Muốn phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải bắt đầu từ đổi mới công tác tổ chức, chương trình liên thông và phương pháp đào tạo. Đó là ý kiến của các chuyên gia và đại diện nhiều trường CĐ-TC nghề.
Học sinh thực hành nghề tại Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương |
Ưu tiên liên thông từ sơ cấp
Các cơ sở GDNN phải chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động. Tích hợp các nội dung đào tạo hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo. Mở rộng xây dựng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo mô đun. Tổ chức đánh giá trình độ tiếng Anh, tin học cơ bản 3 năm liền cho học sinh – sinh viên theo học các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN tại các trường được quy hoạch là trường chất lượng cao để đào tạo nhân lực chất lượng. Đó là những nhóm giải pháp nhằm phát triển GDNN trong Đề án “Nâng cao và phát triển chất lượng GDNN đến năm 2025” mà Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu các trường chú trọng thực hiện.
Tại Trường CĐ Kỹ nghệ II, TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết hướng đổi mới đào tạo của trường là xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp trình độ trong cùng ngành nghề hoặc với các ngành nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân (ưu tiên liên thông giữa sơ cấp lên các trình độ cao hơn). Đây cũng là chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH, được trường bắt tay thực hiện từ nhiều năm nay. Ngoài ra, trường còn thực hiện chuyển giao đồng bộ các chương trình cấp độ quốc tế trên cơ sở đánh giá thí điểm, nhân rộng đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã chuyển giao cho hệ thống GDNN dựa trên bảng tổng kết đánh giá kết quả thí điểm. Bên cạnh đó xây dựng các bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo thì cũng cần đổi mới công tác tổ chức, quản lý và phương pháp đào tạo. TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo, TP.HCM) cho rằng đổi mới công tác tuyển sinh là việc cần làm ngay, dù muộn, đặc biệt trong bối cảnh tuyển sinh GDNN khó như hiện nay. Theo đó, các cơ sở GDNN được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo.
“Muốn phát triển GDNN cần hình thành hệ thống hướng nghiệp, tư vấn về GDNN tại các trường THCS-THPT, cơ sở GDNN; nghiên cứu và triển khai các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực GDNN”, PGS.TS Cao Văn Sâm (Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội) nói. |
Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN của Bộ LĐ-TB&XH cũng đề cập đến giải pháp các cơ sở GDNN được tuyển sinh nhiều lần trong năm, được tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa hai phương thức trên. Về đổi mới tổ chức, quản lý và phương pháp đào tạo trong đề án này cũng được đại diện các trường đánh giá cao. Theo đó, tổ chức đào tạo được thực hiện theo niên chế, phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ, hướng tới đào tạo theo tín chỉ (có những quy định chuyển đổi giữa mô đun, mô học và tín chỉ), phù hợp với khung trình độ quốc gia đã được Chính phủ ban hành.
Không phải thi tốt nghiệp cuối khóa
Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức, TP.HCM) đề xuất đổi mới việc xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng đối với chương trình đào tạo tích lũy mô đun, tín chỉ theo quy định của chương trình thì được cấp bằng, không phải thi tốt nghiệp cuối khóa. Ông Cường cũng đánh giá cao giải pháp đổi mới quản lý GDNN là người tốt nghiệp trình độ CĐ được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành. Người học các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài được cấp hai bằng (Việt Nam và bằng của nước chuyển giao chương trình).
Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng GDNN, đó là trước hết cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động từ khâu xác định yêu cầu ra đề thi gắn với kỹ năng của ngành nghề, năng lực tự chủ chịu trách nhiệm đến kiến thức, thái độ nghề nghiệp cần đưa vào đề thi, kiểm tra.
PGS.TS Cao Văn Sâm (Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội) khẳng định, để đổi mới tổ chức quản lý GDNN, việc cần làm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp, giáo viên cơ sở GDNN các nội dung kiến thức về quản lý, đảm bảo chất lượng theo xu hướng hội nhập quốc tế. Thí điểm một số mô hình quản lý hiện đại theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp tại một số trường TC-CĐ được ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao và nhân rộng hệ thống. Đồng thời hình thành hệ thống hướng nghiệp, tư vấn về GDNN tại các trường THCS-THPT, cơ sở GDNN; nghiên cứu và triển khai các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực GDNN.
T.Anh
Bình luận (0)