Liên tiếp thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 12 ngân hàng lớn để trao đổi về các biện pháp điều hành tiền tệ. Dù chưa có một quyết định chính thức nào về cái tên gọi “G12” nhưng sự ra đời của liên minh “đại gia” ngân hàng vừa mở ra hy vọng ổn định thị trường, vừa dấy lên mối lo bị “thua thiệt” trong nhóm các ngân hàng nhỏ.
Thể hiện vị thế
Hoạt động đối thoại về chính sách điều hành của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với 12 ngân hàng lớn là một cơ chế làm việc đã manh nha từ trước. Trước đó đã có một số thời điểm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với một số ngân hàng lớn về những vấn đề cụ thể. Việc này đã được nâng lên thành một cơ chế đối thoại và đồng thuận trong điều hành tiền tệ với các ngân hàng khi tân tân Thống đốc bắt tay vào điều hành.
Cú ra mắt thành công của cơ chế này là việc 12 ngân hàng lớn cùng với Ngân hàng Nhà nước quyết thực hiện trần lãi suất huy động 14%. Sau cuộc họp ngắn gọn với G12, việc đồng thuận lãi suất đã được phổ biến ra toàn các tổ chức tín dụng và ngay lập tức tất cả đều giơ tay ủng hô và đồng ý. Tất nhiên, đi kèm với đó là các biện pháp kiểm soát và kỷ luật mạnh được đưa ra dưới sự tư vấn "đánh đúng điểm" khiến cho các lãnh đạo và nhà băng phải biết sợ mà thực hiện.
Thậm chí, không dừng lại đó, ngoài các biện pháp kiểm soát truyền thống, bằng việc sử dụng hệ thống tai mắt qua cách kiểm soát lẫn nhau giữa các ngân hàng và giám sát của khách hàng…, một vài "án điểm" đã được thẳng tay thực hiện, như vụ DongA Bank và HDBank vừa qua. Nhờ đó, kỷ luật đã được tái lập sau một thời gian bị chính các ngân hàng phá nát và sự đồng thuận không chỉ dừng lại ở lời nói như thời gian trước đây.
Cùng với đó, nhóm các ngân hàng lớn còn thể hiện vai trò trong việc thực hiện hạ lãi suất cho vay xuống và đặc biệt có tiếng nói trong việc đề xuất thay đổi nhiều chính sách mới không chỉ gỡ khó cho riêng mình mà còn tạo ra những "tình thế" mới, thuận lợi cho thị trường trong giai đoạn nhạy cảm.
Từ hiệu quả ban đầu, cái "uy" của các ngân hàng lớn tăng lên và G12 từ một cách gọi vui đã trở thành một tên gọi đầy ý nghĩa cho hoạt động này.
Trao đổi với báo chí sau khi cam kết cùng các ngân hàng lớn khác đồng thuận thực hiện trần lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo BIDV thừa nhận thời gian qua, thị trường như cái chợ, tranh giành không lành mạnh, các biện pháp kỷ luật chưa đủ và ngiêm. Chỉ cần một ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất lên cao để thu hút người gửi tiền, như một phản ứng dây chuyền buộc các ngân hàng khác cũng phải vào cuộc. Số ngân hàng này không nhiều, quy mô nhỏ, chỉ chiếm khoáng 20% thị phần nhưng đã làm náo loạn thị trường và buộc các ngân hàng lớn cũng phải chạy theo. Tuy nhiên, 12 ngân hàng lớn với 80% thị phần sẽ thống nhất thực hiện thì sẽ lập lại trật tư và lấy lại vị thế cho những ngân hàng lớn, làm ăn tốt.
Khi đề ra việc đối thoại với các ngân hàng lớn, chiếm tới 85% thị phần để trao đổi hoạt động nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa tính tương tác giữa thị trường và cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước hy vọng chính sách ban hành sẽ sát hơn với thực tế. Khi đó, cả hệ thống phải chấp hành, tổ chức tín dụng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc. Ngược lại, NHNN ban hành chính sách mà các tổ chức tín dụng không thực hiện được thì đó là trách nhiệm của NHNN.
Với mục tiêu hợp lực với ngân hàng nhà nước để xây dựng, thực thi chính sách sánh, gương mẫu thi hành các kỷ luật… trong giai đoạn có nhiều biến động, sự xuất hiện của G12 nhanh chóng có được sự thừa nhận như một lực lượng sức mạnh, nối dài và gia tăng hiệu lực của chính sách điều hành tiền tệ. Hoạt động này đã gần như được chính thức khi có những kỳ họp thường kỳ hàng quý, có họp đột xuất khi cần thiết, có các nhóm hỗ trợ và phối hợp. Bản thân các ngân hàng cũng không chỉ đến nghe và giơ tay đồng ý mà nắm bắt tình hình, chuẩn bị nội dung và kiến nghị giải pháp xử lý để đề xuất và thảo luận.
Các chuyên gia xem đây là một biểu hiện tích cực để có chính sách tốt và bình ổn được thị trường. Ông Bùi Kiến Thành có nhiều năm hoạt động trong môi trường tài chính quốc tế cũng cũng đồng tình cho rằng, 12 ngân hàng lớn và NHNN bàn bạc với nhau sao cho hệ thống ngân hàng được bền vững và đưa ra giải pháp có lợi nhất.
