Một năm nữa trôi qua, tôi lại nhớ giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Nhớ một cây bút phê bình vừa có văn, vừa có ý tưởng mới; dù ngắn hay dài đều có nghĩa lý, đều là “văn sử tử”; đều tạo được ấn tượng sâu đậm; đọc thấy thấm thía, sáng sủa và thật giàu cảm xúc. Khi tiếp xúc với một số giáo sư cao tuổi, tôi cứ nghĩ các ông giống những ngôi sao. Mỗi ngôi tỏa sáng một vùng, theo nhiều cách, nhiều kiểu sắc màu. Nhưng rồi đều giống nhau: cứ dần lặn vào bóng đêm của thế giới bên kia. Sau khi lặn, một số ngôi sao vẫn hắt những ánh hồi quang, còn đại bộ phận là mất hút. Ánh hồi quang mạnh yếu cũng khác nhau, phụ thuộc nhiều vào những sản phẩm mỗi người để lại. Trước là những công trình mới lạ, những bài viết hay, những luận điểm nổi tiếng, những ý tưởng độc đáo mà hậu thế không thể không nhắc tới; sau là những hành động, những ứng xử khác thường, những phát ngôn sắc sảo một thời. Cũng không cứ là phải viết nhiều, nói lắm. Có ông sách viết hàng mét mà vẫn không gợn một chút dư âm; lại có người chỉ viết vài bài mà để dấu ấn cả đời. Có ông nói rất nhiều, hết khen mình lại khoe vợ, phô con. Có ông “tuần chay nào cũng có nước mắt”, nói rất to nhưng chỉ như “thùng rỗng”; phát biểu ầm ào nhưng nhạt hoét, chẳng ai để ý; lại có người chỉ nói vài câu mà thiên hạ nhớ mãi, nhắc mãi, kiểu “Cái nước mình nó thế”…
Vào giai đoạn cuối đời của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, tôi hay đến thăm ông. Lần nào cũng thế, suốt buổi hầu như chẳng thấy ông nói câu gì. Ông cứ ngồi im như một ngôi sao lặng lẽ giữa trời. Lúc ấy, tôi nghĩ, ngôi sao này nếu mai mốt có lặn, chắc sẽ để lại hồi quang rất mạnh. Ánh hồi quang ấy trước hết hắt lên từ những bài viết tuyệt hay, những ý tưởng độc đáo, những nhận xét, bình luận tinh tế, sắc sảo của ông. Hậu thế còn tiếp tục đọc, tiếp tục nghĩ về Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng… thì người ta sẽ còn nhắc đến Nguyễn Đăng Mạnh. Rồi nhớ những lời truyền khẩu, nói vui, khi ông khuyên các thầy cô giáo: “Ở ta muốn dạy văn giỏi, tốt nhất là không nên học giáo học pháp”. Lại có lần ai đó phàn nàn về sách giáo khoa tiếng Việt, ông cười bảo: “Muốn tiếng Việt trong sáng, chỉ có cách là thủ tiêu mấy tay viết sách giáo khoa tiếng Việt đi”. Một lần khác khi biết tin giáo sư nọ vừa có cuốn sách mới, ông nói: “Sách của tay ấy, mỗi cuốn in ra là một dấu trừ”… Những câu cửa miệng ấy nghe như giai thoại và đã làm nhiều người mất lòng, khó chịu nhưng thiếu nó hình như chân dung Nguyễn Đăng Mạnh không hoàn chỉnh. Thiếu nó dường như ngôi sao Nguyễn Đăng Mạnh sẽ bớt đi những ánh hồi quang.
Trong tháng 11 có ngày 20 tri ân các nhà giáo, ngồi nghĩ ngợi quẩn quanh, tôi bỗng lại nhớ ông.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)