Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhớ Tết cũ, vọng hoàng mai

Tạp Chí Giáo Dục

Nói đến nhớ, thường người ta sẽ nhớ về những gì không còn nữa. Như nỗi nhớ âm vọng tiếng pháo đì đùng vào mỗi dịp Tết xưa, nhớ ngoại hay lì xì cháu những ngày đầu năm cháu về mừng tuổi mà nay ngoại đã đi xa. Với tôi, tôi còn nhớ, nhớ đến sâu thẳm, hình ảnh cây mai vàng trong vườn nhà ba má tôi.

Ngày xuân, cây hoa đại diện cho miền Bắc là đào hồng, còn miền Trung, Nam là cây mai vàng. Khởi đi từ đặc thù thổ nhưỡng và khí hậu, lâu dần ăn sâu vào tiềm thức, đào đã thành linh hồn của Tết Bắc, mai đã thành khí chất của Tết Trung, Nam. Trong vườn nhà ba má tôi không chỉ dưỡng một mà là nhiều cây mai vàng. Quê tôi ở An Khê, vùng núi xưa là Tây Sơn Thượng đạo, nay thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là chốn địa linh, nơi ba anh em nhà Tây Sơn làm bàn đạp dấy binh khởi nghĩa đánh xuống vùng Tây Sơn hạ đạo, nay thuộc Bình Định, làm tiền đề cho những trận thắng lưu danh sử sách sau này.

Ba má tôi làm nghề trồng laghim, mùa nào thức nấy, có thể thay đổi từ cải xanh sang cải rổ, đậu côve sang đậu Hà Lan… Nhưng chiếm lĩnh một chỗ không thay đổi trong mảnh vườn ba công đất ấy luôn có hình ảnh vững chãi của những cây mai. Những cây mai này từ hơn 15 năm trước, anh em chúng tôi theo chân những người làm rừng vào rừng sâu kiếm tìm. Thập nhị, 12 cây mai săn tìm được là cả quá trình khó nhọc, kỳ công của anh em chúng tôi. Năm đó, lúc hạ thổ, cả một góc vườn bỗng chốc vàng rực sắc mai vàng khiến ai đi qua cũng phải ngoái nhìn.

Cũng may, những cây mai rừng dường như hiểu lòng anh em chúng tôi, đã bén rễ ăn sâu vào đất mà không nệ đất vườn hay đất rừng. Một thoáng ngàn xanh đã lấp ló đâu đó trong mảnh vườn nhà ba má tôi. Những ngày trước Tết, lúc mấy liếp rau trong vườn nhà sắp đến kỳ thu hoạch, những cây mai vươn cao gân guốc, vững chãi. Vài ba ngày trước Tết đã thấy sướng mắt với những nụ mai vàng chúm chím nở bên trên, còn dưới đất là cả vạt rau xanh mướt.

Chỉ độ vài năm sau, hễ tới ngày cận Tết, những người làm vườn trong thung sâu mỗi lần đi ngang qua nhà ba má tôi, ai cũng tấm tắc: “Mai nhà ông Ba đẹp quá! Nhìn đã con mắt!”. Ba tôi cười hề hề: “Ờ, đẹp, đẹp chớ!”. Má tôi cũng cười cười nhưng không nói gì. Với anh em chúng tôi, đó là cả niềm hãnh diện. Để cứ mỗi độ Tết đến, xuân sang, sớm mai hoặc chiều tà, cả nhà cùng trải chiếu hoa trước hàng hiên ngồi, hướng mắt ra góc vườn mai. Vừa cắn hạt dưa, nhai miếng bánh in, nhấp một ngụm trà vừa dõi mắt thưởng mai vàng. Một thú vui không gì có thể đánh đổi. Và chỉ có được trong đôi ba ngày trước và sau Tết.

