Ban ngày làm việc vất vả nhưng buổi tối, chị Cù Thị Ngọc Diệp (ngồi bàn đầu) vẫn đều đặn đến lớp học chương trình phổ thông.
|
Đã có gia đình, con cái đùm đề, nhưng những người mẹ, người bố tối tối vẫn đến trường học chương trình phổ thông sau một ngày lao động vất vả. Đối với họ, học không phải để bằng bạn bè hay thăng quan tiến chức mà đơn giản là để có kiến thức giáo dục con cái, không bị tụt hậu trước sự phát triển của xã hội.
Việc học không bao giờ là muộn
Vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc nên chị Cù Thị Ngọc Diệp (32 tuổi) ly dị chồng và đơn thân nuôi hai con nhỏ. Không có bằng cấp, chị làm quản lý công nhân cho một công ty ở quận 3 (TP.HCM). Sau giờ làm việc, tranh thủ về cho con ăn uống xong, chưa kịp tắm rửa hay ăn uống, chị lại hối hả đến Trung tâm GDTX quận 10 để học chương trình lớp 11. Chị Diệp cho biết: “Công ty không đòi hỏi bằng cấp, do có tay nghề nên tôi được làm quản lý. Tuy nhiên, do thấy trình độ của mình còn yếu kém hơn nhiều người nên tôi đăng ký đi học lại chương trình phổ thông dù đã nghỉ học khá lâu rồi. Hơn nữa, đi học để biết thêm kiến thức, sau này khi hai con đến trường thì mình sẽ chỉ dẫn thêm ở nhà”.
Vậy là sau hơn 15 năm nghỉ học, chị Diệp nộp đơn xin học lại lớp 9. Mới đầu đến trung tâm, chị run lắm vì không biết mình có theo kịp, có bị mọi người chê cười không… Ấy vậy mà lúc đi nộp hồ sơ trong bộ dạng run rẩy, chị đã đã nhận được những lời động viên nhiệt tình của các thầy cô thu nhận hồ sơ. Họ còn cho chị biết ở trung tâm cũng có nhiều người lớn tuổi như chị nhưng học tập rất tích cực. Vì thế chị như được tiếp thêm sức mạnh để đến lớp.
Đang làm nhân viên văn phòng tại một nhà máy ở Bình Dương nhưng vừa hết giờ làm việc là anh Phùng Minh Thịnh (37 tuổi) tranh thủ bắt xe buýt về Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh để học chương trình lớp 8. Học xong đã gần 10 giờ đêm, anh lại tranh thủ chạy về nhà (cũng ở quận Bình Thạnh) ăn uống, tắm giặt và nghỉ ngơi để sáng mai đi làm sớm. Anh Thịnh cho hay: “Bố mẹ đều là công nhân, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi vừa học xong lớp 8 đã phải nghỉ học. Hiện tôi đã lớn tuổi và đang làm nhân viên văn phòng, công ty cũng không đòi hỏi cao về bằng cấp. Tuy nhiên, đối với tôi, việc học không bao giờ là muộn. Tôi đến trường để có thêm những kiến thức cơ bản về nhà dạy con”.
Tương tự, anh Lê Đình Hùng (30 tuổi, nhà ở quận 12) đang là học viên lớp 7 của Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng. Anh Hùng không làm ở công ty, xí nghiệp nào, cũng chẳng phải là nhân viên văn phòng mà kinh doanh riêng tại nhà. Công việc tự chủ, lại không đòi hỏi bằng cấp nhưng anh vẫn quyết định quay trở lại học tập. Trước đây, anh đã học xong lớp phổ cập THCS. Tuy nhiên, cảm thấy những kiến thức mà mình thu được vẫn còn mơ hồ, vì thế anh quyết định đăng ký học lại dù công việc rất bận rộn.
