Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhớ đến mùa khai giảng đầu tiên ở vùng đất mới

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng năm, c vào mùa tu trưng thì tôi thưng nh đến mùa khai ging đu tiên khi gia đình tôi chuyn đến sng vùng đt mi…


Hc sinh chào c trong bui l khai ging năm hc mi (nh minh ha). Ảnh: Y.H

Năm đó, chuẩn bị năm học mới, ba tôi đã lặn lội đạp xe cả chục cây số đi tìm trường để cho anh em chúng tôi nhập học. Tôi thì vào lớp 8, hai em tôi thì vào lớp 5 và lớp 4. Không biết ông hỏi từ đâu mà đem nộp hồ sơ cho tôi vào Trường THPT bán công Định Quán, nay là Trường THPT Định Quán, còn hai em tôi thì vào Trường Tiểu học Phú Hoa, nay là Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Mấy ngày sau, có người gợi ý rằng với sức học của tôi thì nên học ở Trường THPT cấp 2-3 Tân Phú, nay là Trường THPT chuyên ban Tân Phú. Thế là ông lại mọ mò đi rút hồ sơ và chuyển cho tôi vào trường đó. Thời may, ông gặp ngay thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Ban, nhìn thấy học bạ của tôi thì thầy xếp cho tôi vào lớp A1… Tôi nhớ mãi buổi đầu tiên ba chở tôi đến trường nhập học. Hồi ấy cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp nữ yên rất thấp. Ba tôi thì người rất cao to nên ngồi đạp trên chiếc xe đó leo các con dốc trên Quốc lộ 20 dưới trời nắng gắt thì quả là một cực hình. Tôi ngồi sau thấy lưng áo của ba ướt đẫm. Hồi còn ở quê, ba cõng tôi trên lưng để nhảy qua các “khúc đứt” (đoạn bờ ruộng bị “chặt” để lấy nước ra vô) hay để tôi ngồi trên vai mà bơi qua kinh thì rất nhẹ nhàng, nhưng đi xe đạp ở đường miền Đông dốc lên xuống liên tục thì vô cùng vất vả. Và hình ảnh đó đã theo tôi suốt quãng đời còn lại.

Việc ba tôi sắp đặt ưu tiên việc học cho các con là điều bị nhiều người dè bĩu. Người quê tôi, trong đó có không ít họ hàng, từ Bến Tre lên sống ở Đồng Nai rất nhiều, nhưng rất hiếm người quan tâm cho con đi học, điều hoàn toàn khác so với người gốc miền Trung, miền Bắc. Vì vậy, khi thấy ba mẹ tôi trích một nửa gia tài đem từ quê lên để mua một căn nhà nhỏ ở ngoài Quốc lộ 20 nhằm cho anh em chúng tôi tiện bề đi học thay vì để tiền đó mua được gần hai mẫu đất thì nhiều người cười ra mặt. Họ nói gần xa đại ý: Để rồi coi, mấy đứa con ông học hành tới đâu… Nhưng ba tôi không mấy bận tâm. Ông biết mình nên làm gì, vì cứ lấy cái nghèo khổ do thất học trong gia đình và dòng họ thì hiểu rằng muốn vươn lên không có con đường nào khác ngoài đi học. Hồi tôi còn nhỏ, dù mới học tới lớp 3 trường làng nhưng ba đã giúp anh em chúng tôi học một cách khá bài bản. Chúng tôi đều biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1; ở các môn học, ba tôi chỉ cần xem qua sách giáo khoa thì đều có thể giảng giải ngọn ngành. Ngay cả môn tập làm văn, vốn là môn học ông rất kém (ba tôi tự nhận ông giỏi toán) thì cũng hướng dẫn cho chúng tôi các bài lớp 5 một cách dễ dàng. Còn môn toán thì các bài số học cho đến lớp 6 ông đều chỉ ro ro. Có lẽ nhờ vậy mà từ nhỏ tôi tính toán rất nhanh, có khi chỉ cần tính rợ (tính nhẩm) vẫn nhanh hơn những đứa khác lấy giấy sắp sẵn bài toán. Còn những bài nào không hiểu thì ông bảo: “Để ba hỏi bác Ba”. Bác Ba là bạn của ba tôi, là chồng của cô giáo chủ nhiệm của tôi hồi lớp 5. Ông nguyên là thầy giáo từ trước giải phóng, sau dạy thêm một thời gian rồi mới nghỉ. Ở quê, ngày ấy bác Ba như là một trí thức có tiếng, vì ông học đến bậc cao đẳng, lại đọc nhiều và chịu nghĩ. Chính bác Ba trở thành một trong những hình mẫu để ba tôi quyết tâm cho con đi học. Bác Ba nhà trên giồng, nhưng mỗi khi đi làm ruộng thì hay ghé ngang nhà tôi uống trà với ba tôi hoặc hỏi thăm vài câu…

