Kết quả điều tra cho thấy hơn 14.140 tài khoản đã cài đặt phần mềm nghe lén ptracker mà nhóm kỹ sư, nhân viên công nghệ thông tin này xây dựng để theo dõi, nghe lén người khác.
Bị cáo Nguyễn Việt Hùng (đứng đầu) và đồng phạm hầu tòa sáng 7-5 – Ảnh: Tâm Lụa
Ngày 7-5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử vụ án xây dựng, phát tán phần mềm nghe lén điện thoại do Nguyễn Việt Hùng – phó giám đốc phụ trách mảng công nghệ thông tin của Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (trụ sở tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) – cùng đồng phạm thực hiện.
Xét hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm, gây hoang mang trong xã hội, tòa tuyên phạt Nguyễn Việt Hùng 24 tháng tù giam.
Đồng phạm của Hùng là Lê Thanh Lâm (34 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin) lãnh 20 tháng tù nhưng được cho hưởng án treo cùng về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Cùng tội danh nêu trên, năm bị cáo còn lại trong vụ án phải lãnh từ 12-15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6-2013 sau thời gian kinh doanh thiết bị giám sát hành trình ôtô cho khách hàng là tổ chức, công ty có nhu cầu định vị, xác định vị trí nhân viên, Hùng đã nảy sinh ý định viết phần mềm định vị cài vào điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Androi để quản lý, nghe lén điện thoại.
Thực hiện ý tưởng này, Hùng đã liên hệ với Lê Thanh Lâm để thuê viết phần mềm với giá 5 triệu đồng. Lâm đã xây dựng và phát triển phần mềm giám sát điện thoại dựa trên một số mã nguồn mở chạy trên hệ điều hành Android, được Lâm tải trực tiếp trên mạng Internet về.
Tháng 8-2013, Hùng tiếp tục đưa ra ý tưởng muốn phát triển thêm các tính năng bổ sung vào phần mềm giám sát điện thoại như ghi âm cuộc gọi đi, đến, lấy tin nhắn, ghi âm xung quanh, chụp ảnh, quay phim, lấy lịch sử lướt web, lấy danh bạ điện thoại…
Thoải mái nghe lén nhờ phần mềm ptracker Theo đó, người dùng sẽ cầm máy điện thoại cần giám sát, truy cập vào trang web của công ty và tải phần mềm về máy. Phần mềm ptracker cho phép người sử dụng ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài phần mềm giám sát bằng tin nhắn tới điện thoại này. Các tin nhắn này không hiển thị trên máy bị giám sát. Tất cả các dữ liệu như tin nhắn, cuộc gọi đi, cuộc gọi đến, âm thanh, ghi âm xung quanh đều được lưu lại trên trang web của Công ty Việt Hồng. |
Sau khi Lâm hoàn thành phần mềm, Hùng đã tuyển thêm nhiều nhân viên về Công ty Việt Hồng, trong đó có Lâm (lương 15 triệu đồng/tháng) để quảng bá, bán phần mềm này.
Các nhân viên khác có nhiệm vụ giúp Lâm hoàn thiện phần mềm ptracker có chức năng xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim chụp ảnh, bật tắt 3G/GPRS…
Hùng cũng thuê nhiều nhân viên thiết kế giao điện web để quảng cáo phần mềm, cài đặt, tư vấn cho khách hàng cách cài đặt phần mềm vào điện thoại.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định đã có hơn 14.140 tài khoản từng cài phần mềm giám sát ptracker, số tiền Công ty Việt Hồng thu từ dịch vụ trên là hơn 999 triệu đồng.
Đối với nhóm người mua phần mềm ptracker của Công ty Việt Hồng, cơ quan điều tra chưa xác minh hết nên đã tách tài liệu liên quan đến nhóm người mua để tiếp tục điều tra xử lý sau.
Tại phiên tòa Hùng khai sau khi mất điện thoại di động, bị cáo bị mất luôn những thông tin lưu trữ trong máy nên đã nghĩ ra việc cài một phần mềm đặc biệt vào điện thoại để lưu giữ thông tin.
Khai trước tòa, bị cáo Hùng cho rằng khi xây dựng và bán phần mềm chỉ nhằm mục đích phục vụ cuộc sống, để bố mẹ giám sát con cái chứ không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
TÂM LỤA (TTO)
Bình luận (0)