Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhồi nhét và hậu quả!

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ngày nay chán học không còn là chuyện lạ, chuyện cá biệt mà có hội chứng lan rộng bởi cách dạy nhồi nhét phản sư phạm! Mặc dù nhiều hội thảo, hội nghị bàn đi bàn lại; hết “giải pháp” này tới “định hướng” khác về đổi mới cách dạy, cách học nhưng vì sao lối dạy máy móc, nhồi nhét này vẫn diễn ra? Thủ phạm chính không ai khác là “bệnh thành tích” đã thấm sâu vào máu của nhiều người, nhiều cấp lãnh đạo.

Có câu chuyện kể về cô giáo bắt buộc học sinh (lớp 4) phải học thuộc lòng những bài cô giảng trên lớp. Nhưng dù đọc đi đọc lại vẫn không tài nào nhớ được và cháu tỏ ra chán nản, không còn hứng thú với việc học nữa.

Theo tôi, giáo viên không nên yêu cầu học sinh học thuộc lòng bài văn, bài thơ như trong sách giáo khoa quy định lâu nay mà chỉ cần nắm được ý cơ bản của bài đó. Học thuộc chỉ có tính chất khuyến khích, định hướng chứ không nên gò ép, bắt buộc vì sẽ phản tác dụng. Việc học thuộc lòng từng câu từng chữ không còn phù hợp với lớp trẻ ngày nay. Bởi các em rất cần được hình thành, phát triển năng lực tư duy, phản biện; năng lực độc lập suy nghĩ…

Cảm xúc phải xuất phát từ trái tim các em, từ việc quan sát, chiêm nghiệm của bản thân chứ không phải vay mượn người khác. Cũng như nhà thơ Ra-xun Gam-za-tôp đã nói: “Có thể qua nhà hàng xóm xin lửa về nhóm trong bếp lửa nhà mình nhưng không thể xin lửa về nhóm trong trái tim của mình”.

Biết bao giờ việc dạy thật sự vì học sinh, thật sự phát huy được mọi tiềm năng của học sinh? Đánh giá chất lượng dạy và học không phải qua bảng điểm thành tích mà điều quan trọg là học sinh còn thích học hay không?

Lê Đức Đồng

Bình luận (0)