Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nhọc nhằn nghề ve chai

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Tết Nguyên đán được coi là thời gian “ăn nên làm ra” của những người mua bán ve chai. Nếu ngày thường 1 vỏ lon bia mua 2 trăm đồng, những ngày sau Tết thì chỉ mua 1 trăm đồng thậm chí nhà chủ gọi tới cho không, coi đó là lì xì đầu năm mới. Ở Vũng Tàu, những người buôn bán ve chai được coi là một nghề. Tuy không “sang” như nghề khác, song đó là cái “cần câu cơm” mưu sinh hằng ngày của họ. Thu nhập từ ve chai không cao, song ngoài kiếm cơm hàng ngày, họ còn góp phần làm cho môi trường thành phố thêm xanh, thêm đẹp.

Nặng gánh mưu sinh

Dường như những người đi mua ve chai đều có cái tên chung là “ve chai”. Bởi chẳng ai cần biết tên thật của họ. Mỗi lần họ rao “ Ai… ve … chai đi” (có nghĩa là ai có ve chai bán không?). Nếu ai đó có nhu cầu bán thì ngoắc tay (tiếng miền Nam ngoắc tay có nghĩa là vẫy lại). “Ve chai”, có ít đồ bán nè”. Ngay lập tức họ dừng bước, nhặt nhạnh xin mua. Đồ họ mua là sắt thép vụn, chai lọ sành, bao bì ni lông, vỏ lon bia…. Tóm lại tất cả từ vỏ hộp sữa tươi đến giấy vụn, họ đều mua tuốt.
Chị Phượng quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh chọn thành phố Vũng Tàu kiếm kế sinh nhai. Chị sống với nghề mua bán ve chai đã hơn 12 năm. Công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng, đạp xe từ phòng trọ của người em chồng ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân phường 11, thành phố Vũng Tàu, đến các con hẻm sâu trong phố để mua ve chai. Chị bảo: “ Sau Tết bao giờ cũng là mùa làm ăn của chúng tôi. Mình phải đi sớm kẻo người khác mua hết, đâu phải có mình tôi mua ve chai, tranh thủ đi sớm trước khi họ đi làm, chứ đi muộn thì ai bán mà mua”.
Nặng gánh mưu sinh. Ảnh TL
– Một ngày chị kiếm được bao nhiêu tiền từ gánh ve chai này?
– Đắp đổi qua ngày thôi chú ơi. Hôm nào “trúng quả” là được cả trăm ngàn đồng, còn chủ yếu vẫn là đủ tiền đong gạo. Nhà tôi có 4 người, anh ấy lại đau ốm thường xuyên, 2 con đi học, tần tiện lắm cũng chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày. Đã 12 năm tôi lăn lộn với gánh ve chai này mà vẫn chưa có nhà ở. Dành dụm mua được mảnh đất rồi, vợ chồng tôi phải quyết tâm có căn nhà riêng chú ạ. Tuy vất vả, nhưng nghề ve chai ở thành phố Vũng Tàu cũng kiếm ăn được, hơn ở quê tôi rất nhiều.
Ở đường Đô Lương phường 11, ai cũng biết “chị Sức ve chai”. Tôi biết chị không phải chị chuyên mua bán ve chai, mà vì chị biết vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm lại cuộc đời bằng ý chí của người đàn bà một mình nuôi con. Năm 1984, chị từ Thái Bình vào Vũng Tàu sinh sống mang theo cái thai không “tác giả”. Chị bỏ đi vì gia đình không chấp nhận có đứa con gái chửa hoang. Thân gái dặm trường giữa nơi đất khách quê người. Giữa lúc không biết làm nghề gì để kiếm ngày hai bữa cơm, thì được một người cùng quê bảo: “Tướng mày chỉ bán ve chai”. Thế là chị Sức “bén duyên” từ đó. Ngày ngày, chị quẩy đôi quang gánh ra bờ sông Dinh, đến bãi tha ma cạnh quốc lộ 51A nhặt nhạnh túi ni lông, đồ phế thải đem bán cho người thu mua. Mỗi ngày như thế chỉ kiếm được 3.200 đồng (ba nghìn hai trăm đồng). Chị tâm sự: “Với số tiền ấy năm 1984 là đủ sống qua ngày. Đã có lúc tôi bỏ nghề ve chai đi bán kem song hơn tuần sau lại thấy nhớ nghề. Vậy là lại quang gánh trên vai. Khó có thể nói hết những nhọc nhằn vui buồn. Anh biết không, bụng mang dạ chửa, nhiều bữa trời mưa to như trút, tôi vẫn phải đi nhặt ve chai. Không đi lấy tiền đâu mà sống và phải chuẩn bị ít tiền sinh con nữa chứ. Càng khó khăn, tôi càng cố gắng, vì tôi xác định phải đứng lên từ hai bàn tay trắng, nuôi con ăn học nên người. Ve chai cũng nuôi sống người, miễn là chịu khó cần cù lao động. May nhờ có ve chai mà bây giờ tôi có nhà cửa, con gái lấy chồng, con trai học đại học”.
