Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhóm bán trú gia đình: Bao giờ hết tự phát?

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ ôn tập của nhóm Thần Đồng (Gò Vấp)

Khi các lớp bán trú trong trường học teo lại, tỷ lệ nghịch với nó là các nhóm bán trú gia đình nở ra. Hiện nay, không quận, huyện nào có thể thống kê chính xác trên địa bàn có bao nhiêu nhóm bán trú gia đình. Bởi, tất cả đều là tự phát…
Khác với các nhóm trẻ gia đình là xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong khu dân cư, nhóm bán trú gia đình (BTGĐ) chỉ “mọc” ở những nơi gần trường tiểu học (TH). Càng những trường đông học sinh (HS), ít lớp bán trú thì càng có nhiều nhóm BTGĐ xuất hiện. Theo đó, các quận như Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp… có khá nhiều nhóm BTGĐ hoạt động.
Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh
Không phải bỗng dưng mà các nhóm BTGĐ xuất hiện. Như cô Nguyễn Kim Khôi (chủ nhóm BTGĐ Bình Minh, hẻm 61 đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp) lý giải: “Mấy năm trước, một đồng nghiệp cũ bên Trường TH An Hội (cô Khôi nguyên là giáo viên Trường TH An Hội) cho biết các lớp bán trú của trường ngày càng ít. Trong khi đó nhu cầu gửi con của phụ huynh thì rất lớn. Thế là tôi quyết định mở nhóm BTGĐ…”.
Nhóm BTGĐ Bình Minh đã hoạt động được 4 năm, hiện có trên 40 HS từ lớp 1 đến lớp 4 của Trường TH An Hội được phụ huynh gửi ở đây. Theo như thời khóa biểu của nhóm Bình Minh thì 10h30 HS được đón từ trường TH về nhóm bán trú. Sau đó là ăn trưa, ngủ trưa. Từ 14h20 đến 16h20, giáo viên hướng dẫn HS học theo sổ báo bài ở trường gửi về. Sau đó các em ăn xế và đợi phụ huynh tới đón về. Đối với những HS học buổi chiều tại trường TH thì từ 6h30, các em được phụ huynh đưa tới nhóm bán trú. Từ 8-10h các em học bài. 10h30 ăn trưa và ngủ, hơn 12h giáo viên đưa các em tới trường. 16h30, các em được đón về lớp bán trú ăn xế và đợi cha mẹ tới rước.
Và đây cũng là thời khóa biểu ở hầu hết các nhóm BTGĐ. Theo đó đã đáp ứng được phần nào nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh vì 1.001 lý do mà không thể đưa rước con vào buổi trưa…
Khoảng 11h ngày 2-12, trước cổng Trường TH Lam Sơn, Q.Gò Vấp, cô Dương Thụy Giao đang hướng dẫn 6 HS của trường lên một chiếc taxi để chở về nhóm bán trú Thần Đồng (hẻm 61 đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp). Cùng thời điểm đó, một giáo viên khác của nhóm đang dẫn 7-8 HS của Trường TH An Hội vừa tan trường trở về. Nhóm Thần Đồng ra đời được gần 2 năm với 25 HS từ lớp 1 đến lớp 3 của các trường TH An Hội, Lam Sơn, Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp) theo học.
Gần Trường TH Bành Văn Trân, Q.Tân Bình cũng có một nhóm BTGĐ do giáo viên trong trường mở. Ở Q.Tân Phú nhiều nhóm BTGĐ gần các trường TH, như nhóm Minh Tâm gần Trường TH Tô Vĩnh Diện, nhóm 75 Trần Hưng Đạo – P.Tân Thành… Trung bình mỗi nhóm đang tiếp nhận từ 20-50 HS của các trường TH lân cận.
Khó cấp phép

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh học bài tại nhóm bán trú gia đình Bình Minh (Q.Gò Vấp).

Mặc dù các nhóm BTGĐ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Nhưng đây cũng là “miếng cơm” của nhiều người. Vì là “miếng cơm” nên không ít chủ nhóm BTGĐ làm ăn theo kiểu “chụp giật 3 ngày xuân”, họ không chịu đầu tư cơ sở vật chất cũng như thuê mướn những giáo viên có tay nghề.
Cứ nhìn nhóm BTGĐ Bình Minh thì rõ. Phòng học, phòng ngủ của HS được đặt tạm bợ trong những căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Còn bàn học là những chiếc bàn nhựa nhỏ, thường được sử dụng ở mấy quán bán nước trên vỉa hè. HS học cũng ở cái bàn này, ăn cũng ở cái bàn này. Sáng 2-12, khi chúng tôi có mặt tại đây, phát hiện các em HS học bài ngay ở bộ bàn ghế đá ngoài sân. Cô Khôi (chủ nhóm Bình Minh) cho biết là do mất điện nên HS phải ra ngoài sân học. Bữa ăn trưa của HS cũng rất khiêm tốn – Mỗi em một tô trong đó trộn cơm, canh và thức ăn. Nhưng điều đáng bận tâm nhất là trình độ của đội ngũ giáo viên. Theo cô Khôi thì cả 3 giáo viên ở đây đều đang học sư phạm chứ chưa có ai tốt nghiệp…
Khi được hỏi về giấy phép hoạt động, cô Khôi nói: “Chưa có giấy phép”. Và đây cũng là câu trả lời của cô Dương Thụy Giao chủ nhóm bán trú Thần Đồng cũng như các nhóm bán trú khác ở Q.Tân Bình, Tân Phú. Cô Giao tâm tư: “Chúng tôi đã nhiều lần lên Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp xin được cấp giấy phép hoạt động. Bởi làm việc mà không được pháp luật thừa nhận thì không an tâm. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT trả lời rằng chưa có quy định nên chưa thể cấp phép”…
Về vấn đề này, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cũng thừa nhận: “Đối với các nhóm BTGĐ không có văn bản nào để cấp phép. Còn nếu dựa vào tiêu chí của một trường TH ngoài công lập để cấp phép thì chắc chắn không nhóm BTGĐ nào đạt. Phòng GD-ĐT đã thảo ra một số quy chế tạm thời để quản lý những nhóm này. Tuy vậy UBND quận không thông qua vì cho rằng nếu những cơ sở này vi phạm mà quận xử phạt thì họ có quyền kiện ra tòa vì trên thực tế không có văn bản pháp luật nào quy định về việc quản lý, cấp phép các nhóm BTGĐ”.
Tương tự, bà Phạm Thị Phước, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết: “Nhóm BTGĐ là thỏa thuận giữa phụ huynh và chủ nhóm, phụ huynh tin tưởng thì gửi con cho các nhóm. Việc quản lý các nhóm này là rất khó vì nó không thuộc mô hình nào, không có quy định pháp luật nào nên làm sao mà cấp phép”…
Đành rằng, hoạt động của các nhóm BTGĐ là do thỏa thuận của phụ huynh và chủ các nhóm nhưng cũng rất cần sự quản lý của chính quyền. Bởi hàng trăm HS đang ăn, ngủ và học hành mỗi ngày tại đây…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)