Đồng tình với việc này, chuyên gia nghiên cứu chính sách của một ngân hàng quốc doanh cho rằng, chính sách trước đây dễ bị phá rào khi trông chờ vào sự đồng thuận tự nguyện, còn sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước thì không xuể nên mạnh ai nấy làm. Ngay ngoài sự đồng thuận, các biện pháp kiểm tra thì có thêm một lực lượng thực thi là các ngân hàng lớn. Điều đó ngoài ý nghĩa tăng thêm sức mạnh quản lý còn là một sức ép cạnh tranh khó cưỡng trên thị trường.
Lo lợi dụng cơ chế để tạo lợi thế cạnh tranh
Tuy nhiên, đồng xu luôn có hai mặt. Khi G12 được cho là hy vọng để thực thi chính sách, giúp NHNN thiết lập lại kỷ luật trên thị trường thì nó cùng tạo nên nỗi lo sợ trong các ngân hàng nhỏ.
Nối lo sợ đó là một thực tế, sau khi các ngân hàng lớn quyết liệt trong việc thực hiện trần lãi suất thì đúng như dự báo, tiền vào hệ thống ngân hàng không giảm quá nhiều mà có sự tập trung vào chính các ngân hàng lớn. Các ngân hàng nhỏ mất đi lợi thế cạnh tranh gần nhu duy nhất là lãi suất đã phải "cay đắng" nhìn hàng ngàn tỷ đồng bị rút đi.
Khi nguồn vốn rút đi, các ngân hàng nhỏ đối mặt với muôn vàn khó khăn từ thanh khoản, tới hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Không có cách nào khác, họ phải quay ra nhờ cậy các ngân hàng lớn, tất nhiên việc vay lại "nóng tay" này luôn phải chấp nhận một cái giá "cắt cổ". Còn việc được hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước không chỉ khó mà còn chịu nhiều kiểm soát ngặt nghèo hơn.
Chính vì thế, ngay từ khi có xuất hiện cơ chế này cho rằng, dù không công bố nhưng đó như là một sự mặc định là các ngân hàng lớn và uy tín, người dân sẽ theo cảm nhận đó mà chọn mặt gửi vàng, tạo ra nhiều bất lợi cho các ngân hàng nhỏ. Nói thẳng ra, điều này dễ gây ra sự phân biệt đối xử. Hơn nữa, các chính sách được thông qua và thực thi dựa trên tham khảo và đồng thuận của ngân hàng lớn sẽ khó phù hợp và bất lợi cho ngân hàng nhỏ. Và không có gì đảm bảo những chính sách này không có hàm ý tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các ông lớn.
Chính vì thế vì thế, lãnh đạo một ngân hàng nhỏ đã đặt vấn đề nhóm G12 được tham gia xây dựng chính sách thì có gì để đảm bảo họ không đưa có những đề xuất có lợi cho mình. Có cách nào để các ngân hàng nhỏ góp tiếng nói của mình, không bị động đứng bên lề cuộc chơi? Bởi vì các ngân hàng nhỏ dù chỉ chiếm 20% thị phần nhưng chiếm số lượng lớn ngân hàng hiện nay. Vì thế, bỏ rơi tiếng nói của nhóm này có thể khiến cho những kẻ vốn yếu thế sẽ bị thiệt thòi và ngày càng bị dồn đến khó khăn hơn.
Ngay một chuyên gia từng lãnh đạo ngân hàng như ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, phải rất thận trọng khi đưa ra mô hình này, bởi đây là một hình thức mới, một mô hình hoạt động chưa từng có. Cần có quy chế làm việc ngiêm ngặt đây có thể sẽ là cách để bảo vệ quyền lợi của một bộ phận ngân hàng lớn, gây rối ren hơn trong hoạt động của ngành ngân hàng vốn chưa thực sự đi vào ổn định.
Trong một cái nhìn cân bằng hơn, chúng ta đang có nhiều ngân hàng nhỏ, các ngân hàng này có quá nhiều hạn chế đang gây vướng và kéo chậm quá trình đổi mới của ngân hàng Việt Nam khi khó áp dụng các tiêu chuẩn cao của thế giới. Hơn nữa, thời gian qua, các ngân hàng nhỏ của Việt Nam quá nhiều gây nên tình trạng lộn xộn mà cụ thể nhất là phá trần lãi suất.
Vì thế, khó có thể trông chờ vào nhóm này để thiết lập sự ổn định của thị trường. Hơn nữa, chính họ không nên kếu ca mà phải chấp nhận một mặt bằng cạnh tranh chung. Trên thế giới có nhiều ngân hàng nhỏ nhưng ngân hàng nhỏ không có nghĩa là một ngân hàng kém. Vì thế, qua đợt này, các ngân hàng nhỏ phải nhìn lại mình để chấn chỉnh.
Cơ chế tham khảo các tổ chức kinh doanh khi xây dựng chính sách là điều không mới. Nhưng cần phải giữ được khoảng cách, có sự minh bạch và nhất là cơ quan quản lý phải có bộ lọc và sự kiểm soát tốt không để một cớ chế thể hiên ưu việt lúc thị trường lộn xộn, bị lợi dụng để biến tướng thành một cách để can thiệp chính sách, tạo lợi thế kinh doanh. Tốt nhất, vẫn phải trả thị trường về cho thị trường và cơ quan giám sát nâng cao năng lực để làm tốt chức năng của mình hơn là trông chờ vào những biện pháp hành chính hay nguồn lực khác.
Theeo VEF
Bình luận (0)