Vượt qua gian khó
“Bây giờ nghĩ lại những ngày gian truân, tôi thấy tự hào lắm. Nếu không vật lộn với nghề ve chai, không chịu khó sao có được cơ ngơi này. Có được như ngày hôm nay là nhờ ve chai cả đấy”, chị Sức hồ hởi khoe với tôi như thế.
Chị Sức kể, sau 10 năm làm nghề ve chai, chị đã dành dụm được 4 chỉ vàng mua mảnh đất, lúc ấy trị giá 25 triệu đồng (ở đường Đô Lương bây giờ). Có đất, chị phấn đấu làm nhà. Để nuôi con, chị phải làm nhiều hơn, “Con tôi gửi hàng xóm. Nhiều bữa đi lượm ve chai, con khóc khản cổ vì khát sữa. Thời ấy ve chai dễ kiếm hơn. Có tiền, mua cái ti vi cho nó xem, không phải đi xem nhờ. Bây giờ không khó khăn như trước nữa, nhưng tôi vẫn đi mua bán ve chai. Gánh ve chai đã giúp cả gia đình tôi thoát nghèo hết khổ. Từ hai bàn tay trắng, tôi đã có cuộc sống đàng hoàng, con cái được học hành tử tế”.
Công việc thường ngày của chị Sức. Ảnh Mai Thắng
Chị Sức còn “khoe”, cháu Vũ Văn Thắng, nhờ tiền tằn tiện ve chai của mẹ mà giờ đây đã vững tâm học Đại học Khoa học Xã hội nhân văn Sài Gòn. Ngày cuối tuần, Thắng về thăm mẹ giúp mẹ phân loại ve chai rồi chở đến đầu mối giúp mẹ. Tôi gặp Thắng ngày mùng 6 Tết khi Thắng đang cùng mẹ chở ve chai đi bán cho người thu mua. Thắng chia sẻ: “Chú biết không, nhiều bữa con đang ngồi trên xe đò thấy mẹ gánh ve chai trĩu nặng giữa trưa nắng mà trào nước mắt. Lúc đó con chỉ muốn bỏ học cho mẹ đỡ khổ, nhưng rồi thấy mẹ lăn lộn khó nhọc, con lại càng cố gắng học giỏi. Bây giờ nhà con đã qua cơn bĩ cực rồi, tiền học phí cũng không phải lo như trước, đã mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy, máy tính rồi. Mẹ con đã đỡ khổ, nhưng còn tham việc lắm. Mẹ bảo, khi nào con ra trường mẹ sẽ thôi bán ve chai. Nói thật với chú, nhờ có gánh ve chai của mẹ mà cứu cánh cho cả gia đình. Gia đình con vượt qua gian khó từ gánh ve chai đầy nước mắt của mẹ”.
Còn chị Phượng, tuy không may mắn như chị Sức, nhưng sự miệt mài lao động đã giúp chị thoát nghèo, không còn chạy ăn từng bữa như trước nữa. Chị nói trong niềm vui: “Cả đời tôi tần tảo với gánh ve chai. Nhờ nó mà bớt gánh nặng kinh tế cho cả gia đình. Tôi không phân biệt nghề nghiệp sang hèn, miễn sao làm những việc có ích cho đời và xã hội. Tôi nghĩ, nếu không có người lượm ve chai như chúng tôi thì môi trường như thế nào? Những việc tôi làm nhỏ nhưng có ích cho đời, tôi vui vì điều ấy”.
Những ngày đầu xuân mới, dân Sài Gòn đổ về Vũng Tàu đông như trảy hội. Đối diện với thú du lịch vui xuân của nhiều nguời thì ở những con hẻm tối tăm, chị Sức, chị Phượng và bao người mua ve chai khác vẫn tần tảo nhặt nhạnh từng ngàn tiền lẻ kiếm sống. Trên đôi vai gầy yếu của họ, chở niềm vui của chồng con. Nhìn Chị Sức, chị Phượng nhọc nhằn với xe ve chai, lòng tôi se lại. Tôi tự hỏi, nếu thành phố Vũng Tàu một ngày không có họ, ai sẽ thu gom rác thải ở Bãi Trước, Bãi Sau?
Mai Thắng
Theo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)