Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhọc nhằn quyết toán thuế qua mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với hình thức quyết toán thuế trực tuyến qua mạng, người nộp thuế phản ánh dù được hướng dẫn khá chi tiết bằng video, hình ảnh… nhưng do các phần mềm khó sử dụng, quy trình phức tạp nên gặp không ít khó khăn.
Phần mềm kê khai thuế khó sử dụng và thường bị lỗi khiến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn  /// Ảnh: Tiêu Phong
Phần mềm kê khai thuế khó sử dụng và thường bị lỗi khiến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tiêu Phong
Dù cơ quan thuế ráo riết triển khai đủ mọi biện pháp để hỗ trợ việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng, song với thủ tục, quy trình còn phức tạp, nhiều phần mềm chưa tương thích, khó sử dụng…, nên người nộp thuế vẫn nhọc nhằn.
Đặt lịch trực tuyến
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan thuế khắp cả nước khuyến khích người nộp thuế (NNT) quyết toán qua mạng, nộp qua bưu điện… Theo hướng dẫn của Cục Thuế Hà Nội, với phương thức kê khai trực tuyến, đầu tiên NNT tải ứng dụng hỗ trợ kê khai (HTKK) thuế do cơ quan thuế cung cấp miễn phí tại các website ngành thuế. Mẫu này gồm số 02/QTT-TNCN đối với cá nhân, và số 05/QTT-TNCN đối với tổ chức.
Thứ hai, NNT kê khai đầy đủ thông tin (họ tên, địa chỉ liên lạc, địa chỉ email, số điện thoại) để cơ quan thuế có thể liên lạc. Ngoài ra, phải gồm cả số tài khoản ngân hàng (tên ngân hàng, chi nhánh ngân hàng) đối với hồ sơ hoàn thuế của cá nhân và các chỉ tiêu trên tờ khai theo hướng dẫn. Kiểm tra các chỉ tiêu kê khai và kết xuất file đuôi .xls (để lưu trữ và sửa khi cần) và file đuôi .xml để đẩy file lên hệ thống Etax của cơ quan thuế.
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, ngoài kê khai trực tuyến như hướng dẫn trên, năm nay có một điểm mới trong việc tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế, đó là NNT có thể đặt lịch trực tuyến để xếp thứ tự đến nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế bằng ứng dụng Tax Booking. Với hình thức này, NNT có thể ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào cũng có thể đăng ký làm việc với cơ quan thuế theo giờ mà NNT đề nghị. Hiện nay, trên trang web của Cục Thuế Hà Nội đã có đường link tại địa chỉ: hanoi.gdt.gov.vn, để NNT có thể tải ứng dụng này về điện thoại đặt lịch trực tuyến tiếp nhận nộp báo cáo quyết toán thuế.
“Để tránh tụ tập đông người, thay vì hướng dẫn cho NNT thông qua việc tập huấn, năm nay chúng tôi đã biên soạn các bài giảng bằng các video để gửi đến tất cả NNT, cũng như đăng tải trên các trang mạng, trang web của cục thuế”, ông Trường nói và cho biết thêm Cục Thuế Hà Nội đã gửi đến trên 150.000 doanh nghiệp và NNT trên địa bàn nội dung hướng dẫn quyết toán thuế năm 2019, cũng như đường link, để người nộp thuế có thể truy cập và tìm hiểu về công tác quyết toán thuế năm 2019.
Doanh nghiệp vẫn vã mồ hôi
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phần lớn NNT năm nay chọn phương án quyết toán qua mạng. Khảo sát của Thanh Niên tại các chi cục thuế Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình (Hà Nội)… cho thấy các ngày đầu tháng 3 khá vắng vẻ.
Ngày 6.3, chỉ lác đác một vài người đến để làm thủ tục trực tiếp. Ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Đống Đa, cho biết kỳ quyết toán thuế năm nay dự kiến sẽ có khoảng trên 17.000 hồ sơ quyết toán thuế của khối doanh nghiệp, tổ chức và trên 20.000 hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân. Tại chi cục này, cả cán bộ thuế và NNT đều đeo khẩu trang, thủ tục tiếp đón, hướng dẫn của ngành thuế khá chu đáo, cẩn thận.
“Hiện mới là thời điểm đầu tháng nên số lượng NNT đến thực hiện quyết toán thuế khá ít. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch nên chúng tôi nhận được khá nhiều hồ sơ quyết toán thuế qua mạng”, một cán bộ của Chi cục Thuế Q.Đống Đa cho hay.
Đối với hình thức quyết toán thuế trực tuyến qua mạng, NNT phản ánh dù được hướng dẫn khá chi tiết bằng video, hình ảnh… nhưng do các phần mềm khó sử dụng, quy trình phức tạp nên gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Xuân Thỏa, nhân viên một công ty xây dựng tại Thanh Hóa, cho biết đây là năm đầu tiên anh làm quyết toán thuế qua mạng. Bước đầu phải đọc hết các hướng dẫn của cơ quan thuế, sau đó hỏi phòng nhân sự kỹ lưỡng và tải các file hướng dẫn từ trang web của Tổng cục Thuế. Sau khi tải về các phần mềm HTKK, lại phải điền mẫu đơn, cài đặt ứng dụng…, rồi lại xem hướng dẫn trên mạng để biết cách cài đặt và ghi thông tin trong các phần mềm như thế nào.
“Nói chung là quá phức tạp, từ cài đặt phần mềm vào máy, kê khai, nhập liệu, xuất file. Chỉ một lỗi là hỏng hết cả. Tôi mày mò đến cả mấy ngày, vào hết các diễn đàn nhờ hướng dẫn vẫn chưa xong”, anh Thỏa ngán ngẩm.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Vân Anh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), kế toán của một công ty có trụ sở trên địa bàn quận này, đánh giá cao những hỗ trợ của ngành thuế và việc cập nhật thêm nhiều phần mềm HTKK. Tuy nhiên, chị Vân Anh vẫn phải vã mồ hôi khi hệ thống thường xuyên báo nghẽn mạng, lỗi đường truyền. “Đặc biệt, việc xuất file đuôi .xml trên HTKK 4.3.0. là hay bị lỗi nhất”, chị Vân Anh phản ánh.
Quyết toán muộn bị phạt bao nhiêu?
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, năm nay hạn cuối quyết toán thuế TNCN sẽ rơi vào ngày 30.3. Luật quy định nếu cá nhân phát sinh thuế phải nộp mà không nộp hồ sơ quyết toán thuế, thì mức phạt sẽ được quy định bằng một nửa mức phạt của doanh nghiệp.
Cụ thể, mức phạt đối với doanh nghiệp từ 3,5 triệu đến tối đa 5 triệu đồng, nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế muộn (quá ngày 30.3) nhưng không phát sinh số thuế phải nộp thêm. Như vậy, mức phạt cho cá nhân sẽ từ 1,75 – 2,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, còn hình thức nặng hơn là phạt tiền 1 – 3 lần (tùy theo mức độ vi phạm) tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận khi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng phát sinh số thuế phải nộp.
Theo Anh Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)