Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhờ đâu doanh nghiệp bất động sản lãi lớn?

Tạp Chí Giáo Dục

Đẩy mạnh bàn giao nhà là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc lãi lớn, bất chấp đại dịch Covid-19…
Đợt dịch thứ 4 bùng phát và kéo dài tới nay khiến nhiều tỉnh, thành trọng điểm bị phong tỏa, thị trường bất động sản gần như đình trệ, hàng loạt công ty lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản. Tuy vậy, bức tranh lợi nhuận quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc lại cho thấy những điều hoàn toàn trái ngược.
Lãi đột biến
Cụ thể, ở nhóm DN nhà ở, Công ty CP Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần 28.725 tỉ đồng trong quý II/2021 và lãi sau thuế tới 10.303 tỉ đồng, tăng lần lượt 75% và 202% so với cùng kỳ năm 2020.
Kế đến là Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland) công bố doanh thu thuần quý II đạt 2.543 tỉ đồng, lãi sau thuế 1.312,9 tỉ đồng, tăng lần lượt 258% và 50% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn hưởng lợi từ việc bàn giao các dự án trọng điểm như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet; phần còn lại đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng và lãi do đánh giá lại phần sở hữu ở các công ty con.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đất Xanh công bố doanh thu thuần quý II đạt tới 3.563 tỉ đồng, tăng gấp 7,4 lần so cùng kỳ năm 2020 – con số cao nhất kể từ khi DN này niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2009. Bên cạnh đó, đại gia bất động sản này đạt lợi nhuận sau thuế gần 479 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 468 tỉ đồng. Lý giải sự tăng trưởng đột biến này, Tập đoàn Đất Xanh cho biết doanh thu, lợi nhuận lớn là từ các dự án mà công ty đã triển khai bán hàng thành công từ năm 2020 cũng như hoạt động môi giới, dịch vụ vẫn phát triển tốt so với cùng kỳ năm trước.
Một dự án căn hộ của Novaland ở TP HCM.
Ở nhóm DN có quy mô nhỏ hơn như Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng công bố con số doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến trong quý II/2021. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 390,5 tỉ đồng, tăng 37% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhờ chuyển nhượng 14% quyền tham gia đầu tư dự án Sơn Tịnh – Quảng Ngãi và ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty con đã mang về cho DN này khoản lợi nhuận sau thuế 177 tỉ đồng, tăng 88% so với quý II/2020.
Ngoài ra, các DN chuyên về bất động sản khu công nghiệp cũng công bố mức doanh thu, lợi nhuận đột biến trong quý II bất chấp dịch bệnh hoành hành khiến nhiều DN sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) công bố kết quả kinh doanh quý II lãi ròng gần 177 tỉ đồng, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ; Công ty Long Hậu báo cáo lãi quý II cao nhất lịch sử hoạt động với hơn 217 tỉ đồng, nâng mức lãi 6 tháng lên 250 tỉ đồng, vượt xa 1,5 lần kế hoạch cả năm, trong đó lợi nhuận chủ yếu đến từ cho thuê lại đất khu công nghiệp, nhà xưởng và khu lưu trú. Công ty CP Sonadezi Châu Đức báo cáo lợi nhuận quý II tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 109 tỉ đồng. Khoản thu này phần lớn cũng đến từ cho thuê đất và phí quản lý.
Chỉ là số ít
Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc Novaland, cho rằng thị trường bất động sản hấp thụ dòng tiền rất tốt, chỉ sau chứng khoán. Vì vậy, khi các hoạt động sản xuất – kinh doanh chững lại vì dịch Covid-19 thì dòng tiền sẽ tự động tìm đến bất động sản để đầu tư. Dòng tiền từ chứng khoán qua bất động sản rất nhanh, vì đây là 2 kênh đầu tư tương hỗ. Khả năng là sau giai đoạn giãn cách, bất động sản sẽ thu hút tiền. Điều này giúp DN bất động sản có tiềm lực vẫn làm ăn hiệu quả bất chấp dịch bệnh.
Ông Vũ Ngọc Quang, chuyên gia phân tích của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư – Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng việc lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp trong thời gian dài có tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Ngoài ra, theo ông Quang, chu kỳ kinh doanh của nhóm ngành bất động sản có sự khác biệt so với các ngành khác. Chẳng hạn, chu kỳ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và kinh doanh dài hơn so với các ngành như thép, chứng khoán, ngân hàng… Vì tính chất này mà kết quả kinh doanh trong kỳ thường không phản ánh hết hoạt động của DN bất động sản.
Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng DN bất động sản lãi lớn trong lúc dịch bệnh còn phức tạp chỉ là số ít trên thị trường và chủ yếu tập trung ở nhóm DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.
Theo ông Trần Khánh Quang, DN bất động sản niêm yết được hưởng lợi nhờ lực đỡ rất lớn từ thị trường chứng khoán. Chính diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán giữa đại dịch đã giúp DN bất động sản niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận khá tốt.
Bên cạnh đó, đặc thù của ngành bất động sản là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm.
Với đặc thù ghi nhận doanh thu này, các DN niêm yết không phụ thuộc tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao thị trường bất động sản trầm lắng suốt quý II nhưng các DN địa ốc vẫn báo doanh thu và lợi nhuận cao.
Theo ông Trần Khánh Quang, DN bất động sản niêm yết thường có kế hoạch kinh doanh dài hơi và quy mô, nguồn lực lớn nên khả năng xoay xở trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành cũng tốt hơn phần còn lại của thị trường vì vậy các chỉ số kinh doanh “đẹp” hơn.
 
Sơn Nhung (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)