Không hành khách nào được thẳng chân |
Sau Tết Nguyên đán, người lao động các tỉnh miền Trung lại quay vào Nam trên những chuyến xe nhồi nhét.
Nỗi khổ của hành khách
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Bến xe liên tỉnh Phú Yên, từ ngày mùng 4 Tết đến nay, từ 4 giờ sáng hành khách đã chật cứng từ trong ra ngoài. Trong khi đó, những chiếc xe khách của bến như Bình Phương, Cúc Tư… thì còn trên đường từ Sài Gòn ra, chưa biết khi nào về bến. Ông Nguyễn Văn Bốn (Phú Lạc, Đông Hòa, Phú Yên) cho biết ông mua vé của nhà xe Cúc Tư từ trước Tết. Lo ngại trễ giờ, ông có mặt tại bến trước giờ xe khởi hành 1 tiếng nhưng chờ gần hết buổi sáng vẫn chưa được lên xe. Ông Nguyễn Văn Tình, đại diện nhà xe giải thích, do kẹt xe ở đầu Sài Gòn nên xe quay đầu không kịp và xảy ra tình trạng khách chờ đợi từ ngày này sang ngày khác.
Tại các đại lý bán vé xe của các hãng chạy tuyến Quảng Ngãi – Sài Gòn; Bình Định – Sài Gòn… cũng xảy ra tình trạng hành khách chờ đợi hàng giờ, xe khởi hành đều không đúng như thời gian ghi trên vé. Nhiều hành khách phản ứng gay gắt khi nhà xe phải thông báo thay đổi thời gian từ sáng sang chiều và từ chiều sang gần sáng cũng với lý do: kẹt xe.
Với hành khách tuyến miền Trung – Sài Gòn, sở hữu một chiếc vé xe của các nhà xe có thương hiệu như Phương Trang, Thuận Thảo, Cúc Tùng… không dễ chút nào. Theo các nhà xe này, vé đi Sài Gòn sau Tết đã bán hết từ trước Tết, ai mua được là nhờ số ít hành khách đột xuất thay đổi thời gian đi.
So với mọi năm, người lao động trở lại Sài Gòn còn thưa, tuy nhiên tình trạng cháy vé là do hành khách có tâm lý đi những nhà xe có thương hiệu lâu năm. Cụ thể ngày mùng 9 Tết, các nhà xe Hạnh Thọ, Hằng Kính… xuất phát từ Bến xe Phú Lâm (Tuy Hòa) vẫn còn gần chục vé đi trong ngày chưa bán được. “Cũng là xe giường nằm mới nhập, giá vé cũng bằng các nhà xe khác nhưng hầu hết hành khách có cảm giác không an tâm nên mới dẫn đến tình trạng quá tải ở một số nhà xe”, anh Nguyễn Văn Vinh, tài xế xe khách Thuận Thảo lý giải. Tuy nhiên, theo hành khách, họ “nói không” với các nhà xe không thương hiệu là vì họ từng là nạn nhân của cảnh nhồi nhét ở những mùa Tết trước. “Những nhà lớn thì họ cứ bán đủ ghế, còn xe khác thì mặc sức nhét khách. Hơn nữa thái độ phục vụ của nhân viên rất chợ búa, coi thường hành khách”, một hành khách tuyến Khánh Hòa – Sài Gòn giải thích.
Muốn thẳng chân phải trả thêm tiền
Hành khách thất thểu đợi xe quay đầu tại xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên |
Có mặt trên chuyến xe của nhà xe Hải Lài xuất phát từ huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đi Sài Gòn sáng mùng 8 Tết. Xe 45 chỗ ngồi nhưng tổng số hành khách trên xe lên đến hơn 70 người, chưa kể 5 người của nhà xe. Mặc dù đã không còn chỗ chen nhưng khi đến địa phận xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, xe này tiếp tục đón thêm 4 hành khách nữa. Anh Nguyễn Văn Thịnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, anh phải trả 600.000 đồng nhưng chỉ được nằm ở đường luồng. Nhân viên nhà xe liên tục thúc ép hành khách nằm, ngồi chen nhau, nghiêng mình để tiết kiệm không gian. Nằm, ngồi với tư thế này suốt quãng đường gần 600km, hành khách chỉ biết… khóc.
