Ngày ấy, chúng tôi được đậu vào Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (ĐHTH) là rất vinh dự và tự hào – bởi đây là một ngôi trường rất danh tiếng của TP.HCM cũng như của cả nước. Chúng tôi cũng rất tự hào vì đã vượt qua một thời gian khó ở cơ sở Thủ Đức của trường cũng như ở KTX 135 Trần Hưng Đạo (Q.1), ở KTX 43 Nguyễn Chí Thanh (Q.5) với cơm kham khổ, “canh đại dương”…
PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (thứ hai từ phải qua) trong một chuyến công tác tại Thái Lan |
Chúng tôi cũng rất vinh dự với những năm 1989, 1990 đến 1996 có những lãnh đạo – Bí thư Đoàn trường đầy lòng nhiệt huyết và sáng tạo trong hoạt động Đoàn và hoạt động công tác xã hội. Có thể kể những cái tên thân thuộc: PGS.TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV)) làm Bí thư Đoàn trường ĐHTH từ năm 1989-1993; TS. Lê Hữu Phước, một nhà sử học uy tín, hiện tại là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV làm Bí thư Đoàn trường từ năm 1993 trở về sau…
Có thể nói, Đoàn trường ĐHTH dưới thời của thầy Võ Văn Sen làm Bí thư đã vinh dự là Lá cờ đầu phong trào Đoàn trường học của TP.HCM. Có được điều này, không thể không nhắc đến công lao của thầy Võ Văn Sen và hai Phó Bí thư Đoàn trường lúc đó là anh Nguyễn Hoàng Dũng (thương binh chiến trường Campuchia), anh Huỳnh An cùng nhiều cán bộ Đoàn xuất sắc khác.
Thời ấy, từ năm 1989-1993, Đoàn trường ĐHTH đã năng động sáng tạo trong hoạt động Đoàn và có nhiều đội nhóm tích cực. Các CLB, đội nhóm hoạt động rất sáng tạo và hiệu quả, cụ thể như: CLB Lý luận do anh Võ Văn Thưởng làm Chủ nhiệm, CLB Tiếng Anh, Đội văn nghệ Đoàn trường do anh Nguyễn Thiện Duy phụ trách (nay là giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), CLB Triết học, CLB Toán học, CLB Vật lý, CLB Hóa học, CLB Văn học, CLB Sử học, CLB Sinh học, CLB Địa lý, CLB Âm nhạc, Đội Công tác xã hội, nhóm sinh viên (SV) dạy kèm… Với nhiều phong trào Đoàn rất năng động như: Xóa mù tin học, Xóa mù tiếng Anh, Ánh sáng văn hóa hè… Những năm 1993-1996, có nhiều hoạt động Đoàn rất phong phú. Đến năm 1996, khi “Mùa hè xanh” của Thành đoàn tổ chức phong trào này đầu tiên của cả nước, ĐHTH – ĐH KHXH&NV cũng tiếp nối hoạt động này rất mạnh mẽ.
Thế hệ cán bộ Đoàn ngày đó của thời thầy Võ Văn Sen và thầy Lê Hữu Phước làm Bí thư Đoàn trường nay đã trưởng thành và đã có những vị thế uy tín trong xã hội. Đó là những cái tên rất quen: anh Võ Văn Thưởng, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; anh Tất Thành Cang, hiện là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; anh Trần Hoàng Danh, hiện là Bí thư quận 4, TP.HCM; anh Tăng Hữu Phong, hiện là Phó Bí thư quận Tân Phú, TP.HCM; anh Võ Văn Cương, Báo Công an TP.HCM, anh Đinh Tiến Bình, Báo Bình Phước; anh Nguyễn Thanh Danh, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước; thầy Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV; TS. Nguyễn Thành Nam, Học viện Cán bộ TP.HCM; anh Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai; chị Ngô Kim Trang, Giám đốc Công ty Khôi Anh; anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng QHQT-QLDA Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, anh Nguyễn Ngọc Anh (Hồng Lam), Phó Tổng biên tập Báo SGGP…
Nhớ nhất là mùa xuân năm Canh Ngọ 1990, Đoàn trường ĐHTH đã xuất bản Tập san SV, thầy trò cùng xuống đường phố bán tập san này để gây quỹ cho SV khó khăn và trẻ em nghèo huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ). Thầy Phan Thanh Định và anh Nguyễn Thanh Danh kể lại, mùa xuân ấy, thầy Võ Văn Sen – Bí thư Đoàn trường – dẫn một nhóm SV đi bán sách, đã “gõ cửa” từng quán cà phê, từng tiệm tạp hóa, từng nhà dân để bán cho được hết Tập san SV đã in ra để gây quỹ. Người Bí thư Đoàn trường nhiệt tình năng nổ đồng thời cũng là một người thầy giáo dạy sử uy tín rất thu hút SV đã làm cho những cán bộ Đoàn và SV quyết tâm… bán hết số sách cho bằng được. Thầy Phan Thanh Định giữ cuốn Tập san Canh Ngọ 1990 như một kỷ vật quý báu của thời hoạt động Đoàn sôi nổi, nhiệt huyết. Thầy Phan Thanh Định, TS. Nguyễn Thành Nam, anh Nguyễn Thanh Danh có lẽ không bao giờ quên những ngày tháng thiêng liêng của một thời trai trẻ cùng thầy mình bán sách, bán báo.
Chúng tôi nhớ nhất là những đêm văn nghệ gây quỹ của Đội Công tác xã hội giúp đỡ SV khó khăn và trẻ em nghèo Duyên Hải. SV đi bán vé trước một tháng nên lúc nào sân khấu cũng đầy ắp khán giả. Nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, hoa hậu, á hậu nhiệt tình tham gia phong trào này. Những đêm văn nghệ thật đầy tình người và gắn kết cán bộ Đoàn, SV với nhau…
Đoàn trường ĐHTH những năm tháng 1989-1996, trước khi trở thành Trường ĐH KHXH&NV đã gắn bó cùng giai đoạn đổi mới của đất nước. Đoàn đã có những hoạt động rất phong phú và năng động, gắn kết được cán bộ Đoàn và SV, gắn kết được SV lại với nhau, gắn kết được phong trào Đoàn với những con người trong xã hội. Đáng kể nhất là việc chăm lo cho cuộc sống của SV nghèo học giỏi, đáng kể nhất là tạo ra một động cơ học tập trong SV. Ví dụ như phong trào nghiên cứu khoa học gắn kết với phong trào Euréka của Thành đoàn TP.HCM.
ĐHTH TP.HCM ngày đó, từ 1989-1993, dẫn đầu phòng trào Đoàn trường học không thể quên được những đóng góp đầy tâm huyết của Phó Bí thư Đoàn trường, TS. Nguyễn Hoàng Dũng (thương binh) một người làm “hậu cần” đầy sáng tạo cho Đoàn trường ĐHTH. Hiện tại anh Nguyễn Hoàng Dũng là Giám đốc NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, NXB này luôn gây được dư luận tốt đối với SV và bạn đọc…
Một thời đáng nhớ của ĐHTH, chúng tôi nhắc ở đây chỉ là một chút ít kỷ niệm nhỏ và rất nhỏ. Xin dành lại những điều gì chưa nói cho quyển kỷ yếu 60 năm (1957-2017) của ĐH Văn khoa Sài Gòn – ĐHTH TP.HCM – ĐH KHXH&NV TP.HCM…
Bài, ảnh: Trương Văn Ngọc
Bình luận (0)