Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nhờ thầy giáo Y Lim Niê, con em Cư Pui đã sáng cái đầu

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng bào các dân tộc ở xã vùng sâu, vùng xa Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) ai ai cũng quý mến thầy giáo Y Lim Niê bởi thầy đã đưa cái chữ của Bác Hồ về với buôn làng, giúp con em đồng bào học tập, sáng cái đầu, làm người có ích cho buôn làng, cho xã hội.
Thầy giáo Y Liêm Niê là người dân tộc Êđê, năm nay bước sang tuổi 52 nhưng đã có trên 25 năm tuổi nghề trong sự nghiệp “trồng người”. Thầy Y Liêm Niê cho biết: sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Y Liêm Niê mới học hết bậc trung học cơ sở. Thấy các em nhỏ vùng sâu còn “đói nhiều cái chữ”, thế là Y Liêm Niê xin đi học trường Trung cấp Sư phạm tỉnh để về dạy cho các em. Ra trường, thầy được phân công về dạy ở trường Tiểu học Yang Mao, cách nhà hơn chục km. Những năm 80, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông còn nghèo đói, lạc hậu lắm, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, nhiều thầy, cô giáo bỏ về quê, nhưng thầy giáo Y Liêm Niê vẫn bám trụ tại điểm trường, ngày ngày lên lớp dạy cho các em từng con chữ. Học trò của thầy phần lớn là học sinh người dân tộc Êđê, nhà nghèo, bố mẹ lo cho cái ăn còn chưa đủ nói chi đến chuyện học hành của con nên sĩ số học sinh trong lớp tăng, giảm theo từng mùa rẫy. Cứ làm xong nương rẫy, học sinh đến lớp đông đủ, đến mùa thu hoạch, hay đầu mùa rẫy lớp học lại trống vắng… Nắm được tình hình đó, thầy giáo Y Liêm Niê không quản ngại ngày đêm, băng rừng, lội suối đến từng nhà tâm sự, thuyết phục các ama, amí (cha, mẹ) cho con em đến trường, học cái chữ, rèn cái nết để sáng cái đầu, bỏ thói hư tật xấu, làm người có ích cho buôn làng, cho xã hội…Thầy thường thực hiện giảng dạy bằng song ngữ: tiếng phổ thông và tiếng Êđê để giúp các em học sinh dân tộc Êđê nắm bắt bài học dễ dàng hơn. Thầy Y Liêm Niê còn tự làm các dụng cụ học tập để minh họa cho các các bài giảng nhằm giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu hơn. Nhờ vậy, số học sinh đến lớp ngày một đông, chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Đến năm 1996, thầy Y Liêm Niê được chuyển về dạy học tại xã nhà Cư Pui, đảm nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường Tiểu học Cư Pui. Đến cuối năm 2004, trường Tiểu học Cư Pui tách ra làm hai trường: trường Tiểu học Cư Pui 1 và trường Tiểu học Cư Pui 2 và thầy Y Liêm Niê được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Cư Pui 2 từ đó đến nay. Trường Tiểu học Cư Pui 2 thu hút học sinh các địa bàn buôn Khanh, buôn Khóa, Ea Ba, Ea Rớt, buôn Ea Lang. Thầy Y Liêm Niê cho biết thêm, do trường mới thành lập nên thiếu trăm bề, từ cơ sở vật chất cho đến thầy cô giáo. Trường có 43 lớp nhưng chỉ mới có 37 giáo viên, lớp lại không ra lớp: mùa mưa thì lớp học nước chảy ào ào, mùa nắng thì gió bụi, nóng chói chang, thầy cô giáo phải ở tạm trong nhà dân, hay trong hội trường của xã, của hợp tác xã… Thế là thầy Y Liêm Niê cùng với Ban Giám hiệu nhà trường chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã Cư Pui, Phòng Giáo dục huyện xây dựng thêm trường lớp học, bổ sung thêm đội ngũ giáo viên. Thầy cũng trực tiếp liên hệ với Công ty Lâm nghiệp Krông Bông xin đơn vị hỗ trợ xây dựng lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. Nhờ vậy, đến nay, ngoài việc đầu tư tu bổ, sửa chữa lại các lớp học cũ, trường Tiểu học Cư Pui 2 cũng đã xây dựng mới thêm 18 phòng học (nhà cấp 4) và hàng chục nhà công vụ cho giáo viên…
Hiện nay, trường Tiểu học Cư Pui 2 đã có cơ sở vật chất trường học ngày một khang trang, đội ngũ giáo viên tương đối đủ và có trình độ chuẩn theo quy định, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu dạy và học cho con em đồng bào vùng sâu trên địa bàn.
Dù ở cương vị nào, là giáo viên đứng lớp hay làm công tác quản lý, thầy giáo Y Liêm Niê lúc nào cũng hết lòng với sự nghiệp trồng người, thầy được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, của tỉnh. Già làng Ama Khuyên ở buôn Khóa hồ hởi nói: Nhờ có thầy giáo Y Liêm Niê mà con em đồng bào các dân tộc vùng sâu Cư Pui đã sáng cái đầu, trưởng thành, nhiều cháu bây giờ đã học lên để trở thành kỹ sư, bác sĩ, làm cán bộ xã, cán bộ huyện…phục vụ tốt cho xã hội, cho buôn làng./.
Theo TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)