Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nhọc nhằn gieo chữ trên miền đá

Tạp Chí Giáo Dục

1. Trời ầm ì. Mây đen đặc. Gió từ trên núi thổi xuống, từ lòng thung bốc lên mang theo cái cảm giác lành lạnh, se se. Anh Lâm, giáo viên Trường THCS Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) bảo, phải “tăng tốc” lên thôi, sắp mưa rồi. Nhưng, chúng tôi cũng chỉ kịp vượt thêm được hai con dốc nữa, khi người bắt đầu nóng lên, mồ hôi chuẩn bị rịn ra thì trời đổ mưa. Mưa miền núi đến nhanh và lạnh, những hạt xiên xiên quất tới tấp vào mặt rát rạt như kim châm. Đỉnh núi mưa trước, thung lũng mưa sau, những lạch nước chảy xiết, xói lên con đường đất lở lói. Chỉ vừa mới nhìn thấy thấp thoáng vài ngôi nhà người Tày nằm cheo leo trên sườn núi, giờ bốn bề xung quanh toàn một màu nước trắng xóa. Mấy đứa trẻ chăn trâu không kịp trú, bẻ cành cây che đầu, cả người lẫn trâu ướt rượt màu đất. 
Học sinh phải xuống suối lấy nước ăn
Hai anh em vừa đi, vừa vuốt mặt khoảng chừng hơn chục con dốc thì nhìn thấy ngôi trường nằm tít trên đỉnh đồi. Mấy lá đuôi nheo cắm trên cổng bị gió thổi bay phần phật. Đằng sau cánh cổng sắt hoen gỉ, có đến mấy chục học sinh mình trần hứng nước mưa. Những tấm lưng trần đen nhẻm, trơ xương đang còng xuống khiêng từng chậu nước. Anh Lâm kể, mấy tuần nay không mưa, bể chứa nước nào cũng cạn, chỉ còn tí chút để dành đánh răng, rửa mặt. Mỗi sáng, các thầy cô phải quẹt mãi cái gáo nhựa mòn vẹt xuống đáy bể mới vợt lên được cốc nước, rửa mặt cũng chỉ dám thấm ướt nửa chiếc khăn, quần áo mang đi mặc cả tuần, ngày nghỉ mang về nhà giặt. Mọi người thường hay tếu táo “ba ngày lau, một ngày tắm”, “có khi ngoài Trường Sa nước cũng chẳng hiếm thế này”! 
Mỗi lần trời mưa, trường học sôi động hẳn lên, cả thầy lẫn trò xoay trần trùng trục, hò nhau hứng từng ca nước đổ vào bể, vào can, vào thùng chứa. Vui đáo để. Hàng bao năm qua, tất cả thầy và trò Trường THCS Hữu Kiên này đều sống nhờ những giọt nước mưa chứa trong hai cái bể con con, dăm ba cái thùng, vài cái can đó. Đã có mấy đoàn khảo sát lên đo đo, đạc đạc để định xây dựng hệ thống bể chứa lớn hơn cho trường, nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy gì. Người ta bảo, chưa có kinh phí, chưa có dự án. Vậy là gần 300 con người ở cái ngôi trường tít hút này đành phải trông chờ vào… ông trời. Có đận, gần 2 tháng ông chả buông xuống cho giọt nước nào, thầy trò rồng rắn băng rừng đi gùi nước, các con suối cũng cạn, đi mất nửa ngày trời mới gạn mãi được vài can cả bùn lẫn nước mang về. 
