Dù đã đưa Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy về nơi an nghỉ cuối cùng ở ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhưng đông đảo người dân, đồng đội và bà con anh em vẫn chưa hết cảm phục cuộc đời và cách sống thanh cao của Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy trong lần về họp mặt ở Gò Công, Tiền Giang
Do công tác nhiều năm ở Đồng Tháp và được nhiều lần tham gia các cuộc họp mặt của Ban Tuyên giáo Khu 8 nên tôi có nhiều cơ hội gặp được Anh hùng, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy. Thời trai trẻ từng khiến cho không lực Huê kỳ nhiều phen kinh hồn bạt vía trên bầu trời nhưng lúc nào trước mặt tôi, ông vẫn là một lão nông mặc đồ bình dị, quấn chiếc khăn rằn lên đầu rặt chất Nam bộ. Dáng người cao, đặc biệt là nụ cười tươi, giọng nói gần gũi bao giờ cũng chiếm được cảm tình người đối diện.
Năm 2017 vì bận việc đột xuất, tôi đã tính hoãn chuyến về Tiền Giang để họp mặt kỷ niệm trận đánh oai hùng của quân và dân ta ở ấp Bình Qưới, Gò Công do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức. Thế nhưng theo lời ông Đỗ Tấn Huỳnh, trong chuyến đi này có cả Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy cùng tham dự. Nghĩ đây là dịp hiếm có nên tôi đã gác lại mọi chuyện để bằng mọi cách được gặp lại người anh hùng trên quê hương Đồng Tháp năm xưa. So với 20 năm trước đây ông Bảy già hơn nhiều, râu tóc thưa và đã có vài sợi bạc. Dáng người cao lớn nhưng đã hơi còng nên ông không còn hoạt bát như trước đây. Nhưng bù lại, ông nói chuyện niềm nở và vui vẻ hơn, không còn khoảng cách nhiều như trước đây. Hôm đó ông mặc bộ đồ đơn giản, đội chiếc khăn rằn nên hiện lên trước mắt tôi là một lão nông đậm chất Nam bộ thay cho hình ảnh oai hùng của người chiến sĩ phi công. Thế hệ học sinh chúng tôi hồi ấy còn hiểu được ông qua cuốn truyện tranh “Anh hùng Nguyễn Văn Bảy” dù chỉ 2 màu đen trắng và hơn 20 trang nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ. Thằng bạn tôi có hoa tay còn vẽ lại hình ảnh Đại tá Nguyễn Văn Bảy vào cuốn vở học sinh và coi đó như một bức hình quý về thần tượng của mình. Khi tuổi cao sức yếu, gần như rũ bỏ hết vinh hoa phú quý, ông từ chối cuộc sống đô thị ồn ào náo nhiệt để trở về quê hương ruộng đồng để trồng trọt chăn nuôi. Ông Đỗ Tấn Huỳnh kể, sau khi nghỉ hưu có thời gian ông sống với gia đình người con trai ở TX.Sa Đéc (Đồng Tháp) nhưng nỗi nhớ ruộng vườn bỗng trỗi dậy khi tuổi tác đã về già. Thế là đến năm 2009, ông làm một cuộc “hồi hương” ngay trên mảnh đất xã Hòa Thành để đào ao nuôi cá lên liếp trồng hoa màu. Được trở lại quê nhà Anh hùng Nguyễn Văn Bảy như thấy mình trẻ lại, gặp được tuổi thơ xưa của mình trong không gian yên tĩnh của lũy tre xanh, giàn mướp rộng.
Cựu Thiếu tá phi công Charlie Plumb từng gặp Anh hùng Nguyễn Văn Bảy xúc động nói: “Ông Bảy là anh hùng. Ông ấy mời tôi về nhà chơi, gặp vợ ông ấy nữa và đãi tôi bằng một loại rượu do chính tay ông ấy nấu, đó là rượu cây nhà lá vườn, rất ngon. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Lịch sử đã đứng về phía các bạn khi cuối cùng các bạn đã giành được độc lập thống nhất đất nước. Nhưng cả hai bên bây giờ đều là bạn bè. Và tôi rất vui mừng nhận thấy hai đất nước của chúng ta đã cùng nhau phát triển mối quan hệ rất tốt đẹp”.
Dù lội ruộng hay tiếp khách, ông vẫn quần áo bà ba, chiếc khăn rằn lúc thì vắt vai khi thì quấn cổ bình dị như tấm lòng thơm thảo của ông. Cũng tại lần gặp ông ở Lai Vung, tôi đã được nghe ông cắt nghĩa: “Tao tên Bảy nên gặp toàn số 7. Con thứ 7 trong gia đình, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa chỉ trong 7 ngày được lên lớp 7, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG 17 nên được phong anh hùng năm 1967”. Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là do số phận đã ưu ái sắp đặt cho ông nhưng mỗi lần liệt kê những con số 7 ông cười khoái trá xen lẫn niềm tự hào toát ra từ trong ánh mắt.
Hôm nay, ông đã ra đi mãi mãi về phía bên kia bầu trời. Nhưng hình ảnh người phi công anh hùng vẫn còn lấp lánh cho nhiều thế hệ về sau khi nhắc tới những chiến công oai hùng của binh chủng không quân Việt Nam thời chân đất đánh Mỹ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)