Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“… Nhớ ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3”

Tạp Chí Giáo Dục

Quang cảnh tấp nập của “biển” người đến với Lễ hội đền Hùng mùng 10-3-2009

Từ năm 2005 đến nay, Giỗ tổ Hùng Vương đã được Nhà nước nâng lên thành Quốc lễ. Quốc lễ này cũng là ngày nghỉ lễ hằng năm cho người lao động cả nước. Năm nay, đặc biệt hơn bởi Quốc lễ trùng vào dịp cả nước đang hướng đến đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
Quá trình dựng nước của vua Hùng
Hơn 4.000 năm trước, vua Hùng Vương đời thứ nhất trong quá trình dựng nước Văn Lang đã tìm nơi đóng đô. Giai thoại kể khi đến một vùng đất bằng phẳng, nhiều khe suối vua sai chim thần đại bàng khuân đất đá đắp thành 100 quả gò, hẹn phải xong trước khi trời sáng. Đắp được 99 quả, chợt có chú gà trống mơ ngủ cất tiếng gáy, đại bàng giật mình bay mất. Vua không ưng bụng, bèn tìm vùng đất khác. Đến một quả núi cao sừng sững có hàng trăm ngọn đồi bao quanh, non sông tươi đẹp, vua rất vừa ý nhưng khi xuống núi, vó ngựa vua chợt giẫm mạnh làm sạt một góc đồi. Vua cho rằng thế đất nơi đây không vững, lại tiếp tục đi.
Tương truyền vua Hùng đã xem xét 99 nơi nhưng chưa vừa ý. Một hôm, khi đến một vùng trung du, ngựa dang chạy bỗng dừng lại hí vang, nhà vua thấy lạ bèn lên đỉnh núi cao nhất ngắm nhìn bốn phương. Trước mặt ông là ba dòng sông tụ hội: sông Đà, sông Thao, sông Lô; còn hai bên là Tân Viên, Tam Đảo chầu về. Vùng đất này như long chầu hổ phục, phượng bay ngựa chạy, cây lá xanh tốt, đủ thế để dựng nước muôn đời. Từ đó, núi Nghĩa Lĩnh (hay núi Cả, núi Hy Cương, núi Cổ Tích, núi Hùng) cao 175 mét được vua Hùng chọn làm kinh đô nước Văn Lang. Và nơi đây trải qua 18 đời vua Hùng thay nhau trị vì cư dân Lạc Việt.
Khu vực đền Hùng đến tận thế kỷ 21 vẫn là nơi tụ hội của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về dựng nước và giữ nước của ông cha. Những ngọn đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình mang truyền thuyết về trăm con voi, 99 con hướng về đền, một con ngoảnh mặt đi đã bị chém đầu trừng phạt, những lúc trở trời cổ còn ứa máu. Từ đỉnh núi Hùng, dáng như rồng vươn tới, nhìn về ngã ba Việt Trì là hàng chục quả đồi như đàn rùa nổi lên mặt nước chầu về đền. Bên phải núi, đồi Khang Phụ như dáng hổ phục, bên trái là đồi An Thái như vị tướng cầm nỏ giữ đền. Nơi vua ghì cương ngựa sau thành làng Ghì Cương (nay là xã Hy Cương), dưới chân núi là làng Thậm Thình, nơi xưa dân làng đã thức suốt đêm thậm thình để giã gạo làm bánh cho chàng Lang Liêu dâng vua.
Quốc lễ mùng mười tháng ba âm lịch
Theo các nhà khảo cổ học, kiến trúc hiện nay của đền Hùng là được xây mới lại từ thời Hậu Lê và thời nhà Nguyễn. Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc đền Hùng nay chỉ còn lại đền Trung, đền Hạ và gác chuông.
Cổng đền và 539 bậc xi măng, gồm 495 bậc từ cổng đến Thượng và 44 bậc từ đền Giếng lên đền Hạ, được làm trong dịp đại trùng tu năm 1918-1922. Ngôi nhà Công quán đối diện cổng đền cũng chỉ mới xây sau này vào năm 1962. Nhà bảo tàng phía sau Công quán hoàn thành vào cuối thập niên 90 (thế kỷ trước) với kinh phí xây dựng khoảng 1,5 tỉ đồng được dùng làm nơi bảo quản các di chỉ khảo cổ và hiện vật thời vua Hùng. Đây là một cố gắng của Nhà nước để giới thiệu về thời đại Hùng Vương.
Vào thời nhà Lê, ý thức dân tộc Việt phát triển mạnh, đền Hùng được vua Lê Thánh Tôn cho viết lại thần tích, đặt làm quốc lễ và cử đại thần về tế lễ hàng năm, người trưởng xã Hy Cương được vua phong quan chức. Từ ấy, hội đền Hùng đánh dấu một bước thắng thế của ý thức dân tộc đối với những ngày hội tôn giáo. Cũng từ thời ấy, người Việt có tiền lệ 5 năm mở hội lớn một lần, còn hàng năm thì giao cho dân Trưởng tạo lệ làm lễ cúng Tổ.
Trong ngày hội đền Hùng năm nay, chính lễ diễn ra đúng vào buổi sáng mùng 10 tháng 3 âm lịch trong tiếng trống đồng và tiếng cồng chiêng. Nét đặc sắc ngày nay vẫn giữ được là việc rước kiệu (rước cổ chay) gồm xôi trắng, xôi màu, bánh giầy, bánh chưng để nhắc lại sự tích Lang Liêu và tưởng nhớ công đức dạy dân trồng lúa nước của vua Hùng. Sau kiệu là dòng người hành hương lên đền Thượng – nơi sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ. Dứt lễ, mọi người trở lại Công quán, nơi biểu diễn múa sư tử cổ truyền và các cô gái Mường trong bộ y phục duyên dáng biểu diễn đâm đuống – nhạc cụ dân tộc cổ…
Cùng với ngày quốc lễ truyền thống này, cả dân tộc cũng đang náo nức chờ đón giờ phút thiêng liêng – thời khắc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội
Song Tháp
Theo thống kê bách thần của Bộ Lễ thời Lê thì các tỉnh miền Bắc nước ta có đến 1.027 nơi thờ Hùng Vương. Hiện nay, con số này đã quá lạc hậu so với các nơi có thờ vua Hùng từ Bắc chí Nam. Chỉ riêng ở Vĩnh Phú – cái nôi của Giỗ tổ đã có đến 562 điểm có di tích thờ Hùng Vương.
 

Bình luận (0)