Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhọc nhằn đòi bồi thường hợp đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Báo Giáo dục TP.HCM có nhận đơn khiếu nại của bà Lữ Thị Đông (Hiệu trưởng Trường MN Nam Long, TP.HCM) về việc chậm đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê nhà” tại số 300 Tân Sơn Nhì, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM ra xét xử.

Theo đơn, ngày 29-2-2016 và ngày 2-3-2016, Trường MN Nam Long ký hai hợp đồng thuê toàn bộ căn nhà nói trên, do ông Nguyễn Xuân Thiện và bà Hồ Mỹ Lệ làm chủ sở hữu để tổ chức hoạt động trường MN. Thời gian thuê 10 năm, giá 70 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, đến ngày 16-5-2016, chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Tháng 6-2016, chủ nhà đã khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Q.Tân Phú, theo thông báo thụ lý vụ án số 219/ 2016/ TB-TLVA, ngày 23-6-2016.

Ngày 11-7-2016, Trường MN Nam Long đã đưa ra yêu cầu phản tố như sau: Yêu cầu tòa án buộc ông Thiện và bà Lệ trả lại tiền cọc, phạt tiền cọc do đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn; bồi thường chi phí mà Trường MN Nam Long đã đầu tư (theo thỏa thuận của hai bên ghi trong hợp đồng thuê nhà).

Ngày 19-8-2016, Trường MN Nam Long đã bàn giao nhà nhưng chủ nhà không thực hiện nghĩa vụ của mình do đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn theo thỏa thuận. Đây cũng chính là lý do mà Trường MN Nam Long có đơn khiếu nại và phản tố.

Luật sư Nguyễn Xuân Thi (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng đã hơn 6 tháng nhưng Tòa án Nhân dân Q.Tân Phú vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Hơn nữa, tòa cũng không có quyết định gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử đối với vụ án đã vi phạm tố tụng về thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, trong khi chủ nhà chưa thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì đã cho Ngân hàng BIDV (chi nhánh Hóc Môn) thuê căn nhà này. Luật sư Thi khẳng định, căn nhà này thuộc diện có tranh chấp về quyền sử dụng (điều 118 Luật Nhà ở), nên mọi hành vi giao dịch đối với căn nhà này là trái pháp luật, và hợp đồng giao dịch trong thời gian có tranh chấp về đối tượng giao dịch đều bị vô hiệu. Hơn nữa một số hạng mục đầu tư hai bên còn đang tranh chấp, ngân hàng thuê làm thay đổi hiện trạng, trong khi tòa án đang giải quyết.

Theo luật sư Thi, Trường MN Nam Long thỏa thuận thuê nhà với ông Thiện và bà Lệ bằng 2 hợp đồng. Hợp đồng lần 1 (ngày 29-2-2016) thỏa thuận: giá thuê 70 triệu đồng/ tháng/ năm đầu tiên; đặt cọc 420 triệu đồng, thanh toán ba lần (lần 1: 140 triệu đồng, ngay sau ký hợp đồng; lần 2:140 triệu đồng, vào ngày 1-9-2016 và lần 3: 140 triệu đồng, vào ngày 1-2-2017. Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì bên cho thuê nhà bị phạt tiền cọc gấp 5 lần số tiền đã đặt cọc. Còn ngược lại, bên cho thuê nhà sẽ không trả lại tiền cọc cho bên thuê nhà.

Hợp đồng thứ 2 số công chứng 002293 ngày 2-3-2016 tại Văn phòng Công chứng trung tâm, thỏa thuận: giá thuê 20 triệu đồng/ tháng, đặt cọc 420 triệu đồng. Nếu bên cho thuê nhà đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng thì trả lại tiền đặt cọc của bên thuê nhà, đền bù bên thuê nhà một khoản tiền tương đương đặt cọc và phải trả lại chi phí mà bên thuê nhà đã đầu tư kinh doanh. Hợp đồng lần 1 là hợp đồng tay, hợp đồng lần hai có công chứng và có thay đổi về giá thuê; mức bồi thường khi vi phạm và số đợt đặt cọc (lần 1 ba đợt).

Tại buổi hòa giải ngày 17-11-2016, Trường MN Nam Long có một số yêu cầu phản tố: Yêu cầu chủ nhà trả lại số tiền đặt cọc 140 triệu đã giao lần 1 ngày 29-2-2016; bồi thường một khoản tiền tương đương số tiền đặt cọc 420 triệu đồng theo hợp đồng ngày 2-3-2016; trả cho Trường MN Nam Long toàn bộ chi phí đầu tư và bù lỗ các tháng 3-4-5/ 2016 với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như những lần hòa giải trước, phía chủ nhà không đồng ý với yêu cầu này.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, vì sao biết căn nhà này đang trang chấp quyền sử dụng mà ngân hàng vẫn đồng ý thuê, ông Nguyễn Xuân Thảo (đại diện Ngân hàng BIDV chi nhánh Hóc Môn) cho rằng, chúng tôi thuê căn nhà trên căn cứ vào Vi bằng 1336/ VB-TPL của văn phòng thừa phát lại Q.1. Vi bằng ghi nhận việc giao nhà và tài sản giữa hai bên, xem như hợp pháp.

Ngày 7-12-2016, bà Đông đã có đơn đề nghị Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM kiểm tra tính hợp pháp trong việc sử dụng địa điểm hoạt động của Ngân hàng BIDV, Phòng giao dịch Tân Sơn Nhì tại số nhà trên. Ngay sau đó, Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM có công văn yêu cầu Ngân hàng BIDV chi nhánh Hóc Môn báo cáo giải trình. Ngày 9-12-2016, BIDV chi nhánh Hóc Môn có báo cáo Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước TP.HCM. Báo cáo thể hiện: Căn cứ biên bản hòa giải ngày 18-8-2016 tại Tòa án Nhân dân Q.Tân Phú, việc giao nhận nhà giữa hai bên đã được xác lập vi bằng. Căn cứ việc giao nhận nhà giữa hai bên là hoàn toàn hợp pháp, BIDV chi nhánh Hóc Môn đã tiến hành ký hợp đồng thuê nhà và tiến hành sửa chữa phù hợp với hoạt động ngân hàng.

Bà Đông bức xúc: Vụ việc kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhà trường. Chúng tôi mong vụ án sớm được giải quyết và phía chủ nhà phải thực hiện nghĩa vụ thỏa thuận theo hợp đồng. Ngày 31-12-2016, chúng tôi thực hiện nhiều cuộc gọi đến số máy của ông Thiện để làm rõ thông tin liên quan nhưng đầu dây bên kia không nhấc máy hoặc bấm từ chối.

T.Anh

Bình luận (0)