Soạn giả Điêu Huyền chính là “cha đẻ” của những kịch bản cải lương nổi tiếng như: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa, Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya, Cây sầu riêng trổ bông, Kiếp chồng chung, Lá thắm chỉ hồng… Dù ông đã không còn tại thế, nhưng những tác phẩm của ông vẫn sống mãi trong lòng của khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương…
Soạn giả Điêu Huyền
Đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật cải lương Nam bộ
Soạn giả Điêu Huyền tên thật là Phạm Văn Điều, sinh năm 1915 tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Là con thứ chín trong một gia đình có 11 anh chị em, có truyền thống cách mạng. Tư tưởng yêu nước trong các vở tuồng của ông là kết tinh từ truyền thống gia đình. Tham gia cách mạng từ những năm 1940 nên ông đã sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Từ khi còn là học sinh Trường Trung học Cần Thơ, ông đã yêu thích nghệ thuật cải lương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tập tành sáng tác được 3 vở Thiếu nhi thời loạn, Mười năm gian khổ, Chim Việt cành Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông chín muồi nhất là từ năm 1954 đến 1983 (năm ông mất) với gần 40 vở tuồng. Qua những tác phẩm này đã làm nổi bật lên một nhân cách lớn, một tinh thần cần cù, lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi.
NSƯT Mỹ Châu viếng mộ soạn giả Điêu Huyền
Lúc sinh thời, ông nổi tiếng là người khó tính nhưng rất “mát tay” khi đưa tên tuổi của các nghệ sĩ trở thành “thương hiệu” với vở diễn của ông như: Bạch Tuyết, Diệp Lang, Mỹ Châu, Giang Châu, Thanh Tuấn, Ngọc Bích, Tô Kiều Lan, Tuấn Thanh, Lệ Thủy, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Tư Rọm… Và những ai sinh ra, lớn lên tại miền Nam, có tâm hồn đam mê nghệ thuật cải lương không thể không biết đến các vở tuồng của ông từng gây “sóng gió” trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn II, 284 ngày nào… Thời gian gần đây, Nhà hát Truyền hình của VTV3 cùng đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã dàn dựng lại một số kịch bản cải lương kinh điển của Điêu Huyền phát sóng trực tiếp Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời… với sự tham gia của một đội ngũ nghệ sĩ trẻ như Thanh Ngân, Phượng Hằng, Trọng Phúc, Kim Tiểu Long, Linh Trung, Hữu Quốc, Trung Dân… được khán giả, đặc biệt là khán giả ở nông thôn đón nhận nồng nhiệt.
Trong ký ức của các tài danh
NSND Bạch Tuyết gọi soạn giả Điêu Huyền bằng thầy, bằng ba nuôi trong nghề. Nếu không có soạn giả Điêu Huyền thì nghề nghiệp sân khấu của NSND Bạch Tuyết sẽ không biết bắt đầu như thế nào?
NSND Bạch Tuyết kể: “Năm 16 tuổi, tôi chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật cải lương. Chính soạn giả Điêu Huyền đã đến gặp ba tôi, xin và đảm bảo cho tôi đi theo ông xuống gánh hát Kiên Giang tập vở tuồng Lá thắm chỉ hồng do ông viết kịch bản. Đây là vở diễn đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Tôi đóng vai cô lái đò. Vở diễn ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của mọi tầng lớp. Nước loạn, tuỳ khả năng của mình mà họ lên đường cứu nước. Những người mẹ, người vợ, người yêu ở lại nhà sắt son chung thủy, đảm đang mọi việc, đợi người đi xa mang chiến thắng trở về… Tất cả đối với tôi lạ lùng, quyến rũ lẫn sợ hãi của một cô nữ sinh trung học, lần đầu bước vào cái xã hội thu nhỏ của những người làm sân khấu dân tộc với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố… Tôi cảm thấy mình bước đi như chân không chạm đất một cách chắc chắn, chỉ biết hành động theo sự chỉ dạy, sắp đặt của ba nuôi từ tuồng, tập hát, tập múa, tập đánh kiếm, tập hóa trang… tập hết. Đêm diễn khai trương, khán giả đến xem rất đông. Sau buổi diễn, vào hậu trường, tôi hỏi ba nuôi xem vai diễn thế nào, ông không trả lời mà đưa cho tôi một bao lì xì đỏ bảo đó là “lộc của Tổ” rồi kêu tôi muốn biết mình diễn như thế nào cứ đi hỏi các anh em hậu đài, soát vé sẽ rõ… Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn thói quen do ba nuôi truyền lại là biết quan tâm chăm sóc các bạn công nhân, hậu đài, đội quân thầm lặng không thể thiếu của sân khấu. Ba nuôi tôi bảo: “Con muốn biết mình diễn hay hay dở thì hãy hỏi những người đó. Hay là họ khen, dở họ chê chứ không hề nói gạt con”. Lời của ba nuôi cho tới ngày này tôi vẫn còn thấy đúng. Những xuất diễn tiếp theo tôi càng nhập vai hơn. Khi đi chợ với ba nuôi, khán giả gặp tôi chỉ tay bảo “Cô lái đò kìa”. Ba nuôi nói mới đi hát mà được khán giả kêu tên nhân vật là “điềm lành”, nhất định tôi sẽ thành công. Sau vở Lá thắm chỉ hồng, tôi tiếp tục diễn vở Kiếp chồng chung cũng của ba nuôi viết và tên tuổi của tôi được đông đảo người trong giới biết đến, đặc biệt là được khán giả rất yêu mến…”.
Từ năm 2020, tỉnh Cần Thơ cũng đã tổ chức hội thi “Giọng ca cải lương giải Điêu Huyền mở rộng” thu hút đông đảo thí sinh yêu nghệ thuật cải lương tham gia. Đây là hoạt động nghệ thuật nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất Phong Điền nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đồng thời vinh danh ngòi bút tài hoa của cố soạn giả Điêu Huyền – người đã có những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. |
Nghệ sĩ Tuấn Thanh – người nổi tiếng với vai Chơn trong Tiếng hò sông Hậu cho biết: “Soạn giả Điêu Huyền đã ra đi nhưng trong giới sân khấu cải lương, mọi người vẫn nhớ đến ông. Bản thân tôi suốt cuộc đời vẫn không bao giờ quên được công ơn của ông – người đã trao cho tôi “chiếc chìa khóa bằng vàng” để mở ra cho mình một cánh cửa lớn bước vào thánh đường thiêng liêng của nghệ thuật. Ông đã tiếp nối, thừa hưởng những tinh hoa của các bậc tiền bối cải lương và ông đã trao lại cho thế hệ sau như tôi không chỉ kinh nghiệm, tài năng, tác phẩm mà còn là tấm gương của một nhân cách lớn, yêu nghề, trân trọng nghề. Ông mở đường, dạy dỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều tài năng trẻ vào nghề bằng chính tâm huyết và khả năng thật sự của họ…”.
NSƯT Mỹ Châu cho biết: “Soạn giả Điêu Huyền có phong cách sống giản dị, hòa đồng, ông biết nhìn người, thông cảm và sẻ chia hoàn cảnh. Khi nghệ sĩ gặp khó khăn là ông sẵn lòng giúp với khả năng ông có thể, đặc biệt là không đố kỵ tài năng và ai cũng được ông coi trọng. Đó là nhân cách và tư duy của một nghệ sĩ lớn đúng nghĩa, chính vì thế mà nhiều người trong giới quý trọng ông, xem ông là thầy của nghề nghiệp, tình thương yêu và tấm lòng nhân hậu của người cha…”.
Anh Khôi
Bình luận (0)