Trong dòng chảy của nền văn học chống Mỹ cứu nước, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây đại thụ của thể loại văn xuôi. Đối với các thế hệ học sinh THPT, ông được coi là nhà viết ký tài hoa với văn phong đậm đặc chất lãng mạn, ngôn ngữ súc tích và giàu tính biểu cảm. Bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12 là đại diện cho cá tính sáng tạo không ngừng nghỉ của một ngòi bút già dặn xứ Huế.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (bìa trái) thăm vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (đứng) và Hoàng Phủ Ngọc Tường (thứ 2 từ phải qua) năm 1999
Vậy mà một chiều mưa ngày 24-7-2023, ông đã thanh thản ra đi, hưởng thọ 87 tuổi. Trước đó, vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng từ biệt cuộc đời ngày 6-7, hưởng thọ 75 tuổi. Hai nỗi đau đến cùng một lúc với 2 cô con gái Hoàng Dạ Thư và Hoàng Dạ Thi.
Những kỷ niệm không thể nào phai
Thế hệ chúng tôi từ bé biết đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với tập truyện ký “Rất nhiều ánh lửa” với 9 câu chuyện kể bằng những con người và vùng đất khác nhau. Đi từ bệ phóng này, ông đã chung thủy gắn bó với thể loại truyện ký để viết những tập sách dõi theo bước chân đi của thời đại. Có lẽ thành công như thế nên Nguyễn Tuân đã đưa ra nhận xét bằng cách chơi chữ sáng tạo: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”. Ánh lửa đó chính là điểm sáng trong phong cách viết bút ký của nhà văn người gốc Quảng Trị như sống chủ yếu ở Huế. Phải thấy rằng, Huế là nơi ông có quá nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Lúc sinh thời, nhà văn luôn nói rằng Huế là nơi ông đã lớn lên, đã tranh đấu và chiến đấu, đã yêu thương và ông đã “sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư”.
Tôi từng được nghe nhà văn Nguyễn Quang Lập – Hội viên Hội nhà văn Việt Nam trò chuyện: “Anh Tường đối với mình vừa là người thầy vừa là người anh. Có thể nói quá nửa phần văn hóa mình có được là nhờ anh dạy dỗ. Anh Tường viết chậm vì quá kỹ, một bút ký có khi anh viết cả tháng. Đụng phải một từ nào anh cảm thấy không chắc, không bao giờ anh cứ viết ào đi như mình, anh dừng lại tra hết cuốn này sang cuốn khác. Gần gũi anh Tường tròn ba chục năm mình chưa nghe ai trong nước nói xấu về anh. Anh Tường học rất giỏi, thuở nhỏ đã “khét tiếng” cả miền Nam. Anh lại có trí nhớ phi phàm, đầu anh là cả một thư viện khổng lồ cả triết học, văn học, lịch sử và văn hóa”.
Là một người làm việc cùng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường khá nhiều, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên – bạn học cùng trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) với tôi – lại khẳng định, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cây tùy bút rất hay, có thể nói sau Nguyễn Tuân là đến Hoàng Phủ Ngọc Tường. “Người ta thường nói ký khó viết, nhưng để viết hay thì khó gấp nhiều lần, nhất là tùy bút, vì viết được thì tác giả cần vốn sống, vốn văn hóa, phong cách văn chương, ba yếu tố này thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đều có. Đọc ký của ông, người ta thấy được một người thích triết học, có chất văn, am hiểu văn học cả phương Đông và phương Tây. Đặc biệt, văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đậm chất Huế: Từ phong cảnh, con người, đến lịch sử, văn hóa ở vùng đất này nên rất hấp dẫn” – Phạm Xuân Nguyên nhận định. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ mãi hình ảnh người anh, người thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người nhỏ nhắn nhưng luôn vui vẻ, hòa đồng. Hai người có quãng thời gian làm việc với nhau đủ lâu để hiểu và trân trọng nhau. Phạm Xuân Nguyên có kỷ niệm thân tình là đã từng cõng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vào bệnh viện để điều trị. Rõ ràng, tình bạn văn sâu nặng như tình ruột thịt.
