Ngoảnh đi ngoảnh lại vài lần, tết đã lại sắp đến. Giờ đây, nhiều người than rằng chẳng còn không khí tết như xưa, chẳng thiết tha gì với bánh chưng, dưa hành. Và thế là người ta lại cùng nhau kể về tết xưa với những hương vị thật khó quên…
Tết nghèo thời bao cấp
Không giống bây giờ, chỉ cần chạy ào ra chợ là đã có đủ vài cặp bánh chưng, dăm cân giò, thậm chí đến cả thịt đông, chè kho cũng đều bán sẵn; ngày xưa, để chuẩn bị cho một cái tết tươm tất, người Hà Nội cũng như nhiều nơi khác phải có sự chuẩn bị từ trước đó cả tháng.
Sau tết ông Công, ông Táo các mẹ đã bắt đầu lác đác chở lá dong để chuẩn bị cho nồi bánh chưng tết. Chẳng phải đợi lâu, ngay buổi trưa hôm sau ngày ông Công ông Táo, cái máy nước công cộng đầu ngõ toàn trẻ con ngồi rửa lá. Đứa nào cũng có một cái chậu hứng nước, một cái mâm để đặt tàu lá dong lên, một cái bùi nhùi được làm bằng xơ mướp đã đập mềm, thế là những tàu lá dong xanh mướt lần lượt được đặt lên mâm, lau chùi, xả nước sạch sẽ, rồi được đặt ngay ngắn vào những chiếc sàng hay rổ to để cho ráo nước. Thường thì phải rửa cả buổi mới xong cả 100 cái lá dong ấy, tay đứa nào cũng đỏ vì nước lạnh, chân thì thâm lại vì rét. Nhưng thích lắm, thích vì tết sắp đến rồi, nhiều niềm mơ ước, nhiều hy vọng sẽ được phép nghĩ đến trong đêm giao thừa.
Trước một quầy hàng Tết Quý Hợi – 1983 ở Hà Nội. |
27 – 28 Tết lại thấy cả xóm ra ngâm gạo nếp, đỗ xanh, đãi gạo, đãi đỗ… Chỉ chờ ngày bố mẹ có được thịt là sẽ gói bánh chưng thôi. Ở Hà Nội thời đó, chẳng mấy nhà có được riêng một nồi bánh chưng vì phiếu bán gạo, bán thịt cũng chỉ có giới hạn rất ít lại còn phải san sẻ trong dịp nọ, dịp kia, vì thế, mặc dù bánh chưng là món chủ đạo trong ba ngày tết nhưng các nhà vẫn thường cùng gói một ngày, rồi cùng luộc chung trong một chiếc nồi to. Đêm luộc bánh chưng bao giờ cũng là đêm vui bất tận của trẻ con và đầm ấm của người lớn. Vui nhất chính là lúc vớt bánh, đó cũng là chạng vạng sáng rồi, nồi nước luộc bánh bốc hơi nghi ngút. Rồi từng cặp bánh vớt ra xanh mướt, thơm nức… Mùi bánh, hơi nóng của bánh, không khí bánh chưng làm cho không gian lạnh lạnh của tiết xuân trở nên ấm áp rất rất tết.
Với trẻ con, tết luôn là điều ước ao lớn nhất, bởi đơn giản vì thể nào cũng được may quần áo mới, nhất là có làm gì đó không đúng cũng không bị đánh đòn. Song, nhớ nhất vẫn là sự phấn khích được theo mẹ mang bột mì, đường dành dụm cả năm ra cái lò làm bánh quy ở đầu chợ cóc, chỗ ngã ba để làm bánh. Hà Nội những năm đầu thập kỷ 80 ấy không có nhiều lò bánh, vì thế, sau một thời gian nghỉ dài sau dịp Tết Trung thu, thời điểm bước vào tháng Chạp, chủ lò bánh lại xoay xỏa không xuể. Ngay từ sáng sớm, lò nướng bánh đã đông nghịt các mẹ, các chị đến xếp hàng đợi đến lượt, chủ lò thì giao giao nhận nhận, bận bịu, rối rít, tưng bừng…
Việc làm bánh thường phải mất cả một buổi sáng, hay chiều ngày chủ nhật song, với những đứa trẻ hồi đó, cảm giác chờ đợi, hít hà mùi thơm nức của những mẻ bánh đã ra lò thực sự rất đặc biệt. Chiếc bánh quy gai, dài dài, đen đen, mẫu mã chẳng có gì bắt mắt nhưng đã trở thành món tiếp khách lịch sự có mặt ở mỗi bàn nước cạnh ấm trà nóng của những cái tết nghèo Hà Nội thời ấy. Nhưng hương vị thơm ngọt của nó như khắc dấu vào đầu óc non thơ của trẻ nhỏ như chúng tôi thời xa xưa ấy rất lâu bền, cho dù giờ bánh Pháp, bánh Nhật thơm nức mùi bơ sữa cũng chẳng thể lấn át cái hương vị thơm tho từ lò bánh giản dị thuở xưa.
Hoa tết thời giản dị
Tết đến. Gia đình nào ở Hà Nội cũng trang hoàng lại nhà cửa, công việc này thường kết thúc khi khi nồi bánh chưng được đặt lên bếp. Tết nghèo, chẳng mấy gia đình nghĩ tới việc sắm sửa đồ mới như ngày nay, nhưng từ trẻ con tới người lớn ai cũng tâm niệm phải sắp xếp lại những đồ dùng trong nhà, sửa sang nhà cửa thật ngăn nắp. Những chiếc khăn trải bàn bằng nylon cứng, cả năm mới đem ra dùng vài bận vào những dịp quan trọng nay lại được lấy ra, lau chùi cho thẳng những nếp gấp rồi trải phẳng phiu trên chiếc bàn để giữa nhà. Những hình kẻ trám trên tấm nylon trải bàn chẳng ăn nhập gì với sắc tím tím của violet, màu hồng rực của hoa thược dược nhưng khi chúng được đặt cạnh nhau cũng đủ làm sáng bừng cả căn nhà chật.
Hàng hoa trên phố. |
Đối với nhiều người Hà Nội thì khi tết đến dù khó đến mấy cũng cố tậu một bình thủy tiên, cái loại hoa quý phái, cánh hoa nhỏ, cứng cáp, hoa nở từng chùm rất thanh tao ấy thường chơi được rất lâu, rất… có nhà còn chơi cả ra giêng ngày rằm nữa. Giản dị vậy thôi, nhưng bước vào nhà nào cũng thấy sự đầm ấm, sự trang trọng, sự chu đáo của chủ nhà trong cái sự kiện đón tết, đón những người thân, bạn bè đến chúc tết.
Bây giờ hầu như nhà nào ở Hà Nội ngày tết cũng chưng hoa đào mà không phải chỉ chưng cành mà rất nhiều người còn chọn cả cây đào thế để thể hiện lòng mong ước của chủ nhân căn nhà nữa. Cái tết của người Hà Nội giờ cũng đẹp hơn sung túc hơn ngày xưa nhiều lắm rồi, nhưng hương vị tết xưa thì vẫn còn mãi đó, vẹn nguyên.
Thu Hà (Theo SGGP)
Bình luận (0)