Mai đẹp lắm! Đẹp đến nỗi ông Cao Bá Quát (1809-1855) lúc đương thời từng buột miệng: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Đời này không bao giờ chịu sống luồn cúi, duy chỉ cúi đầu ngưỡng bái trước hoa mai! Khí khái của nhà Nho tài tử nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 19 này dường như gắn liền với câu nói bất hủ đó. Và rồi hơn thế kỷ sau, thi sĩ Phạm Thiên Thư mới rụt rè cất lên tiếng thơ đầy mê đắm trong thi phẩm Đưa em tìm động hoa vàng, với những câu buồn vương man mác cảnh giới thoát tục: “Rằng xưa có gã từ quan / Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau”. Động hoa vàng ấy chính là động hoàng mai, chốn người thi sĩ hóa thân thành ông quan liêm chính quyết rời chốn quan trường tìm về ẩn dật trong cõi riêng mang tên nhiên giới!

Trong thập nhị mai vườn nhà ba má tôi đặc biệt có một cây mai quý. Đúng như triết lý phân cấp “Nhất dáng…”, nó toát ra thế dáng thanh thoát, mềm mại nhưng cũng đầy rắn rỏi, can trường. Cành nhánh trổ ra những đường cong cong, rồi vươn thẳng trông tựa cánh tay thiếu nữ. Gốc mai chắc trụ vững chãi, thẳng tắp. Người có nghề nhìn vào là biết ngay mai quý. Chẳng thế, chúng tôi đã gọi đùa nàng mai này là hoa khôi của vườn mai nhà mình. Và chỉ có nó mới xứng danh “hoàng mai”, dù những anh chị còn lại đều mang một vẻ đẹp riêng. Mỗi dịp Tết về quê, việc đầu tiên tôi làm là dong ngay ra góc vườn mai. Nhìn ngắm và xuýt xoa. Và bao giờ cũng thế, dừng lại thật lâu trước cây hoàng mai, hoa khôi của tất cả. Những khi giận vợ con điều gì, chỉ cần im lặng, đi ra thăm nàng hoàng mai là mọi thứ chìm lắng xuống. Tâm trí tĩnh lặng, bình an tựa nước mặt bàu sen Bình Thuận quanh năm không hề thay đổi, dù có mưa nắng thế nào!

Nhưng vật đổi sao dời. 5 năm trước đây về lại, hỡi ôi, hoàng mai trong vườn nhà ba má tôi đã vụt cánh bay mất. Như bay vào cõi mộng du sầu ảo. Năm đó, tôi về muộn, trước Tết, má tôi đã để lại cho bà chủ mối laghim cây hoàng mai đặng lấy tiền chữa bệnh cho ba tôi. Số tiền không lớn lắm nhưng thời điểm đó, má tôi không xoay xở kịp, và cũng không kịp báo cho tôi hay. Chỗ cây mai quý năm nào giờ đây là một hõm đất trơ trọi. Tôi rụng rời chân tay. Nhưng biết sao được, khi cây hoàng mai đã trở thành một thiên sứ để giúp ích vào một việc trọng.

Chỗ hõm đất trống, tôi đã đặt vào đó một tảng đá. Và nếu khi xưa, cụ thi sĩ họ Cao cúi đầu bái hoa mai, tôi thì nghiêng mình đảnh lễ trước một… tảng đá. Là hiện thân, là bóng ảnh của cây hoàng mai hoa khôi trong vườn nhà ba má tôi, nếu không muốn nói là trong cả xóm laghim quanh vùng.

Giờ đây, mỗi độ Tết về, cả nhà chúng tôi vẫn giữ thói quen trải chiếu hoa ngồi trước hàng hiên cắn hạt dưa, ăn mứt Tết, nhấp ngụm trà và ngắm góc vườn mai. Tuy cây hoàng mai không còn nhưng nó cũng không hẳn mất đi. Nó còn đó, trong ký ức ngắn ngủi về vẻ đẹp rạng ngời của hoa xuân trong lòng người ở lại.

Tùy bút của Trần Văn Thưởng

Bình luận (0)