Vượt trở ngại, tiến về phía trước
Thầy Trương Bá Hải, Phó giám đốc Trung tâm GDTX quận 10, cho biết: “Trung tâm có khá nhiều học viên tuổi đã ngoài 30 nhưng vẫn đến lớp học chương trình THCS và THPT. Họ ý thức được việc học sẽ giúp mình tích lũy kiến thức dạy bảo con cái, không bị tụt hậu với xã hội nên đến trường rất chăm chỉ, nghiêm túc”.
|
Việc phải đối mặt với các con số, con chữ đối với những người đã nghỉ học trên dưới 10 năm quả thật không hề đơn giản. Trong khi đó họ còn mang gánh nặng trên vai là chăm lo cuộc sống cho vợ, cho con. Vì thế, đôi lúc họ cũng rơi vào cảnh bế tắc. Tuy nhiên, ước mơ được học để biết kiến thức chỉ dẫn cho con cái chính là động lực giúp họ không chùn bước.
Ngày đầu đến lớp, do lớn tuổi nên anh Thịnh khá ngại ngùng trước những học sinh mới chỉ 13-14 tuổi. Vì thế, anh ngồi nép mình trong một góc nhỏ của lớp học. Sau một vài ngày, thấy các bạn học viên vui vẻ, thân thiện nên anh bắt đầu thoải mái hơn. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm nghỉ học, những kiến thức từ thời trung học dường như anh đã quên sạch. Vì thế, anh phải mượn lại sách lớp 6, lớp 7, thậm chí là sách tiểu học để ôn lại bài. Những bài nào không hiểu, anh nhờ các bạn “đồng môn” giúp đỡ, khó quá thì sau giờ học, dù đôi mắt đã nhíu xuống anh vẫn nán lại để nhờ thầy cô giải thích thêm. Thời gian ôn bài ở nhà rất ít nên anh tranh thủ học ngay trên xe buýt hoặc buổi trưa ở cơ quan. “Sau khi tốt nghiệp THCS, tôi sẽ tiếp tục học lên THPT. Và nếu kết quả khả quan, tôi sẽ thi vào ĐH, CĐ như những học sinh khác. Tôi biết, tuổi của mình đã lớn, học xong ĐH, CĐ thì chắc cũng sắp về hưu. Tuy nhiên, tôi rất muốn thử sức để nhân rộng kiến thức, làm gương cho con cái”, anh Thịnh phấn khởi cho biết.
Với chị Diệp, do vừa làm việc vừa đi học, lại đảm nhận vai trò của người cha người mẹ nên áp lực rất nhiều, chị dường như không còn thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi. Sau giờ làm việc, chị tranh thủ về nhà nấu nướng cho hai con ăn uống rồi mới đến trung tâm. Trẻ con thường hay bị ốm đau lặt vặt nên không ít lần chị vội vã gọi điện xin thầy cô nghỉ học để chăm sóc con. Khó khăn là vậy nhưng trong suốt ba năm học ở trung tâm, học lực của chị luôn đứng nhất nhì lớp và hiện đang làm lớp trưởng lớp 11B1. Chị Diệp kể: “Những lúc không đến trung tâm được, nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của các em học cùng lớp và giáo viên nên tôi có thể lấy lại kiến thức ngay sau khi trở lại lớp. Ở công ty, tôi thường tranh thủ học trong giờ ăn trưa hay khi sản phẩm chưa kịp giao về cho tổ làm. Buổi tối, khi đi học về tôi tranh thủ chơi với con xíu rồi lại ôn bài. Vào các đợt kiểm tra hay thi học kỳ, tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng mới ôn bài kịp”…
Thầy Hà Hữu Sang, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Mỗi năm, trung tâm đều tiếp nhận hàng chục bộ hồ sơ của các anh chị tuổi đã ngoài 30 xin học phổ thông. Khác với những học viên bình thường, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng họ vẫn chăm chỉ đến lớp, hiếm có buổi nào tôi thấy họ vắng học”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Học để có kiến thức
Anh Lê Đình Hùng chia sẻ: “Lúc mới đến trung tâm đăng ký, tôi chẳng sợ gì. Dù lớn tuổi nhưng đi học là để có kiến thức chứ không phải là đo bằng điểm số, vì vậy dù biết trước là học sẽ thua nhiều em nhỏ nhưng tôi vẫn cố gắng đến trường”.
|
Bình luận (0)