Tại hội chợ du lịch quốc tế Nhật Bản 18/9 năm nay, quầy giao dịch của Việt Nam có một mảng tường to dán tấm ảnh đèn lồng đỏ rực. Bên ngoài còn một dãy hai ba lớp đèn lồng nhỏ treo như giàn bầu bí trông rất bắt mắt.
Hình ảnh đèn lồng trong gian hàng Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế, Nhật Bản tháng 9/09 |
Có lẽ, tấm hình và những đèn lồng kia được lấy từ Hội An, một điểm du lịch hấp dẫn. Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ đèn lồng là của người Trung Quốc và người Nhật Bản. Bởi thế, tôi thấy ngờ ngợ khi ban tổ chức lấy đèn lồng làm hình ảnh đặc trưng của dân tộc Việt.
Tôi còn nhớ những năm kháng chiến, gia đình tôi ở Việt Bắc. Tôi nghe bố mẹ kể về chiếc đèn kéo quân vào Tết Trung thu những năm xưa. Trong trí tưởng tượng của tôi, đó là cây đèn đặc biệt, cứ thắp dầu lên là nó quay khung đèn phía trong, do chiếc chong chóng trên nóc đèn nhận khí nóng từ dầu thắp bốc lên.
Những hình ảnh voi chiến, ngựa chiến, những đoàn quân in bóng chuyển động liên tục lên lớp vỏ ngoài. Nghe và tưởng tượng hay lắm, như hình ảnh trong giấc mơ, chưa một lần nhìn thấy.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, được về quê nhưng chưa từng thấy cây đèn vì nghe nói chỉ được chơi trong những ngày Trung thu ấy. Chiếc đèn như vậy tôi chắc nó hơn hẳn những chiếc đèn lồng xanh đỏ của văn hóa Trung Hoa.
Trong suy nghĩ của tôi, những mái nhà cổ Hội An kiểu Nhật, kiểu Trung Hoa rất đáng lưu giữ. Những đèn lồng Trung Hoa, Nhật Bản, đó là sự tiếp nhận văn hóa ngoại làm phong phú cho đời sống chứ không phải hướng ngoại để khuất lấp mình.
Năm trước về quê, hỏi mấy cụ già về chiếc đèn kéo quân, thấy các cụ kể rất trân trọng, nhưng cả xã hình như chỉ còn một cụ biết làm. Khuôn mẫu chiếc đèn kéo quân cầu kì bây giờ nhiều người không còn nhớ. Nhưng chắc vẫn còn nhiều người biết. Có lẽ, đây mới chính là cây đèn treo của người Việt Nam. Cây đèn nhắc lại việc chinh chiến miên man để giữ đất giữ nước.
Năm nay nghe nói lần đầu tiên phố cổ Hà Nội tổ chức Trung thu, sẽ có hội chơi đèn lồng vui lắm, tiến tới nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ, nếu bây giờ Thủ đô mở cuộc thi đèn kéo quân cho dịp đại lễ thì còn kịp. Sang năm, Trung thu trên đất Hà thành có cuộc trình diễn hàng trăm kiểu đèn kéo quân thì vui và ý nghĩa biết mấy.
Nếu cuộc thi được phổ biến, phát động thì những người già còn lại trên đất Hà Nội sẽ ra tay phục sinh cây đèn của người Việt Nam, để nó hãnh diện sánh với cây đèn du nhập. Và với quốc tế, Việt Nam có một cây đèn đẹp như tiếng đàn bầu để mà tự hào!
Đỗ Đức (Theo TPO)
Bình luận (0)