Mà có lẽ cũng chả ở đâu người ta vừa mong, vừa sợ mưa như ở nơi này. Mưa mang nước về làm mềm những cặp môi nứt nẻ, nhưng nó cũng mang nước về dâng đầy khắp các con suối, thung sâu. Cuồn cuộn cuốn đi vài con đường, vài nương lúa vạt ngô, và cũng cuốn hàng trăm bữa ăn của người Tày đổ hết ra sông Thương. Có những đứa trẻ trên đường đi học về gặp lũ, ngồi khóc bên dòng suối chảy xiết. Mẹ đứng đón bờ bên này nhìn con khóc bên kia cũng chịu. Hai mẹ con thức khóc cùng nhau cho tới sáng. Khóc vì thương, vì sợ, và khóc để báo hiệu mình chưa bị lũ cuốn trôi. 
Thầy Hoàng Văn Kiển là người gắn bó với ngôi trường này lâu nhất, từ khi nó mới được tách ra từ trường tiểu học. Khi đó, trường chỉ có một căn nhà lá xập xệ, bốn bề tường đất, vừa làm lớp học, vừa làm chỗ ở, với vài ba đứa trò nghèo đen đúa, tóc hoe vàng, lớ ngớ tiếng Kinh. Mỗi đêm giông bão, gió đập phành phạch ngoài cửa, gió mang hơi lạnh tràn qua khe liếp, thầy phải ôm chặt mấy cái đầu hoe vàng vào lòng cho chúng đỡ rét, đỡ sợ. Bão tan, mấy thầy trò ướt nhẹp, cũng chả biết ướt vì nước mưa hay vì nước mắt. 
Trong suốt 12 năm công tác, mọi kỷ niệm của thầy Kiển đều gắn liền với bão. Bão quăng quật, hất tung mái trường học xuống tận lòng thung. Bão đổ nước về vây lấy ngôi trường, biến nó thành ốc đảo. Mấy chục con người sống chen chúc, dè sẻn từng hạt ngô, củ sắn trong suốt hơn một tuần. Và, đau đớn hơn, bão đã chẹn đường, lấp lối lúc vợ thầy trở dạ đứa con gái đầu lòng. Khi mọi người khiêng được vợ thầy lên đến bệnh viện huyện thì nước ối đã cạn hết tự bao giờ, con thầy vĩnh viễn không cất nổi tiếng khóc chào đời. Thầy khóc cho con, khóc cho mình, nước mắt chảy tràn suối Củ Na. Giờ đây, khi kể lại cho tôi nghe, mắt thầy vẫn còn ầng ậng nước. 
2. Người miền núi thường hay cam phận, nước mắt chảy ra ngoài thì ít, chảy vào trong thì nhiều. Cam phận ngay cả trong cái đói, cái nghèo và cam phận ngay cả khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Nó giống như cái cách em Ma Văn Đông rón rén chạy lên báo bị bạn đổi mất nồi cơm trắng trong khi đi tắm. Em đứng co ro ngoài cửa, người run lên bần bật. Cũng không hiểu em run vì lạnh hay vì cơn nước mắt trong người bị kìm nén không trào ra được. Hai bàn tay khẳng khiu chìa ra cái nồi cơm. Tay đen, nồi đen, ngô vàng sậm. Cái thứ cơm mà có lần một vị lãnh đạo cao cấp về thăm trường cứ ngỡ học sinh ở đây sung sướng, được ăn cả “cơm rang trứng”! Thôi em ạ, chắc bạn thèm cơm trắng quá nên mới ăn mất, em ăn tạm cơm này nhé. Đông dạ nhẹ như gió thoảng rồi liêu xiêu về phòng trọ, lặng lẽ lật giở manh chiếu cáu bẩn lấy ra một cái bát sứt sẹo, xới cơm ra bát rồi trệu trạo nhai, thi thoảng Đông nhấp nhấp thêm vài hạt muối. Trường thiếu phòng trọ, thiếu giường cho học sinh nội trú, manh chiếu là nơi Đông vừa ăn, vừa ngủ, vừa học bài trên đó… 
