Cô Trần Thị Nhâm lúc sinh thời
Tôi đang ở một nơi xa TP.HCM thì biết tin cô Trần Thị Nhâm, cựu biên tập viên của NXB Kim Đồng mất, tôi đã dừng mọi công việc để viết lại những hồi ức đầy tình cảm giữa một người cầm bút với một người biên tập sách, giữa một đứa trò nhỏ tập tành viết văn và một người phụ nữ bé nhỏ gầy yếu nhưng dẻo dai trong cuộc sống và làm việc rất bền bỉ ngày nào.
Tôi còn nhớ cuối những năm 1960, khi Mỹ đang tạm ngưng ném bom miền Bắc, chúng tôi từ các nơi sơ tán trở về Hà Nội. Tôi tham gia sinh hoạt đội bóng bàn và đội nghi thức của CLB thiếu niên Hà Nội. Trong đội nghi thức có bạn Hồng Nhung, bạn biết tôi có tập tọe viết được vài mẩu truyện ngắn thiếu nhi nên đã giới thiệu tôi với cô Trần Thị Nhâm. Trong một buổi họp các cộng tác viên nhí, cô khen chê, bình luận, phân tích các sáng tác của bọn trẻ chúng tôi rất vui và thẳng thắn. Và cô tập hợp chúng tôi lại như một bút nhóm, gồm những đứa trẻ từ 12 đến 15 tuổi còn đeo khăn quàng đỏ. Tôi nhớ lúc đó có các thành viên hăng hái nhất là tôi, Hồng Nhung, Lan Anh, Bùi Lan Hoa. Trương Nhuận, Chu Mạnh Cường, Đinh Thị Oanh…vì chúng tôi đều ở Hà Nội, dễ gặp nhau và khi cần là có mặt ở NXB Kim Đồng để sửa bản thảo.
Với sự dẫn dắt, hướng dẫn của cô Trần Thị Nhâm, các cuốn sách in chung của nhóm chúng tôi liên tiếp ra mắt. Đó là các cuốn Những vòng sóng, Nối dây cho diều, Kỷ niệm ngày sinh, Thiếu nhi với Bác Hồ và nhiều cuốn in chung khác. Mỗi cuốn sách của chúng tôi ra đời đều nhờ công sức của cô Nhâm, là người đã dẫn dắt, biên tập, tổ chức bản thảo, động viên và khuyến khích chúng tôi sáng tác văn học.Tôi không sao quên được hình ảnh cô Nhâm bé nhỏ gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến nhà từng đứa trẻ để tổ chức bản thảo và gọi chúng tôi đi họp nhóm. Rồi khi cuốn sách in xong, cũng chính cô lại đạp xe đến nhà từng đứa báo tin, tặng sách. Những năm đó, chúng tôi thường đến nhà cô ở phố Hàng Chuối chơi. Và chúng tôi rất khâm phục cuộc sống giản dị liêm khiết của cô, dù cô có chồng là một thứ trưởng ngành Giáo dục. Cô Nhâm cũng có hai cô con gái nhỏ hơn chúng tôi chút ít, nhưng sau này đều học rất giỏi, rất thành đạt và cũng có nhiều sáng tác văn học.
Cô Trần Thị Nhâm (ngồi) và nhà văn Lê Phương Liên
Năm tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, tôi có gửi ra Hà Nội tặng cô một búp bê vải hình cô gái đánh đàn tranh, cô viết thư vào trách tôi khá gay gắt là không được quà cáp gì cho cô như thế. Năm 1981, khi tôi quay ra Hà Nội học tiếp báo chí, tôi có viết cuốn Kể về một tài năng (viết về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vừa đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế) và đem nộp bản thảo cho cô. Ít lâu sau tôi đến NXB gặp cô, cô gắt: “Bản thảo tốt thế này mà viết xong là quẳng đây rồi biến mất là sao?” Chỉ ít tuần lễ sau, cuốn sách này được in, với phần biên tập, thẩm định của cô Trần Thị Nhâm, anh Đặng Công Minh, chị Lê Phương Liên của NXB Kim Đồng. Đây là cuốn sách in riêng đầu tiên của tôi và sự giúp đỡ động viên của cô Nhâm đối với tôi là những bài học kinh nghiệm, nghiệp vụ biên tập, không thể nào quên được, kể cả khi sau này tôi đã trở thành nhà báo nhà văn, giảng viên báo chí. Cứ mỗi lần biên tập bài của người khác là tôi lại nhớ lời cô lúc cắt sửa lỗi câu cú của tôi hồi nhỏ: “Cháu viết kỷ niệm ngày sinh nhật là thừa chữ nhật. Nhật là ngày. Kỷ niệm ngày sinh là đủ rồi”… Có nhiều lần họp hành về việc làm sao để có những sáng tác tốt cho thiếu nhi, tôi đều kể lại chuyện cô Nhâm đã tổ chức chúng tôi thành một bút nhóm, động viên, khuyến khích, dạy bảo, truyền lửa cho chúng tôi, và chúng tôi trở thành người cầm bút được là nhờ công lao của người phụ nữ gày gò bé nhỏ và suốt đời chỉ biết đi xe đạp này.
Hôm nay biết tin cô Trần Thị Nhâm vừa chia tay các thế hệ cầm bút cho thiếu nhi suốt hơn nửa thế kỷ qua, tôi lại nghĩ rằng, văn học thiếu nhi đã mất đi một con người vô cùng tâm huyết và vô cùng đáng kính…
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Bình luận (0)