Tháng 7, cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua trung tâm xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xanh ngắt những triền đồi cà phê. Ngược xuôi trên cung đường ấy, ai cũng ghé lại dâng nén nhang thơm ở tấm bia tưởng niệm 5 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam – Lào bên cổng Đồn biên phòng Hướng Phùng, tri ân người ở lại cho biên cương thêm xanh.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Phùng tưởng nhớ 5 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc ngày 11-7-1978 tại xã Hướng Phùng
Vì biên cương xanh
Biên cương tháng 7 thẳm xanh. Trong xuôi ngược hành trình về nguồn, tri ân những anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì hòa bình, ngang qua cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua trung tâm xã Hướng Phùng – nơi có tấm bia ghi danh 5 liệt sĩ đã ngã xuống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cắm mốc biên giới tròn 45 năm về trước, không ai quên dừng lại thắp nén nhang tri ân.
Câu chuyện được những người lính biên phòng miền biên viễn và cả những người dân sống yên bình dọc dãy Trường Sơn kể lại đầy xúc động. Năm 1975, hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam. Để đảm bảo chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của hai nước Việt Nam – Lào, hai bên đưa ra nhận định, đường biên giới giữa hai nước cần phải được hoạch định, cắm mốc. Năm 1977, tại thành phố Vientiane (Lào), hai nước ký toàn văn Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia. Tỉnh Bình Trị Thiên được chọn làm đơn vị thí điểm phân giới cắm mốc để rút kinh nghiệm cho toàn tuyến.
Công việc cắm mốc được thực hiện ngay sau đó. Thời điểm ấy, công việc phân giới cắm mốc trên vùng rừng núi Bình Trị Thiên gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, rừng thiêng nước độc. Để hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ luôn động viên nhau nỗ lực khắc phục mọi khó khăn. Để chuẩn bị trước một bước cho các đoàn phân giới, cắm mốc của ta và nước bạn tiến hành ở đoạn đầu tiên trên thực địa (từ cầu Xà Ợt (bên cạnh Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo) theo suối Xà Ợt ra sông Sê Pôn) sẽ diễn ra vào ngày 28-7-1978 – mở đầu cho việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào, tỉnh Bình Trị Thiên (bây giờ là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) quyết định tiến hành khảo sát khu vực Bắc đường 14. Có 5 chiến sĩ gồm: Đại úy Võ Cán (cán bộ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang), Đại úy Nguyễn Văn Tăng (Đồn trưởng Đồn biên phòng Lao Bảo), Thượng sĩ Hồ Văn Trường (Đồn biên phòng Sen Bụt), Trung sĩ Nguyễn Văn Dung (thuộc Bộ Chỉ huy Bình Trị Thiên) và ông Lê Doãn Tường (cán bộ Cục Đo đạc bản đồ Trung ương) nhận nhiệm vụ lên biên giới khảo sát. Ngày 11-7-1978, đoàn đi từ Sen Bụt về phía Nam động Tà Púc (xã Hướng Phùng). Khi tới động Tà Púc, trời tối sầm mưa đổ như trút nước, lũ từ các con suối cuốn phăng cây rừng, một mảng núi bất ngờ sạt lở, đổ ập xuống. Cả 5 người trong đoàn khảo sát đã bị nước lũ cuốn trôi và đất đá vùi lấp.
Hàng năm, các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn xã đều tổ chức cho học sinh đến bia tưởng niệm thắp hương tưởng niệm 5 liệt sĩ. Câu chuyện về những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì màu xanh nơi miền biên cương này trở thành bài học lịch sử về truyền thống đối với thế hệ tương lai của đất nước.
|
Bộ Chỉ huy tỉnh Bình Trị Thiên đã điều động một đại đội của Tiểu đoàn 2 đóng tại Khe Sanh cùng 20 cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sen Bụt đến vị trí để làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Thi hài 3 liệt sĩ Lê Doãn Tường, Hồ Văn Trường và Nguyễn Văn Dung được tìm thấy, đưa về mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa. Cuộc tìm kiếm tiếp tục kéo dài hơn một tháng, khoảng 600 mét khối đất đá được xới tung nhưng vẫn không có kết quả. Cho đến tận bây giờ, Đại úy Võ Cán và Đại úy Nguyễn Văn Tăng vẫn nằm lại miền biên cương.
Khúc tráng ca thầm lặng
Sự hy sinh của 5 liệt sĩ trong quá trình phân giới cắm mốc biên cương để lại niềm tiếc thương cho đồng bào nhân dân dọc dãy đông Trường Sơn. Ghi nhớ công ơn người ngã xuống, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam đã công nhận liệt sĩ và truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho 5 đồng chí. Ngày 15-9-1978, hai đoàn phân giới, cắm mốc Việt Nam – Lào do ông Huỳnh Thủ (Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) dẫn đầu đoàn Việt Nam và ông Ma Khay Chăn Phi Thun dẫn đầu đoàn Lào đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang huyện Hướng Hóa. Năm 1994, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã dựng bia tưởng niệm 5 liệt sĩ ở ngã 3 đường 14, đoạn qua xã Hướng Phùng.
Trung tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn biên phòng Hướng Phùng chia sẻ, việc trông coi, chăm sóc khuôn viên bia tưởng niệm do đơn vị phụ trách. Không chỉ vậy, chính quyền xã Hướng Phùng và bà con nhân dân ở đây vẫn rất quan tâm. Hàng năm, các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn xã đều tổ chức cho học sinh đến bia tưởng niệm thắp hương tưởng niệm 5 liệt sĩ. Câu chuyện về những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì màu xanh nơi miền biên cương này trở thành bài học lịch sử về truyền thống đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Chúng tôi rời Hướng Phùng, trở về thành phố, những bản làng xanh mướt một màu xanh của ruộng rẫy cà phê lùi lại phía sau. Đưa tay vẫy chào những người nông dân Vân Kiều đang hăng say thu hoạch những trái cà phê chín đỏ, tôi mường tượng nghe tiếng đàn, tiếng hát vang vọng khắp các bản làng vùng cao. Nhớ lời Hồ Doi – một cựu chiến binh nhiều năm tận tụy với công tác khuyến học ở Hướng Phùng nói: “Thế hệ cha ông đi trước đã ngã xuống vì hòa bình, vì thế hệ cháu con đồng bào Vân Kiều dọc dãy Trường Sơn hôm nay luôn khắc ghi lời dạy uống nước nhớ nguồn, nỗ lực để xây dựng quê hương ngày một tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.
Thiên Phúc
Bình luận (0)