Học sinh tự nấu ăn ở bếp của trường
 Trong căn bếp thấp lè tè, bé như cái chuồng chim, Sủ phồng mồm thổi vào mấy thanh củi ướt rượt. Đốm lửa cứ lóe sáng vài giây rồi tắt ngúm. Khói bay lên tràn trụa. Nhà Sủ có 7 anh chị em, Sủ cũng chả biết sao mình nhiều anh em đến vậy. 12 tuổi, Sủ mới cao bằng con dao quắm đi rừng của bố, tay cầm cái nồi con con, nách kẹp vài quyển sách, Sủ lên trường ở nội trú. Sủ phải tự lo thôi, để cha mẹ còn phải đi nương lo cho 6 anh em kia chứ. Cuối tuần, mẹ xúc vội năm sáu bát vừa gạo, vừa ngô cho vào cái bì tải khoác vào vai Sủ. Trong cái bì đó, còn có cái túi bóng đựng mấy hạt muối, bộ quần áo cũ, với mấy củ gừng mẹ đào cho Sủ ở hốc núi sau nhà. Đã mấy tuần nay, Sủ ăn cơm với món duy nhất là gừng. Hết rang lại cho vào nấu canh. Cái bụng nóng, toàn thân nóng. Đúng rồi, Sủ thèm rau, thèm cả thịt 
Thèm thì thèm thế thôi, chứ Sủ biết có thèm nhiều hơn nữa cũng chả có. Tết nhà Sủ mới mổ lợn, giết gà. Tết mới có thịt. Mà Tết thì lâu lắm! Nhưng có thèm cũng phải nhịn, nhất định Sủ không đi ăn trộm con cá của cái Sèn ở Suối Mỏ. Cái Sèn ấy, tay nó bé, chân nó bé, cái đầu cũng bé. Ai đời, mẹ bắt được con cá suối cho mang lên trường thì phải ăn hết rồi hãy đi học, lại đem để dành. Dại quá! Để bây giờ bị mất đứng khóc ngoài đầu hồi, cái giọt nước mắt của nó cũng bé.
Ấy vậy mà suýt nữa Sèn còn định bỏ học lấy chồng giống như cái Cuốn ở dưới Nà Lìa nữa chứ! Chắc con cá đó mẹ bồi dưỡng cho Sèn nhanh lớn, cho có tí da, tí thịt, để khi về nhà chồng còn bắc được nồi cám đặt lên bếp. Vậy mà Sèn để mất. Mẹ Sèn bảo, nhà đó giàu lắm, có cả đàn ngựa bạch thả trên núi, nom xa cứ như bầy ngựa tiên. Sèn về đó, không phải ăn cơm ngô, mỗi tháng được ăn thịt vài lần. Sèn không thích. Đấy là mẹ không biết, chứ Sèn thì biết. Tại lớp Sèn có đứa ở gần nhà đó mà. Bạn Sèn bảo, nhà đó ít người, cưới Sèn về làm vợ, làm mẹ và làm cả đứa gái chăn ngựa. Đã thế Sèn không thèm lấy. Sèn đi học lấy cái chữ, cái “bác sĩ” mang về bản chữa bệnh. Sèn cũng chả cần lớn nhanh làm gì, cũng chả tiếc con cá nữa… 
Ở cái nơi tít hút này, tôi đã sống cùng, ngủ cùng, đã từng ăn bát cơm ngô, uống rượu Mẫu Sơn, đêm nằm nghe côn trùng kêu rỉ rả. Và, tôi cũng được chứng kiến những mảnh đời cơ cực, những thân phận éo le. Họ có thể đói, có thể nghèo, nhưng cái họ có thừa là ý chí, khát vọng vươn lên, khát vọng thoát nghèo. Cái chữ đã được gieo xuống mảnh đất này, mảnh đất toàn đá gan gà chỉ dành cho cỏ mọc, nhưng tôi tin, một ngày nào đó nó sẽ đâm chồi nảy lộc, sẽ làm bừng sáng cả một vùng rừng núi âm u này.  
Theo Nguyễn Trung Thành
(congly)

Bình luận (0)