Sau gần 11 tiếng, chị Phạm Thanh Thủy (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng đã đặt chân đến Sài Gòn. Chị Thủy bảo, chuyến xe vào Nam của chị là một chuyến đi kinh hoàng bởi thái độ phục vụ của nhà xe chẳng khác nào những chuyến xe đường Bắc – Nam của nhiều năm trước. “Họ đón khách rồi nhồi nhét, mình phản ứng thì nhận được câu trả lời theo kiểu hăm dọa: “Không đi thì xuống mất tiền ráng chịu”, chị Thủy bực tức nói.
Qua điện thoại, anh Nguyễn Phú Tân (từ quê vợ Phù Cát, Bình Định) cầu cứu chúng tôi can thiệp tình trạng nhồi nhét khách của nhà xe Phương Nghi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xe này mới hoạt động tuyến đường dài Vạn Ninh – Sài Gòn từ những ngày giáp Tết Bính Thân, trước đó hợp đồng đưa khách du lịch tại địa phương. Theo phản ánh, chiếc xe nhồi nhét khách là xe ghế ngồi khá cũ, chỉ trong quãng đường gần 100km mà xe hỏng đến 3 lần. Anh Tân còn cho biết, khách phải trả từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/ chỗ ngồi nhưng khi lên xe thì chỗ ngồi không có, phải chen nhau ở đường luồng. “Ai muốn được ngồi thẳng chân cho thoải mái thì phải trả thêm một vé nữa”, anh Tân bức xúc với thái độ bắt chẹt hành khách của nhân viên phục vụ nhà xe này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên cho biết từ trước Tết Nguyên đán đã phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, chốt chặn, kịp thời phát hiện và xử lý hàng trăm xe khách chở quá số người quy định. Những xe khách vi phạm chủ yếu các nhà xe chạy tuyến miền Trung – Sài Gòn. Để đảm bảo an toàn, khi phát hiện xe nhồi nhét, bắt chẹt, hành khách mạnh dạn báo với cơ quan chức năng gần nhất.
Bài, ảnh: Trần Anh
Dịch vụ tranh thủ “chặt chém” Người lao động nghèo vất vả trong chuyến vào Nam, trở lại với công việc mưu sinh thường nhật còn cám cảnh bởi chặt chém tại các quán cơm. Tại quán ăn Cây Dừa (QL1A, đoạn Ninh Phước, Ninh Thuận) giá thức ăn được niêm yết từ 40.000 (bún, phở, hủ tiếu) và 50.000 đồng cho cơm các loại. Giá là vậy nhưng không ít hành khách phải trả thêm từ 15.000-20.000 đồng/ phần ăn vì… thức ăn nhiều hơn. Đó là chưa kể hành khách phải trả 20.000 đồng/ chén canh rau nguội lạnh. “Ngày thường mỗi phần ăn từ 35.000-40.000 đồng, ngày Tết tăng 5.000-10.000 đồng là có thể chấp nhận được, tuy nhiên tô phở chỉ lèo tèo vài miếng thịt mỏng tang mà bán với giá đó là cắt cổ”, bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ nhà xe Phương Hạnh, nói. Sau bữa trưa muộn, một hành khách bước lên xe nhẩm tính: 3 dĩa: Cơm tôm rim, cơm sườn, cá kho nguội lạnh, 3 ly trà đá, 3 chén canh và 3 khăn lạnh, tổng cộng là 260.000 đồng. Theo anh Minh Đằng, hướng dẫn viên tự do thông tin, tại quán ăn Hồng Hoa (P.Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa), một phần ăn có giá từ 50.000-70.000 đồng, tuy nhiên rất lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng theo anh Đằng, tại các điểm tham quan, du lịch, tình trạng chặt chém khách vẫn còn tái diễn. Theo đó một chai nước suối loại 0,5lít, một thỏi kẹo singum bán với giá 25.000 đồng, trong khi đó ngày thường chỉ có 10.000 đồng. Giá giữ xe một số điểm tham quan du lịch nổi tiếng của miền Trung như Mũi Điện Đại Lãnh, gành Đá Dĩa, núi Nhạn (Phú Yên), vịnh Xuân Đừng (Khánh Hòa)… cũng tăng gấp đôi, thậm chí có nơi tăng gấp ba lần ngày thường. Bến xe Miền Đông những ngày trước và sau Tết, giá nước giải khát cũng tăng từ 5.000-8.000 đồng. T.An
Niêm yết giá thức ăn là vậy nhưng khi tính tiền phải trả cao hơn bởi những lý do hết sức vô lý |
Bình luận (0)