Sau buổi đầu tiên được ba đưa đến trường, các buổi sau tôi tự đi vì đã tập chạy được xe đạp. Hồi ấy, tôi biết đi xe đạp rất muộn nhưng biết lội kinh và bơi xuồng rất sớm! Không chỉ vậy, tôi còn có nhiệm vụ chở một trong hai em đi học, nếu hôm nào không kịp đón xe lam. Ở các buổi họp phụ huynh, ba tôi hăng hái phát biểu và ủng hộ các khoản đóng góp, dù khi đó gia đình rất khó khăn. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Ban có lần nhắc trước toàn trường về “ông phụ huynh ở Phú Hoa” với lòng tôn trọng; mãi nhiều năm sau này, khi nhắc đến “ông phụ huynh” ấy thì thầy vẫn hỏi thăm tỉ mỉ. Căn nhà ở mặt đường chỉ để anh em chúng tôi đi học. Hằng ngày, sau giờ học, chúng tôi vào rẫy phụ việc, chiều tối mới về học bài và sáng đến trường. Khi xã Phú Hoa tách thành 3 xã Phú Tân, Phú Vinh, Phú Lợi, chỉ ít lâu sau đó, tôi cùng hai đứa bạn nữa trở thành những người đầu tiên của xã đậu đại học.

Ba tôi luôn ước ao tôi có thể học ngành nông lâm rồi về làm việc ở huyện nhà để gần gũi gia đình. Nhưng tôi chọn học ngành báo chí và quyết tâm theo nghề này. Năm đó, khi thi đại học đợt đầu tiên, tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ đậu nên dọn đồ và đón xe về nhà vì nhớ nhà không chịu nổi. Nhưng ba không bằng lòng, có lẽ ông sợ có gì rủi ro thì tôi không vào đại học được chăng…, nên bắt tôi quay trở lại nhà người quen để thi tiếp trường luật. Năm đó, tôi đậu hai trường và cùng với một người cô họ trở thành hai người đầu tiên của dòng họ đậu vào đại học. Khi tôi đi học đại học, nhà mất một lao động chủ chốt, điều kiện đường sá bấy giờ được cải thiện nên ba tôi bán căn nhà ngoài mặt đường để mua thêm vài mẫu rẫy, dốc sức nuôi mấy anh em tôi học đại học. Các em tôi lúc còn ở nhà đã thay tôi làm rẫy rất vất vả. Còn tôi cứ mỗi hè thì “bay” ngay về nhà để phụ việc, trong khi chúng bạn thì đi Mùa hè xanh hoặc ở lại thành phố làm thêm, học ngoại ngữ… Mấy năm sau, các em tôi lần lượt vào đại học. Đứa nào cũng đậu ba trường. Tôi ra trường thì lãnh trách nhiệm nuôi các em. Điều may mắn với gia đình tôi là hai em tôi sau này đều trở về quê làm việc, dù đứa em trai có thời gian tuy sống cùng nhà với ba mẹ nhưng phải đi làm xa đến mấy trăm cây số.

Khi các cháu nội ngoại lớn lên, ba mẹ tôi hay lấy tấm gương hiếu học của anh em chúng tôi mà động viên các cháu. Đứa nào học tốt cứ đến hè và cuối năm học đều được thưởng lớn, dù sau này ông bệnh tật, không còn làm ra tiền nữa. Mỗi khi có giấy khen hay kết quả xuất sắc nào đó, các cháu lập tức “báo cáo” để được nhận phần thưởng của ông nội, ông ngoại. Bởi vậy, sau ngày ba tôi qua đời, gia đình đã thống nhất trích từ tiền phúng điếu để tôi tặng một số suất học bổng cho các trường mà hai con gái tôi đang theo học. Trong phát biểu dặn dò các cháu, tôi nói rõ đây là tâm nguyện của một người cha, người ông rất quan tâm đến việc học của các cháu nên tôi mong các cháu được nhận học bổng sẽ cố gắng học tốt, mai này có điều kiện sẽ tiếp tục giúp đỡ việc học của các trường hợp khó khăn khác. Ít lâu sau, tôi hoàn thành cuốn sách “Người cha vĩ đại của chúng tôi”, cuốn hồi ức viết về ba, gia đình tôi cũng tiếp tục dùng tất cả số tiền bán sách để tặng hàng chục suất học bổng cho trường THCS nơi con gái nhỏ tôi đang học… Tôi thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trong lúc đất nước rất khó khăn, nhận thức về sự học của nhiều người còn hạn chế. Nhưng may mắn sao, tôi lại được làm con của ba mẹ tôi, những người ít học nhưng biết xem trọng việc học. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội nên người!

Trúc Minh

Bình luận (0)