Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhọc nhằn đầu tư ngoài ngành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dôi dư vốn lưu động, doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào lĩnh vực “hot” để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm quản lý cộng với thiếu vốn dễ dẫn tới việc đầu tư ngoài ngành trở nên bế tắc trong giai đoạn hiện nay.

Rủi ro và lợi nhuận trong đầu tư tài chính

Khi dễ dàng phát hành tăng vốn để thu về khoản thặng dư lớn, doanh nghiệp có thể sử dụng tràn lan, tham gia vào TTCK để kiếm lời ngắn hạn. Đối với CTCP Nhà Thủ Đức (TDH) hay Kinh Đô (KDC), danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn đã từng chiếm 40-50% tổng tài sản của họ.

Sức nóng của TTCK có hấp lực mạnh với nguồn vốn nhàn rỗi của các doanh nghiệp, tuy nhiên, họ chưa đánh giá hết được mức độ rủi ro khi thoái vốn hay trích lập các khoản dự phòng giảm giá sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn sản xuất kinh doanh ra sao.
Dôi dư vốn lưu động, doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào
lĩnh vực “hot” để thu lợi nhuận.
Với quan điểm đối lập, kế toán trưởng của một doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn miền Bắc cho rằng cổ phiếu công ty ông đang giao dịch dưới giá trị thực, tuy nhiên, việc đầu tư cổ phiếu chỉ rành riêng cho các công ty đầu tư tài chính. Do vậy, công ty của ông sẽ đứng ngoài việc kinh doanh chứng khoán do thiếu kiến thức và sự am hiểu thị trường tài chính.
Sự khôn ngoan này hoàn toàn có cơ sở khi hầu hết các doanh nghiệp tham gia kinh doanh chứng khoán ở thời điểm “nóng” và phải trích lập dự phòng khó có khả năng được hoàn nhập như trường hợp của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Thoái vốn khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp đầu tư thêm bằng việc bình quân giá xuống như khi CTCP Cơ điện lạnh (REE) nâng tỷ lệ sở hữu TMP, TBC trong danh mục đầu tư tài chính dài hạn.
Những cú bắt tay chéo
Nhiều doanh nghiệp bắt tay nhau tạo thành ma trận đầu tư chéo mà việc thoái vốn cùng lúc không dễ dàng với cả đôi bên. CTCP Thủy sản Aquatext Bến Tre (ABT), vốn điều lệ 136 tỷ đồng, không chỉ kinh doanh chứng khoán (33 tỷ đồng) mà còn góp vốn 30 tỷ đồng vào quỹ thành viên SSIVF do Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý. Hầu hết khoản vốn đầu tư ngoài ngành của ABT đều xuất phát từ nguồn thặng dư vốn của công ty này. Đồng thời, CTCK SSI và SSIAM đầu tư ngược lại vào ABT với tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên đến 32,5%. Sự bắt tay chéo đấy chỉ hữu ích khi thị trường thuận lợi, việc thoái vốn dễ dàng, ngược lại, cả hai bắt buộc song hành cùng nhau cho tới thời điểm thích hợp hơn.
Về phía tổ chức đầu tư tài chính, không thoái được vốn, họ có thể trading để tìm kiếm lợi nhuận từ những khoản nắm giữ dài hạn, bất chấp đặc điểm thanh khoản kém. Ngoài ra, CTCK phải trích lập dự phòng giảm giá với khoản đầu tư đó khi có ý kiến của kiểm toán. Đối với ABT, khả năng thoái vốn khỏi quỹ thành viên rất khó khăn, chưa muốn nói không thể vì hầu hết các quỹ thành viên đều chịu cảnh giá trị tài sản ròng chiết khấu ít nhất 25-30% so với vốn điều lệ ban đầu. Ngoài ra, việc giải thể quỹ để thu hồi tài sản góp vốn phải được ít nhất 75-80% thành viên biểu quyết thông qua. Khó khăn phần lớn sẽ thuộc về doanh nghiệp không chuyên về đầu tư tài chính nếu họ thiếu vốn cho lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi chi phí vốn tăng cao trong bối cảnh hiện nay.
Cạn vốn bởi ngành nghề “hot”
Lĩnh vực bất động sản được cho là mảng kinh doanh hốt bạc nhờ khả năng thu hồi vốn nhanh và tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Tuy nhiên, thiếu năng lực quản lý cộng thêm tình trạng căng thẳng vốn khiến nhiều doanh nghiệp từ bỏ “giấc mơ” bất động sản, chẳng hạn Hoa Sen Group (HSG) phải cơ cấu lại tài sản. Trong năm 2009 và 2010, HSG đã mạnh tay đầu tư vào 3 dự án bất động sản căn hộ ở Quận 9, văn phòng tại Quận 2, và dự án cảng biển – ngành nghề tiềm năng nhưng đòi hỏi suất đầu tư tài sản lớn. Tổng mức đầu tư cho bốn dự án trên khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa kể dự án đầu tư mở rộng nhà máy tôn Phú Mỹ lên đến 2.300 tỷ đồng, trong khi HSG gồng mình chịu các khoản vay chiếm đến 64% tổng tài sản.
Tính đến 31/03, dư nợ vay ngắn hạn của HSG lên đến 2.598 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn điều lệ, tạo ra chi phí lãi vay ước tính hơn 460 tỷ đồng/năm (với lãi suất trung bình 18%/năm). Không chỉ vậy, ngành nghề kinh doanh chính của HSG (tôn, tôn mạ) gặp khó khăn tại thị trường trong nước do chịu ảnh hưởng thị trường bất động sản đóng băng. Rủi ro kép về kinh tế vĩ mô khiến Đại hội cổ đông bất thường của HSG ngày 16/6 đã thông qua kế hoạch chuyển nhượng phần vốn góp của HSG trong các dự án bất động sản và kể cả dự án cảng biển ở trên. Cuộc chơi lĩnh vực “nóng” như bất động sản không đơn giản là kỳ vọng gia tăng thu nhập mà đòi hỏi kỹ năng quản lý vốn và khả năng dự báo kinh tế vĩ mô một cách thận trọng hơn.
“Gọng kìm” thoái vốn
Bài toán thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành còn gây đau đầu với các doanh nghiệp nhà nước bị siết chặt bởi Nghị định 09/NĐ-CP. Trong đó, quy định DNNN phải đầu tư tối thiểu 70% tổng mức đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, không được góp vốn vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Tổng mức đầu tư ra bên ngoài không được vượt quá vốn điều lệ và doanh nghiệp vi phạm các quy định trên buộc phải điều chỉnh lại với hạn chót là ngày 25/3/2011.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT của Petrolimex cho biết, tổng công ty này có kế hoạch thoái vốn 325 tỷ đồng khỏi danh mục đầu tư tài chính lên đến 3.965 tỷ đồng. Hiện nay, Petrolimex đang nắm giữ 40% cổ phần Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PG Bank) có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và 51% cổ phần trong CTCP Bảo hiểm PJICO có vốn điều lệ 709 tỷ đồng. Để tuân thủ Nghị định trên, giá trị vốn thoái khỏi PG Bank và PJICO của Petrolimex phải lên đến 619 tỷ đồng mệnh giá để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 20%, đồng thời không thể chuyển nhượng sang công ty con do văn bản luật khống chế tỷ lệ trần nắm giữ của công ty mẹ và con không vượt quá 30% vốn điều lệ tổ chức nhận vốn góp.
Sự thoái trào của TTCK cũng buộc nhiều DNNN rơi vào tình thế bất lợi khi thoái vốn, như trường hợp PVPowerland (PVL) cổ phiếu giảm sàn còn 5.000đồng/CP. Với mác dầu khí, PVL có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản nhưng doanh thu từ lĩnh vực này chỉ bằng 8% tổng tài sản, lợi nhuận chủ yếu từ đầu tư tài chính. Việc thoái vốn của PetroVietnam (thông qua PVC) khỏi PVL đặt ra câu hỏi cho cuộc tháo lui chóng vánh do lo ngại khoản nợ khó thu hồi của PVL lẫn việc hủy niêm yết bắt buộc của công ty này.
Khắc phục nước cờ sai

