2h sáng, khi con nước bắt đầu rút xuống, cũng là lúc những đứa trẻ nghèo vùng bãi Triều (Nghĩa Hưng – Nam Định) bắt đầu cuộc sống mưu sinh vất vả, nhọc nhằn.
Trong khoảng không gian tối mịt, hàng chục đứa trẻ thoăn thoắt cào vạng (hay còn gọi là ngao) thuê. Nguyễn Văn Quân (13 tuổi) – một cậu bé gầy gò, đen nhẻm giải thích cho tôi: “Chị cứ đi từ từ thôi nhé, vạng trồi lên cát thì nhặt bỏ vào giỏ, em treo rồi đấy. Cẩn thận không con hà xẻ vào chân là chảy máu”. Nói rồi, Quân hăm hở đi trước soi đèn cho cả đám trẻ lội qua sông.
Mưu sinh trên biển
Theo những người dân trong vùng, nghề cào vạng thuê đã có từ rất lâu. Khi con vạng đem đi xuất khẩu, bán được giá thì mỗi ngày có hàng trăm người đi cào thuê. Huyện Nghĩa Hưng có 8 xã ven biển, với hơn 2 nghìn lao động ngày đêm lặn lội kiếm sống theo triều con nước.
Những đứa trẻ nghèo vùng ven biển mới 7, 8 tuổi đã theo người lớn đi cào vạng thuê, đến 10, 11 tuổi đã trở thành lao động chính trong gia đình.
Cậu bé Đinh Văn Hải (12 tuổi) vừa đưa tay lau dòng mồ hôi nhễ nhại trên trán vừa kể: “Bố mẹ em đi làm ăn xa, nhà chỉ có hai anh em, từ khi học lớp 1 em đã biết cào vạng và bắt đầu theo người lớn đi cào vạng ở bãi Triều này rồi. Mỗi ngày có hai con nước ròng cạn, bất kể ngày đêm, từ bãi vạng này em cũng kiếm được 30 nghìn một ngày đấy”.
Cào vạng phải biết căn theo lịch con nước. Khi con nước rút thì bắt đầu cào và phải trở về thật nhanh khi con nước lên cao. Những đứa trẻ vùng biển thuộc lịch con nước như lòng bàn tay từ khi còn bé. Có khi, con nước lên lúc nửa đêm cũng phải thức dậy, nắm cơm mang đi ăn cho đỡ đói. Đến 7, 8 giờ sáng mới chịu về.
Nơi những đứa trẻ cào vạng là những bãi cát dài sát biển, có độ sâu khoảng 1m, một lượt cào kéo dài khoảng 10 – 20m. Nếu làm việc chăm chỉ thì sẽ đi không dưới 20km/ngày. Nhiều người dân ở đây bảo, cào trên cát khô đã mệt, nhưng cào dưới nước còn nặng và khó hơn rất nhiều.
Mỗi ngày, trung bình một đứa trẻ cào được 2-3 cân vạng. Chủ vạng trả với giá 6-8 nghìn đồng/kg, tùy theo từng loại. Ngày nào nhiều nhất cũng kiếm được 30 nghìn. Còn bình thường, chỉ được 15-20 nghìn/ngày. Nhưng số tiền ít ỏi này cũng đủ để chi tiêu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những gia đình nghèo ven biển.
Hiểm nguy rình rập
Ông Lại Đình Cẩn, Chủ tịch UBND xã Nam Điền cho biết: “Xã có khoảng 6.000 hộ dân thì 40% là hộ nghèo. Vì nghèo nên bà con dồn hết ra biển để kiếm sống, bất chấp cả nguy hiểm đến tính mạng”.
Và đến bây giờ, những người già trong vùng vẫn kể lại cho con cháu nghe một câu chuyện đau lòng của hơn 10 năm về trước. Đó là khi dân cào vạng gặp phải cơn bão lớn, không kịp chạy về bờ. Người lớn, trẻ con phải buộc những bao tải đầy vạng vào chân, hi vọng giữ lại xác để tan cơn bão người nhà ra nhận.
Sau tai nạn kinh hoàng đó, những tưởng người dân sẽ bỏ hẳn nghề. Nhưng chỉ 1-2 tuần sau, hàng trẳm người lại kéo nhau đi cào vạng, tất cả vì hai chữ mưu sinh…
Cậu bé Đinh Ngọc Trung (14 tuổi) có vẻ mặt già dặn nhất hội kể: “Năm ngoái, em theo các anh lớn đi cào vạng ở mãi ngoài xa. Lúc đi nước cạn phải lội qua sông, lúc về nước dâng cao tới tận cổ và chảy rất xiết. Đi ra giữa sông, em bị trượt chân ngã. May mà có mấy anh lớn nhanh tay, giơ cào ra cho em bám vào. Sau lần ấy em cũng không dám đi xa nữa”.
Bạn của Trung, những đứa trẻ cào vạng khác lại chỉ cho tôi xem chằng chịt những vết sẹo ở chân, có vết do con hà có cạnh sắc xẻ, có vết do cào vào chân, vết lại do chủ vạng đánh vì lỡ lấy ít vạng về nhà…
Nhìn những gương mặt già dặn trước tuổi mới thấy hết những nhọc nhằn của miếng cơm manh áo. Những tuổi thơ hàng ngày còng lưng trên bãi vạng, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập.
Nhọc nhằn con chữ
Kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ các em quanh năm tất bật với những chuyến đi biển, lo cho cái ăn còn chưa đủ, nên đành bỏ mặc chuyện học hành của con cái. Đa phần những đứa trẻ ở vùng bãi Triều đều bỏ dở học hành khi chưa hết cấp 2.
Đã có một thời gian, các thầy cô giáo phải đến từng nhà học sinh bỏ học để vận động các em tiếp tục đến trường.
Cô Nguyễn Thị Bắc (giáo viên THCS Nam Điền) tâm sự: “Tội nghiệp bọn trẻ, ngoài thời gian đi học lại phơi lưng ngoài bãi vạng kiếm sống. Nhiều em đi cào vạng ban đêm còn mang theo cặp sách. Tảng sáng, lại chạy vội về lớp cho kịp giờ học”.
Mỗi mùa hè đến, lại là mùa vất vả gấp đôi cho cuộc sống mưu sinh. Không chỉ lo cho miếng cơm, manh áo mà các em còn phải kiếm thêm tiền để có thể tiếp tục được đến trường khi vào năm học mới.
Cậu bé Nguyễn Văn Quân khoe với tôi về dự định mà em đang ấp ủ: “Mỗi ngày kiếm được 20 nghìn thì trong hai tháng hè em sẽ tiết kiệm được đủ tiền để mua quần áo, sách vở cho năm học mới đấy. Mọi năm, bố mẹ em không lo được cho cả hai anh em đang đi học”.
Nói rồi, Quân lại cặm cụi lê cây cào cao quá đầu trên bãi cát, với hy vọng hôm nay sẽ kiếm được nhiều vạng…
Đinh Liên (vietnamnet.vn)
Bình luận (0)