Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu nuôi tim một cách đột ngột nên rất nguy hiểm vì đe dọa tính mạng con người. Nếu trước đây chỉ có người cao tuổi mới bị nhồi máu cơ tim thì hiện nay căn bệnh này đang được trẻ hóa.
Một ca cấp cứu nhồi máu cơ tim tại BV Q.Gò Vấp |
Biểu hiện rõ nhất là triệu chứng đau ngực trái dữ dội kéo dài từ 15 đến 30 phút làm cho người bệnh khó thở, vã mồ hôi, mệt nhiều, đi lại khó khăn và gần như ngất xỉu.
Cái chết luôn chờ chực
Khi bị nhồi máu cơ tim nếu vận động nặng thì cơn đau lại gia tăng. Cảm giác đau đớn có thể lan từ ngực ra cánh tay cẳng tay đến ngón út bàn tay trái. Đó là trường hợp ông Trần Văn L. GV Trường THCS-THPT tư thục Ngôi Sao, Q.Bình Tân phải vào cấp cứu tại Viện Tim TP.HCM trước Tết Nguyên đán. Theo lời kể của người nhà, mấy năm gần đây ông L. đã bị bệnh mạch vành với hội chứng vành cấp. Nhờ phát hiện và cấp cứu kịp thời người đàn ông 65 tuổi đã vượt qua được lưỡi hái tử thần 2 lần. Tuy nhiên sức khỏe của ông L. đã giảm sút mặc dù thời thanh niên rất phong độ và ít bệnh tật. Cũng như 2 lần trước, vào lúc 8 giờ sáng ngày 10-1-2017 ông L. có triệu chứng mặt tím tái, tim đập mạnh, đau ngực dữ dội đến mức không thể nói chuyện và đi lại được. Thấy tình thế nguy kịch, gia đình đã quyết định nhanh chóng đưa ông vào cấp cứu tại Viện Tim TP.HCM. Tại đây các BS đã chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp cần được phẫu thuật. Cũng nhờ cấp cứu kịp thời nên kíp mổ đã thành công sau một tuần thì sức khỏe bình phục dần.
BS.TS Đỗ Quang Huân – Giám đốc Viện Tim TP.HCM cho biết, hầu hết bệnh nhân nhập viện với hội chứng vành cấp đều có bệnh mạch vành trước đó với tỷ lệ 80%. Có một nửa bệnh nhân không có yếu tố dẫn đến khởi bệnh còn lại xảy ra khi gắng sức, sang chấn tinh thần, bị bệnh nội ngoại khoa khác. Về triệu chứng cơ năng của nhồi máu cơ tim, bệnh nhân thường đau ngực với cảm giác đau sâu trong cơ thể như bị vật nặng đè nén, bóp chặt ở giữa ngực diễn ra trong khoảng 5 đến 15 phút nhưng không quá 60 phút. Cơn đau từ phía ngực trái lan rộng ra bờ vai, xâm chiếm cánh tay, cẳng tay và những ngón ở bàn tay trái. Lúc đó người bệnh bắt đầu có cảm giác khó thở, mệt mỏi, vã mồ hôi, mắc ói, chóng mặt bất tỉnh, da tái nhợt và tim đập thình thịch. Nhưng đây không phải là triệu chứng phổ biến vì có những ca nhồi máu cơ tim lại có biểu hiện không rõ ràng như tiêu chảy, đau bụng hoặc đôi khi không hề có triệu chứng gì. Lúc này được gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng nhất là các bệnh nhân đái tháo đường.
Cứu người như chữa lửa
Ngược lại có người lại có biểu hiện hết sức đột ngột như biến chứng hôn mê, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay chết bất ngờ. Đó là trường hợp nhồi máu cơ tim của BS C. tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán. Mặc dù chưa có tiền sử rõ ràng về bệnh nhồi máu cơ tim nhưng trong một lần đau tức ngực trái người thầy thuốc trẻ 37 tuổi bị chìm vào hôn mê sâu. Mặc dù được chuyển nhanh vào BV Nhân dân 115 sau đó nhưng anh đã không qua khỏi do bị ngưng tim sau đó. Theo chẩn đoán của BS, anh C. chết do nhồi máu cơ tim cấp dù phẫu thuật cũng không qua khỏi.
Theo lời khuyên của BS Huân, sau khi qua giai đoạn nguy hiểm ban đầu của nhồi máu cơ tim, người nhà cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi yên tĩnh trong vài ngày để tránh những biến chứng loạn nhịp tim. Trong thời gian hồi phục sau khi ra viện, nên tránh đi lại nhiều mang vác nặng làm việc quá sức. Đặc biệt giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng hồi hộp, xúc động mạnh. |
Về triệu chứng thực thể, khi bị nhồi máu cơ tim huyết áp thường tăng vọt do hệ quả của việc tăng tiết catecholamine hoặc suy tim nặng hay sốc (shock) tim thì huyết áp giảm thấp. Tương tự mạch có thể rất chậm hoặc rất nhanh tùy theo từng người. Về phân loại, nhồi máu cơ tim có 6 loại: nhồi máu cơ tim nguyên phát, nhồi máu cơ tim thứ phát, nhồi máu cơ tim không có kết quả men tim, nhồi máu cơ tim do can thiệp động mạch vành qua da, nhồi máu cơ tim do huyết khối trong stent, nhồi máu cơ tim do mổ bắc cầu mạch vành. Vì nhồi máu cơ tim diễn biến nhanh chóng và nguy hiểm đến tính mạng nên phương châm chẩn bệnh là tuyệt đối không được bỏ sót. Bất cứ bệnh nhân nào trên 45 tuổi bị đau ngực nhất là bên trái hay khó thở và có các yếu tố nguy cơ trên cần phải chứng minh không bị nhồi máu cơ tim trước khi nghĩ đến căn bệnh khác. Những lúc đó không có cách gì hơn là đưa vào BV để theo dõi càng sớm càng tốt vì đây là thời gian vàng còn có hy vọng cứu chữa. Tuy nhiên hiện nay nhồi máu cơ tim đang được “thanh xuân hóa” nên những người dưới 45 tuổi bị đau ngực không còn hiếm và vì thế không nên chủ quan như trước đây. Người nhà nên bình tĩnh có cách xử trí nhanh gọn, đưa vào BV kịp thời không nên chần chừ. Cứu người như chữa lửa, sự sống còn lúc đó phụ thuộc vào người thân. Các thầy thuốc cũng không được chần chừ mà phải có biện pháp cứu chữa kịp thời và đúng bệnh để cứu lấy mạng sống con người.
Theo lời khuyên của BS Huân, sau khi qua giai đoạn nguy hiểm ban đầu của nhồi máu cơ tim, người nhà cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi yên tĩnh trong vài ngày để tránh những biến chứng loạn nhịp tim. Trong thời gian hồi phục sau khi ra viện, nên tránh đi lại nhiều mang vác nặng làm việc quá sức. Đặc biệt giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng hồi hộp, xúc động mạnh. Không xem những chương trình cảm giác mạnh như đá bóng, phim kinh dị, game show hồi hộp. Không hoạt động quá sức như quan hệ vợ chồng, đi tàu siêu tốc, đặc biệt không lái xe để di chuyển. Ông Trần Văn L. và một số bệnh nhân sau khi bị “chết lâm sàng” do nhồi máu cơ tim còn mắc một số bệnh như trĩ, rối loạn tiêu hóa cần phải điều trị nội khoa phối hợp bằng thuốc uống.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)