đa dng hơn v các th loi và các nn tng, đ tiếp tc gi vai trò là “cm nang” ca các trưng hc, các giáo viên và ph huynh ca thành ph

Từ những bài trên Giáo dục, tôi đã tập hợp và tuyển chọn thành 2 cuốn sách về lĩnh vực giáo dục. Năm 2017, cuốn “Những câu chuyện giáo dục” được Nhà Xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, với lời giới thiệu của TS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, có đoạn: “Qua sách, ta có thể khắc họa chân dung của tác giả, đó là một người hay đọc, chịu học, chịu khó suy nghĩ, tích lũy kiến thức và luôn trăn trở với một nền giáo dục thực học và thực nghiệp từ nhà trường bước ra cuộc đời. Chính những nỗi trăn trở ấy giúp lòng anh rung động, nhạy cảm phát hiện ra vấn đề trong cuộc sống. Chính những nỗi trăn trở ấy tạo ra nỗi bức xúc trào ra qua ngón tay bấm phím để có những bài báo có sức thuyết phục lý trí, thậm chí lay động tình cảm…”. Năm 2019, cũng từ các bài viết trên Giáo dục, tôi ra tiếp cuốn “Cùng em yêu tiếng Việt”, là những gợi ý của một phụ huynh, một người viết báo, một người có tham gia công tác giảng dạy về những biểu hiện chưa thực sự tích cực trong việc dùng tiếng Việt trong nhà trường…

Thành ra, tôi có cơ hội được trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều khía cạnh liên quan đến giáo dục, và nhất là được phát triển kỹ năng, phát triển nghề nghiệp nhờ vào sự cộng tác với Giáo dục. Qua hơn 25 năm viết báo, tôi đã cộng tác hàng chục tờ báo, tạp chí của thành phố, của Trung ương và các tỉnh, nhưng Giáo dục là một trong số không nhiều tờ tôi gắn bó lâu nhất về mặt thời gian, nhiều nhất về mặt số lượng bài viết, phấn khởi nhất về mặt tâm trạng.

Nên nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, tôi hy vọng duyên nợ với Giáo dục sẽ còn được tiếp tục để tôi có thêm cơ hội được gắn bó sâu hơn với lĩnh vực giáo dục, không chỉ ở vai trò một người có tham gia công tác giảng dạy. Tôi mong Giáo dục ngày càng đẹp về hình thức, sâu về nội dung, đậm về chất lượng các ấn phẩm, tác phẩm, đa dạng hơn về các thể loại và các nền tảng, để tiếp tục giữ vai trò là “cẩm nang” của các trường học, các giáo viên và phụ huynh của thành phố, đồng thời là diễn đàn để các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia và bạn đọc có thể đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho hoạt động giáo dục của thành phố.

ThS. Nguyn Minh Hi

Bình luận (0)