Nhóm hát cũ thiếu sáng tạo, thiếu thể nghiệm mới trong khi nhóm hát mới hoạt động chập chờn. Điều này khiến cho hình ảnh nhóm hát trên thị trường âm nhạc không nhiều màu sắc và sôi động như các năm trước
Không nhân tố mới, lượng nhóm hát tồn tại trên thị trường nhạc Việt hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng nói hơn, như nhận xét ví von của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, hoạt động leo lét như ngọn đèn đang cạn dầu, các nhóm hát ngày càng suy yếu dần và đang có nguy cơ tắt hẳn.
“Ngủ đông”
Thực tế cho thấy hiện tượng bùng nổ nhóm hát như những năm trước đã không còn trên thị trường âm nhạc gần đây. Đó chính là lý do vì sao quanh đi quẩn lại là những cái tên: 5 Dòng kẻ, Mắt Ngọc, Mây Trắng, Mặt Trời Đỏ, Mặt Trời Mới, Nhật Nguyệt… thống trị trong các chương trình biểu diễn.
Thế nhưng, cũng nằm trong vòng chi phối của sự suy thoái kinh tế, thậm chí nặng nề hơn bởi chi phí cho một nhóm hát thường cao hơn nhiều so với ca sĩ hát đơn nên không những sự xuất hiện của nhóm hát trong nhiều chương trình biểu diễn bị hạn chế mà hầu như các dự án âm nhạc của một nhóm hát trở thành của “hiếm”.
Trong đó, nhóm hát 5 Dòng Kẻ đành phải lỡ hẹn với công chúng về một album CD và một live show kỷ niệm 10 năm theo nghiệp hát. Dù rất tâm huyết và mọi kế hoạch chuẩn bị cho live show (ý tưởng, kịch bản) đã hoàn thành, thậm chí còn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhưng kế hoạch đành kết thúc trên bàn giấy bởi thiếu kinh phí. Dẫu vậy, 5 Dòng Kẻ vẫn còn có được ca khúc Trái tim âm nhạc (sáng tác của Bảo Lan) xuất hiện trong năm qua, được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Nhóm 5 Dòng Kẻ vẫn giữ được đẳng cấp hàng đầu của mình (ảnh do nhóm cung cấp) |
Cùng chung số phận ít xuất hiện là Mặt Trời Đỏ và Mặt Trời Mới. Đúng như nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, sự nhàm chán trong phong cách biểu diễn mà nguyên nhân là việc khủng hoảng ca khúc (kho ca khúc dân gian đương đại không dồi dào như nhạc trẻ) khiến cho thương hiệu Mặt Trời Đỏ, Mặt Trời Mới ngày càng nhạt trong lòng công chúng.
Đó là chưa kể sự luẩn quẩn trong đường lối phát triển (chuyển hẳn sang khí nhạc hay biểu diễn cùng nhạc cụ dân tộc) khiến cho phong độ của cả hai nhóm hát này chưa thật ổn định. Cũng nằm trong xu hướng phát triển dân gian đương đại là nhóm hát Cỏ lạ.
Tuy nhiên, sự khu biệt phạm vi hoạt động của Cỏ lạ, mà nguyên nhân là không xác định kế hoạch phát triển thương hiệu, khiến những buổi diễn của Cỏ lạ chỉ nằm trong khuôn khổ phục vụ giao lưu văn hóa là chính. Đó chính là lý do dù Cỏ lạ rất được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng họ vẫn là những người lạ với đại đa số khán giả yêu nhạc.
Đất diễn nhiều nhưng chưa ấn tượng
Dễ dàng thấy vị trí độc tôn của các nhóm hát Mắt Ngọc, Mây Trắng và Nhật Nguyệt trong những chương trình biểu diễn cần có những nhóm hát cho thêm sắc màu. Thế nhưng, không khó để nhận thấy Mây Trắng hay Mắt Ngọc của hiện tại không khác mấy so với 10 năm trước.
Vẫn cách hát thiên về đồng ca hơn là xây dựng bè cho tiết mục biểu diễn của mình. Trong khi đó, ngoài khả năng vũ đạo tốt thì Nhật Nguyệt, sau một thời gian dài ra mắt, vẫn chưa thể chinh phục khán giả về chất lượng chuyên môn. Đó là chưa kể nguy cơ tách nhóm của các thành viên luôn hiện diện.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới, những nhóm hát đông đúc (ít nhất là 5 người) đang manh nha phát triển rầm rộ trong thời gian tới bởi ưu điểm nổi trội về hiệu ứng khuấy động sân khấu. Tất nhiên, những nhóm hát kiểu này không đòi hỏi phải hát hay hoặc khả năng dựng bè tốt. Chỉ cần xinh xắn, trang phục đẹp và vũ đạo tốt là ổn”.
Mới ở tính thể nghiệm
Không xuất hiện dồn dập, không có nhiều “đất diễn” như Mắt Ngọc, Mây Trắng… nhưng Microwave, Unlimited là hai nhóm nhạc được nhắc đến khá nhiều thời gian gần đây. Xuất thân là ban nhạc rock nhưng sự năng nổ trong việc dung hòa giữa cái khó của rock với phong cách pop phổ biến đã đưa Microwave ngày càng đến gần hơn với công chúng phổ thông.
Trong khi đó, Unlimited lại tạo dấu ấn bằng những thể nghiệm táo bạo với rock symphony (chơi rock trên nền nhạc giao hưởng).
Thùy Trang (Theo nlđo)
Bình luận (0)