Cũng như các nhà văn lão thành đã mất, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc và quá nhiều đau thương. Họ đã sống một cuộc sống với vô vàn khó khăn, thiếu thốn và nhiều thách thức, nhưng họ đã viết như “không thể sống mà không viết”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng – công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An – có rất nhiều kỷ niệm với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo thầy Hùng, 2 vợ chồng gắn bó nhiều năm với Hội Văn nghệ Quảng Trị và Bình – Trị – Thiên, hai tạp chí Cửa Việt và Sông Hương. Đấy cũng là những năm tháng văn nghệ Bắc miền Trung luôn tự hào đã nuôi dưỡng, trưởng thành mấy thế hệ cầm bút tên tuổi, quây quần đông vui, góp phần làm rạng danh văn học nước nhà, trong đó có hai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. “Nhớ đầu tháng 9-2000, tôi và nhà báo Ngọc Cương (chúng tôi đang làm tại Tạp chí Sông Lam) vào Huế dự cuộc gặp gỡ 6 tạp chí văn nghệ khu vực Bắc miền Trung, gồm Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt và Sông Hương. Tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến nặng đã lâu, nay chúng tôi mới có dịp đến thăm ông tại nhà riêng. Đó là ngôi nhà gác giản dị, sạch sẽ, sơn trắng, nghe nói là của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhường lại, do hai ông chơi rất thân với nhau. Lần đó, có thêm cả anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Ngô Minh, anh Nguyễn Khắc Thạch, anh Mai Văn Hoan nữa nếu tôi nhớ không lầm. Trong túi quà mang đến, có gói kẹo cu-đơ tôi mua ở Vinh, chị Dạ thích thú cười, bảo “lần sau đến nữa cứ thế này nghe”. Lúc bấy giờ, chị Dạ đang khỏe, hàng ngày đều đặn bón cơm, cháo cho chồng chủ yếu là nằm, muốn ngồi dậy hay đi vệ sinh, phải có người nâng đỡ, dìu dắt từng tí. Khi đỡ thì ngồi xe lăn, chị đẩy đi đây đó. Nghe có ai mách nơi nào thuốc hay, thầy giỏi, chị không quản “đường xa thân gái” đưa chồng đến chữa chạy với hy vọng mong manh. Cái khó hơn nữa là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa chịu “buông bút”, nhiều hình ảnh, nhân vật, ý tưởng đang muốn trỗi dậy, đòi được hiện hình trên trang viết. Thế là chị Dạ phải kiên nhẫn, tỉ mẩn giúp chồng tất tần tật, không thể nói là không mệt mỏi nếu công việc này cứ kéo dài cùng với sự chăm sóc một người bệnh tai biến nặng, không nói thành lời cho người nghe hiểu mình đang nghĩ gì, muốn gì.
Còn đó “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
Kỷ niệm mà thầy giáo Nguyễn Văn Hùng nhớ nhất là vào năm 1999, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đột ngột lâm bệnh, với một tâm thế rất thật và quả cảm, chị Dạ viết bài thơ lấy tên “Cho anh tựa vào em”. Áng thơ buồn, cô đơn, nhưng không phải vì vậy mà chị trốn tránh trách nhiệm, bổn phận làm người vợ trong cơn nguy khốn của chồng. Tuy sức khỏe yếu nhưng anh luôn được sống trong vòng tay chăm sóc tảo tần của vợ. Đối với chị, anh cũng là chất xúc tác để có những bài thơ rất hay về tình yêu trai gái, lòng chung thủy của vợ chồng như: Anh đừng khen em, Trái tim sinh nở, Biển, Đường ở thủ đô, Cho anh tựa vào em. Còn đối với ông, những dòng sông đã trở thành người bạn văn chương gắn bỏ cả đời và nhất là dòng sông Hương ở Huế: “Những dòng sông luôn mang lại cảm xúc sáng tác cho tôi, đã nuôi dưỡng tâm hồn văn học tôi từ nhỏ cho đến bây giờ và mãi mãi sau này”. