Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhớ mãi lần đi vận động phụ huynh…

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là một kỷ niệm khó quên thời bao cấp của chúng tôi, những thầy cô giáo trẻ về vùng sâu, vùng xa dạy học. Thiếu thốn trăm bề nhưng chúng tôi ráng hết sức mình để vượt qua. Vùng quê tuy nghèo nhưng tình người miền Tây rất chân thật, rất rộng rãi. Lần ấy, chúng tôi gồm hai thầy một cô đi xe đạp hơn bảy, tám cây số tới nhà em Chơn. Đường sống trâu, lầy lội nhưng lưng chừng trưa cũng đã tới nơi. Mục đích của chuyến thăm nhà là để biết gia cảnh và vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con đi học; đặc biệt, động viên cha mẹ dành tiền mua sách giáo khoa cho con. Lúc bấy giờ hội khuyến học chưa có nên việc mua sách cho học sinh phải nhờ phụ huynh. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, anh Hai (chủ nhà, phụ huynh em Chơn) gãi đầu thật thà: – Nói thiệt với các thầy cô, nhà tui quanh năm làm hai công ruộng, cũng vừa đủ ăn. Cháu nó được đi học thì mừng, nhưng sách mua mắc nên mua không nổi. Thầy cô thông cảm! Nói xong anh đi ra phía sau nhà nói là đi công chuyện chút. Hồi ấy, bộ sách giáo khoa lớp 9 khoảng hơn ba mươi ngàn. Một số tiền không lớn đối với dân thành thị, nhưng với người dân nông thôn lại là không nhỏ. Nghe phụ huynh nói vậy, chúng tôi cũng áy náy, thôi thì tìm cách tính sau. Chúng tôi chuẩn bị ra về thì bỗng anh Hai từ nhà sau bước ra: – Mấy khi có thầy cô đến chơi! Bữa nay ở lại nhậu với tui một bữa cho vui nha. Thật bất ngờ vì phía sau bếp đã nghe tiếng gà kêu quang quác, tiếng vịt kêu khạp khạp… Thì ra anh Hai kêu bà xã bắt một con gà, một con vịt lớn làm thịt đãi chúng tôi. Vài chục phút sau, bộ đồ lòng xào khóm thơm nức được dọn lên trước với một chai xị đế. Lai rai một lúc thì đĩa thịt vịt luộc, thịt gà được bưng lên còn bốc khói. Nồi cháo trên bếp cũng đang sôi sùng sục… Chúng tôi được đãi một bữa cháo vịt phải nói là thịnh soạn so với hoàn cảnh lúc bấy giờ! Nói thật lòng, nếu đem bán con gà, con vịt này thì dư sức mua được… hai bộ sách giáo khoa chứ không phải một. Tấm lòng người dân miền quê, nơi vùng xa vậy đó. Họ thiệt thà như đếm và luôn phóng khoáng, chân tình.

Chính tình cảm thân thương ấy đã níu chân chúng tôi gắn bó với trường, gắn bó với những người nông dân chất phác cho đến ngày nghỉ hưu.

Lê Đc Đng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)