Để sửa chữa sai lầm, nhiều doanh nghiệp có thể chấp nhận lỗ tạm thời để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Quan trọng hơn là sự quyết liệt của bộ máy điều hành đi theo chiến lược trung thành với ngành nghề kinh doanh cốt lõi. CTCP Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình (HBC) đã trải qua hai năm khó khăn từ 2008 đến 2009, lợi nhuận giảm sút do ghi nhận các khoản lỗ do chuyển nhượng các dự án bất động sản tại Q.7, Q.12 sau khi đã lấn sân sang lĩnh vực này mà thiếu năng lực quản lý.

Từ năm 2010 trở đi, doanh nghiệp định vị chiến lược trở thành tổng thầu xây dựng với tổng giá trị hợp đồng 2.300 tỷ đồng (ước tính thực hiện trong năm 2011). Lợi nhuận biên của doanh nghiệp này được cải thiện nhờ sự đầu tư cho máy móc thiết bị hiện đại, quy trình quản lý bài bản.
Ngoài bất động sản, HBC còn có kế hoạch thu hẹp khoản đầu tư tài chính (khoảng 33 tỷ đồng), tuy điều này là không dễ dàng tại thời điểm hiện nay. Điều này khẳng định quyết tâm của HBC là tập trung phát triển lĩnh vực cốt lõi và bỏ qua những cơ hội ngắn hạn. Mặc dù HBC được xếp hạng tín dụng ở mức cao AAA, dư nợ vay ngắn hạn chiếm 27% tổng tài sản nên doanh nghiệp buộc phải suy nghĩ về chi phí tài chính. Quyết định rút lui khỏi lĩnh vực ngoài ngành chứng tỏ tầm nhìn về quản lý của HBC: dành vốn lưu động cho các dự án xây dựng hơn là đọng vốn tại những kênh đầu tư “nóng” có thể chuyển “lạnh” nhanh chóng.
Nguồn DOANH NHÂN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)