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Ai đã đặt tên cho dòng sông” viết ở Huế năm 1981, được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông như một tuyệt phẩm của dòng chảy bút ký. Mãi đến sau này có dịp dạy chương trình lớp 12, thầy trò mới có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và đây chính là một trong những “ánh lửa” lung linh của ông trong chùm ánh lửa được nhà văn thắp sang trong quá trình sáng tạo. Giáo viên bộ môn văn khẳng định, ánh lửa ở đây có thể nói là tình yêu là niềm đam mê, nhiệt huyết bất diệt của nhà văn dành cho sự nghiệp cầm bút, sự nghiệp nghiên cứu những đặc điểm văn hóa, địa lý, lịch sử của thành phố Huế. Đồng thời ánh lửa ấy cũng là tấm lòng tự hào, ngợi ca từ một người con xứ Huế dành cho quê hương, dành cho dòng Hương giang xinh đẹp, mộng mơ, đó là tấm lòng ấm áp, chất chứa nhiều yêu thương, nhiều xúc cảm. Ánh lửa trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất phát tình lòng yêu, niềm ngưỡng mộ, ngợi ca với dòng Hương Giang, với mảnh đất mà ông gắn bó suốt bao năm trời. Phải có trân trọng, quý báu lắm, tác giả mới vất vả nghiên cứu tìm tòi con sông Hương từ ở khúc thượng nguồn, từ ở trong rừng già, nơi mà vốn dĩ dòng sông muốn giấu đi. Rồi ông không chỉ tìm hiểu về địa lý mà còn đi vào cả lịch sử, cả văn hóa Huế, con người Huế. Tổng hòa tất cả những điều ấy đã tạo nên một tác phẩm bút ký thực sự xuất sắc, chứa nhiều “ánh lửa” như Nguyễn Tuân đã nhận định.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng triết ở ĐH Văn khoa Huế. Ông dạy ở Trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Nhà văn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên – Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. |
Vẻ đẹp của dòng Hương không chỉ miêu tả một chiều mà được ông dựng lên tượng đài của thiên nhiên ở nhiều góc nhìn khác nhau. Vẻ đẹp của sông theo dòng chảy thượng nguồn len qua các xóm làng đến nghỉ chân tạm trong lòng TP.Huế và rồi lại mải miết chảy ra biển Thuận An. Đó không chỉ là sự thăng hoa của ngòi bút mà còn là sự tuôn trào mọi cung bậc của cảm xúc tác giả được dồn lên đầu ngọn bút. Qua bài học, các em không chỉ nhìn rõ hơn vẻ đẹp của dòng sông gợi mùi thơm theo tên gọi như cô gái xuân thì hay người tình muôn thuở là cả điệu slow tình cảm giành riêng cho Huế mà còn thêm yêu cảnh sắc thiên nhiên miền Trung. Như người biết cách tô son điểm phấn, nhà văn đã đưa dòng sông vào miền thương nhớ và tự hào cho mọi bạn đọc. Chính vì thế tác phẩm rất xứng đáng nằm trong chương trình chọn lọc của sách giáo khoa và thường được chọn ra đề thi tuyển sinh hàng năm. Đó cũng là niềm tự hào của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi được sát cách cùng “Người lái đò sông Đà” của bậc thầy bút ký Nguyễn Tuân. Chất lãng mạn và nét trữ tình đã chiếm trọn trái tim của nhiều thế hệ học sinh mê văn chương. Trước đây hầu như học sinh nào cũng thuộc tiểu sửa ông bằng những gạch đầu dòng để ôn thi. Điều đó có thể nói, tác phẩm của ông sẽ sống mãi cùng thời đại dù nhà văn đã ra đi cách đây vài hôm. Cùng song hành với những tác phẩm thơ tuyệt diệu của Lâm Thị Mỹ Dạ, truyện ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải hổ thẹn khi đứng vào đội ngũ những tác phẩm tiêu biểu nhất của nền văn học chống Mỹ cứu nước gian khó nhưng rất đỗi hào hùng như dáng vóc của dân tộc Việt Nam ta đã uy nghi tạc vào lịch sử.
Nói trong nước mắt, chị Hoàng Dạ Thư, con gái lớn của nhà văn nghẹn ngào: “Ba tôi ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Cả nhà mừng cho ba, đó là sự giải thoát cho ông vì tháng 3-2023 ba bị tai biến lần 2 nên mất ý thức. Gia đình dự định tổ chức lễ tưởng nhớ tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế vào ngày 30 và 31-7”.
Phan Quang
Bình luận (0)