Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhớ người thầy đức độ – PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp!

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp qua đời ở tuổi 80 để lại bao tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp và rất nhiều thế hệ học trò… Thầy đã ra đi, nhưng tôi luôn tin rằng, cho dù có đi qua bao nhiêu năm nữa, mọi người sẽ nhớ mãi về thầy với những tình cảm trân trọng nhất!


PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp và bà xã – cô Thành Bích Ngọc

PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp cũng là một trong những cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí Giáo dục TP.HCM với nhiều bài viết rất giá trị, đặc biệt nhất là loạt bài Khám phá nền giáo dục ở Macau, Thăm Liễu Châu nhớ thơ Bác, Tinh hoa văn học Trung Quốc… được độc giả rất yêu thích!

1. Là một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng về văn học Trung Quốc ở Việt Nam, PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp là tác giả của nhiều công trình được người yêu văn học biết đến như: Thơ Đường ở trường phổ thông, Văn học Trung Quốc trong nhà trường, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tính thời sự trong thơ Đỗ Phủ, Thơ Đường, Trung Hoa hôm nay, Văn học Nam bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX, Nhân vật lịch sử Trung Quốc, Hồ Chủ tịch với văn học cổ Trung Hoa, Sự phát triển thi pháp của Đỗ Phủ qua các thời kỳ sáng tác, Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, Tinh hoa văn học Trung Quốc, Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Bình luận văn học, Nhà văn “Thế hệ mới” ở Trung Hoa hiện nay… Tuy nhiên, PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp không bao giờ nhận mình là người nổi tiếng. Mỗi lần hẹn gặp thầy để phỏng vấn, thầy đều nói: “Tôi chỉ trò chuyện cùng các bạn với tư cách là một người lớn tuổi, một nhà giáo lâu năm. Điều này giúp tôi nhìn lại một thời đã qua, may ra có đôi điều bổ ích để giúp cho các bạn”. Thầy là thế, luôn khiêm tốn, rất ít khi chịu nói nhiều về bản thân mình. Nhắc đến tên thầy, ai cũng đều yêu kính và ngưỡng mộ bởi sự song hành của tâm – tài – đức. Thời gian dạy và đảm nhận chức vụ Phó Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (1988-2002), thầy rất quan tâm đến đội ngũ kế thừa. Những cán bộ giảng dạy trẻ có năng lực luôn được thầy đề xuất giữ lại trường, và đều trưởng thành với chức danh, học vị đầy đủ. Khi đã nghỉ hưu, thầy vẫn tham gia giảng dạy các chuyên đề văn học ở các chương trình sau đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các hội đồng chấm luận văn, luận án… Thầy bảo: “Nếu có thể được, tôi xin khuyên thế này. Hồi trẻ, tôi có ưu điểm ham học. Học rất nhiều, bao giờ cũng thấy mình thiếu học cả. Thứ hai phải có kỳ vọng làm việc gì hữu ích cho nước cho dân, phải làm được gì mới quan trọng chứ chỉ học không cũng không được. Học để làm được việc có ích, học và học mãi để kiến thức mình cao hơn nữa, trau dồi đạo đức để phục vụ đất nước… là điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ. Gần 50 năm làm nhà giáo và nếu được chọn, kiếp sau tôi vẫn xin chọn được làm nhà giáo, dù nghề này không giúp cho người ta làm giàu…”.

Nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM rất quý mến và kính trọng thầy Hiệp và cô Thành Bích Ngọc – bà xã của thầy, cũng nguyên là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Thời sinh viên, tôi được học bộ môn văn học Trung Quốc của thầy Hiệp, ngoài những lúc nghiêm khắc trong việc giảng dạy, thầy rất hòa đồng, vui vẻ với học trò, luôn sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên khó khăn. Đối với tôi, thầy Hiệp là một người thầy đức độ, chan hòa tình cảm, giàu nghị lực đáng học tập.

Thời gian nghỉ hưu, thầy Hiệp vẫn dành thời gian, sức lực cho việc nghiên cứu, viết sách cũng như truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều thế hệ học trò…

2. Gần 50 năm luôn đồng hành cùng ông xã PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp trên khắp các nẻo đường, trong ký ức của cô Bích Ngọc vẫn rõ như in những năm tháng khó khăn khi hai vợ chồng cùng đi dạy nhưng chưa khi nào họ có ý định bỏ nghề để chuyển sang môi trường khác để làm việc. Nhắc lại kỷ niệm thời yêu nhau, lúc sinh thời, thầy Hiệp kể: “Một lần, tôi mời bà ấy đi xem chiếu bóng, bà ấy ngồi xem say sưa còn tôi vì học nhiều, mệt mỏi nên… ngủ gục. Về nhà, bà ấy bảo tôi “tâm hồn anh thật là khô cứng”. Lúc đó, tôi chỉ biết cười hổ thẹn và xin lỗi lần sau nhất định sẽ không như thế nữa. Nói vậy chứ tính bà ấy ngay từ thời còn trẻ cũng rất vị tha nên luôn thông cảm cho tôi”.


PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp trong một buổi hội thảo về văn học Trung Quốc

PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp sinh năm 1944 ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thầy từng giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Sư phạm Campuchia. Thầy đã được trao Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục…

Ngôi nhà của thầy cô treo đầy tranh ảnh lưu lại những vùng đất mà PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp và vợ đã đặt chân đến. Bao ký ức hiện về rất rõ, thầy hào hứng kể về từng bức hình gắn với từng kỷ niệm: “Có lần, tôi cùng bà ấy sang Trung Quốc. Giữa một đêm gió lạnh trong rừng núi, tôi đã cất tiếng hát bài Tây du ký. Khi tôi hát xong, bạn bè xung quanh vỗ tay khen ngợi. Tôi vẫn luôn quan niệm tìm bạn mà chơi, tìm vui mà đến. Trong những chuyến đi, tôi luôn mong có bà ấy bên cạnh”. Những hình ảnh từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành của cô con gái Hồ Bích Trâm cũng được vợ chồng PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp lưu giữ cẩn thận.

Chị Hồ Bích Trâm hiện đang công tác trong ngành hàng không. Sau bao nhiêu năm dạy học, sống cho thanh bạch, thầy cô vui vì đã gầy dựng cho con một nhân cách sống, một trình độ học vấn vững vàng, hạnh phúc lớn nhất của thầy cô là nhìn thấy con nên người. Hai vợ chồng thầy cô giáo dục con cháu bằng chính nhân cách sống của cuộc đời mình.

PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp cũng từng chia sẻ: “Tôi thích học thuyết của Khổng Tử, trong đó đạo Trung Dung mà Khổng Tử nói đến luôn làm tôi suy ngẫm suốt những năm tháng tuổi trẻ. Càng trải nghiệm, càng thấm thía. Tôi học được cách cân bằng, biết đủ là đủ…”.

Giờ thì PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp đã về với đất mẹ. Xin vĩnh biệt thầy, một nhà giáo tài hoa, đức độ!

Khôi Nguyên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)