Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhọc nhằn sinh viên học hai trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Không ít sinh viên quan niệm học cùng lúc nhiều trường để có nhiều bằng, dễ xin việc trong khi nhu cầu tuyển dụng lại hướng tới nguồn lao động có chất hơn có lượng.
Việc chạy theo số lượng bằng cấp đã khiến các bạn này rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, tiền bạc tốn kém mà kiến thức thì chẳng đâu vào đâu.
Theo chẳng được, bỏ chẳng đành
Với ước muốn trở thành luật sư, TTH đã đăng ký thi vào ĐH Luật TP.HCM. Năm đầu thi ĐH không đủ điểm, H. chọn cách học tạm ở trường CĐ. Năm đầu tiên, H. chỉ lo ôn thi ĐH hơn đến lớp vì nghĩ rằng “toàn các môn đại cương nên nghỉ chẳng sao”. Khi kỳ thi tuyển sinh ĐH năm sau sắp diễn ra cũng là lúc kỳ thi cuối học kỳ 2 tại trường CĐ đã cận kề. H. lao vào học như điên. Thế nhưng những cố gắng kiểu “thời vụ” này cũng chẳng giúp H. có được kết quả mong muốn. H. rớt tuyển sinh ĐH lần nữa, kết quả học CĐ thì lẹt đẹt, nợ 3/7 môn của học kỳ 2.
Năm thứ hai, H. chuyên tâm học hành hơn để cải thiện những môn còn nợ. Học lực của H. được cải thiện hơn trước, tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa đủ để hy vọng có được tấm bằng tốt nghiệp loại khá. Theo yêu cầu nhà trường, sinh viên tốt nghiệp CĐ loại khá sẽ được học liên thông lên ĐH. Nếu tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá, sinh viên phải có thêm 18 tháng kinh nghiệm mới đủ điều kiện nộp hồ sơ dự thi liên thông.
Suy nghĩ về khoảng thời gian 18 tháng đi làm, 18 tháng học liên thông và trước mắt là còn năm thứ ba học ở trường CĐ (tổng cộng là bốn năm), H. liều lĩnh giấu gia đình làm hồ sơ thi ĐH Luật thêm lần nữa. May mắn lần này H. đậu. Tiếc hai năm lận đận với trường CĐ và chỉ còn một năm nữa là có tấm bằng nên H. học luôn cả hai trường. Chia sẻ về nghề nghiệp tương lai, H. nói: “Mình vẫn mong muốn trở thành luật sư, còn tấm bằng CĐ thì thật sự chẳng biết dùng nó vào việc gì. Nhưng có hai bằng chắc… dễ xin việc và lương sẽ cao hơn!”.

Hằng ngày V. mất gần 3 giờ để đón xe tới học tại Trường ĐH Luật TP.HCM và về phòng trọ gần Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (Cơ sở Linh Trung, Thủ Đức). Ảnh: ANH PHÚ
Đuối vì… điểm danh
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, VTV thi đậu cùng lúc vào ĐH KHXH&NV TP.HCM và ĐH Luật TP.HCM. Ngành học không liên quan nhau nhưng bỏ trường này thì tiếc trường kia nên V. học luôn cả hai trường. Ban đầu, V. nghĩ học tín chỉ có thể chủ động sắp xếp được thời gian nhưng thực tế lại không phải vậy. Khoảng cách giữa hai trường xa nhau nên việc học của V. chỉ là chạy qua chạy lại để đối phó những lần điểm danh. Kết quả năm học đầu không tốt. Khi được hỏi vì sao không chọn một trường để học cho tốt mà lại “ôm đồm” một lúc hai ngành, V. cho biết: “Học cực quá nhưng kệ, mình theo được ngày nào thì cứ theo, nếu may mắn đủ điểm ra trường được thì mình có hai tấm bằng, dễ xin việc”.
Khác hai bạn sinh viên trên, VTLH theo học hai trường vì lý do: “Lúc đầu mình chọn ngành báo chí, về sau thấy không phù hợp năng lực nên mình thi lại vào ngành giáo dục. Tiếc hai năm theo học báo chí, mình đành học luôn cả hai trường. Vất vả và tốn kém lắm! Trước đây còn có thời gian đi làm thêm, giờ chỉ lo chạy giữa hai trường cũng đuối rồi, đâu có làm được gì!” – LH tâm sự.
Kiến thức không sâu, phải đào tạo lại
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 44% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tổ chức đào tạo lại cho lao động tuyển dụng. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy có đến 50% các công ty may mặc, hóa chất tại Việt Nam cho rằng lao động được đào tạo không đáp ứng nhu cầu. Khoảng 60% sinh viên các trường nghề, trường CĐ phải đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng. 80%-90% sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin phải huấn luyện lại thêm ít nhất một năm mới làm việc được.
Theo các nhà tuyển dụng, số lượng bằng cấp không đồng nghĩa với việc sẽ có được công việc ổn định, thu nhập cao. Điều quan trọng là chất lượng của bằng cấp có đúng với khả năng người lao động hay không. Hiện nay, người có nhiều bằng cấp không phải là tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, với những sinh viên đã học nhiều trường mà các ngành học bổ trợ cho nhau thì doanh nghiệp rất thích.
Dù một lúc bạn biết nhiều nghề nhưng khi đi làm bạn chỉ có thể chọn một ngành. Người xưa có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Vì vậy, việc đào sâu một ngành luôn tốt hơn việc học đa ngành mà thiếu định hướng.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm khá nhiều nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn rất cần người lao động có kỹ năng làm giỏi những công việc cụ thể. Những người có kỹ năng làm việc giỏi (thợ giỏi, chuyên gia) thường được các doanh nghiệp săn đón, nâng niu.
Ông HUỲNH VĂN MINH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
 Một trong những con đường làm giàu chính đáng và có cơ may thành công nhất chính là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn yêu thích, đam mê. Hãy luôn phấn đấu trở thành một trong những người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
TS NGUYỄN TUẤN QUỲNH, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
Theo ANH PHÚ
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)