“Đời vạn lặn quanh năm dầm mình nơi đáy sông, cửa bể. Chút ôxy nối sự sống người thợ lặn dưới đáy nước chỉ thông qua cái ống thở nhỏ nhoi nối giữa máy ôxy trên thuyền tuồn xuống làn nước lạnh. Người thợ lặn hành nghề không chỉ vì miếng cơm manh áo mà đôi khi còn vì cái nghiệp, vì niềm đam mê, hoặc giản đơn hơn là vì việc nghĩa!”, anh Nguyễn Tư, Hội trưởng Hội Vạn lặn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bộc bạch.
Anh Nguyễn Tư với tấm Bằng khen do UBND TP. Đà Nẵng tặng trong công tác cứu nạn tàu Thảo Vân 2, năm 2016 |
Hiểm nguy rình rập
Anh Nguyễn Tư, Hội trưởng Hội Vạn lặn Nại Hiên Đông niềm nở đón khách và mở đầu câu chuyện, xóm biển này, 10 nóc nhà thì cũng có đến 6, 7 nóc có người theo nghề lặn. Ở tuổi ngoại tứ tuần, anh Nguyễn Tư được bạn bè gọi bằng cái tên trìu mến: Tư vạn lặn. Anh bấm đốt ngón tay, hơn 20 năm lăn lộn với nghề, anh có mặt khắp nơi trên bến sông, cửa bể với rất nhiều nghề lặn như: mò chíp chíp (một loại hải sản), ngao, sò, lặn mò phế liệu, lặn cho các công trình xây dựng cầu trên sông và đôi khi đi lặn để cứu người đuối nước. “Nghề lặn luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Chỉ một chút sơ sẩy là đối mặt với tử thần!”, anh Tư nói. Nghề lặn đem đến cho người ta nhiều thứ để vực lại cuộc mưu sinh khốn khó nhưng đôi khi sự nghiệt ngã của nó cũng lấy đi của người làm nghề cả tính mạng. “Năm 2005, một lần đi lặn, tiết trời không thuận nên anh trai tui mãi mãi không trở về. Cánh thợ lặn mất vì nghề nhiều lắm. Nhưng nghề lặn thì không thể bỏ, nó như cái nghiệp cứ bám riết lấy mình”, giọng anh Tư buồn buồn.
Cánh vạn giã ở Nại Hiên Đông hầu như ai đã theo nghề thì quyết theo đến cùng. Anh Hồ Văn Nguyên, 31 tuổi, thâm niên hơn 15 năm làm nghề lặn, nói: “Từ nhỏ tui đã theo chân ông nội đi lặn. Lúc đầu chủ yếu đứng trên thuyền gom nhặt những thứ ông lặn được rồi quan sát cách lặn, cách ra dấu và nhận biết qua cử động nhẹ của chiếc ống thở để biết người bên dưới muốn lên mà thu lại. Lâu dần chính mình được ông hướng dẫn xuống sông, cũng ngụp lặn từ điểm nông nhất cho đến những điểm sâu hơn”. Cả gia đình anh Nguyên có 3 anh em đều làm nghề vạn giã. Mùa hè thì lặn ở đáy sông Hàn mò con chíp chíp để bán vào các nhà hàng. Muốn lặn xuống đáy sông sâu tới chục mét trở lên, phải đeo thêm chì vào người. Bình quân một người phải đeo tầm 14 đến 15kg chì mới đủ sức nặng ghì người chìm xuống. Một buổi lặn kéo dài tầm 2 đến 3 tiếng đồng hồ trong nước sâu. Cứ thế người thợ lặn dầm mình trong nước từ 7 giờ sáng cho tới xế chiều. Cơm không khi nào được ăn đúng bữa. Thời điểm này, giá chíp chíp đầu mùa, mỗi cân cũng được 50 ngàn. Người lặn giỏi thì tầm được 20kg. Cũng tùy con nước! Hết mùa chíp chíp, sang ngày đông buốt giá, cánh vạn giã đi bắt ngao, lặn tôm hùm. Công việc vất vả nhưng phải trông vào nồi cơm vơi đầy của gia đình để ra sông, xuống biển, dù đâu đó vẫn có những sự ra đi đột ngột đầy đau xót hay thi thoảng vì lặn xuống quá sâu, sức nước ép khiến họ trở nên tàn phế…
Nghĩa tình vạn lặn
Tôi hỏi anh trăn trở điều gì nhất? Sau giây lát trầm tư, anh trải lòng, mình chỉ ước là làm sao để có được những chiếc ca nô cứu hộ dành riêng cho anh em vạn lặn, để công tác cứu hộ, cứu nạn mỗi khi không may xảy ra được nhanh và chủ động hơn! |
Anh Tư, bấm đốt ngón tay, toàn Sơn Trà có tầm trên dưới 300 thợ lặn, tập trung đông nhất ở Nại Hiên Đông. Dân vạn lặn không chỉ làm mỗi công việc mưu sinh. Họ còn tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nghe đâu cần hỗ trợ tìm người đuối nước là họ liền tới giúp đỡ. Đôi khi, vì gia cảnh nạn nhân nghèo, họ không nhận công mà còn tất tả chạy ngược, chạy xuôi để quyên góp giúp đỡ người gặp nạn. Tư vạn lặn nói rằng, đó là nghĩa cử của người thợ lặn. Hơn 20 năm làm nghề, anh không nhớ đã biết bao nhiêu lần chứng kiến cái chết đột ngột của anh em làm nghề, bao nhiêu lần người ta đuối nước cần đến anh hay đôi khi trên đường mưu sinh vô tình gặp được họ. Những buổi ấy, anh em liền nghỉ ngay buổi lặn, đưa người bị nạn vào bờ nhang khói và thông báo cho cơ quan chức năng.
Còn nhớ vụ chìm tàu Thảo Vân 2 năm trước, khi hàng chục mạng người chới với trong dòng nước, giữa đêm đen, Tư vạn lặn cùng hơn 100 thợ lặn ngay lập tức có mặt, tốc lực tìm kiếm, cứu người. Cùng với nhiều chủ tàu, thuyền, ca nô có mặt lúc ấy chung tay cứu nên đận ấy con số thiệt hại đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Anh Tư bảo: “Lúc đó nghe tin người bị nạn thì mình huy động anh em cùng lao ra cứu nạn thôi chứ cũng không nghĩ được nhiều. Dù sao vẫn thấy buồn vì lần đó có đến 2 cháu nhỏ và một người cha trụ cột gia đình không thể trở về trọn vẹn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)