Làm rõ nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm trong nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về tố chất đối với nhóm ngành sư phạm… là những chia sẻ được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 với chủ đề “Nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn – sư phạm” tổ chức mới đây.
Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Văn Hiến tổ chức.
Đứng thứ 3 trong tổng thị trường lao động
Thông tin chung về nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho hay, đây là nhóm ngành được nhiều trường đào tạo ở nhiều bậc học khác nhau, có sự đa dạng về ngành nghề như tâm lý, báo chí – truyền thông, ngôn ngữ, du lịch… “Ở mỗi trường sẽ có mức điểm, chỉ tiêu khác nhau. Khi quan tâm đến ngành nào, các em nên tìm hiểu thật kỹ, sử dụng nhiều phương thức xét tuyển phù hợp để tăng cơ hội học tập tại ngành đó. Chọn môi trường ĐH tư thục hay công lập không quan trọng, mà quan trọng là chọn được ngành phù hợp sở thích, năng lực bản thân và điều kiện tài chính gia đình”, TS. Mai nói. Riêng đối với nhóm ngành sư phạm, TS. Mai cho biết đây là nhóm ngành cùng với nhóm ngành sức khỏe Bộ GD-ĐT yêu cầu ngưỡng xét tuyển đầu vào với chủ trương nâng cao chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đầu ra. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bổ sung thêm, hiện nay nhóm ngành sư phạm vẫn được miễn học phí, tuy nhiên trong thời gian tới, có thể sinh viên học nhóm ngành này sẽ phải đóng học phí như các ngành khác.
Trao đổi về nhu cầu nhân lực đối với nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định, khoa học xã hội nhân văn là nhóm ngành đứng thứ 3 trong tổng thị trường lao động, song hành cùng với nhóm ngành khoa học tự nhiên. Trong danh mục đào tạo, nhóm ngành này hiện chia ra 5 lĩnh vực chính gồm: Ngoại ngữ, xã hội (công tác xã hội, tâm lý học, xã hội học), truyền thông kết cấu kinh tế (Đông phương học, Nhật Bản học, Việt Nam học), lịch sử, du lịch nhà hàng khách sạn bao gồm cả nhân sự. Còn với nhóm ngành sư phạm (bao gồm cả sư phạm kỹ thuật), ông Tuấn cho hay, đây là nhóm ngành ngoài trí tuệ, kiến thức đòi hỏi phải có tư duy, cảm xúc để vận hành, vì vậy robot khó thay thế nhất. “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng kết nối với công nghệ, kết nối toàn cầu. Trong đó kỹ năng, ngoại ngữ sẽ là kết cấu trong tất cả các ngành nghề. Các nhóm ngành liên quan đến khoa học xã hội nhân văn dù có tính chuyên biệt nhưng đan xen được với rất nhiều ngành và cũng sẽ chuyển đổi theo hướng đó. Hiện tại, ở những ngành về du lịch nhà hàng khách sạn (nhất là hướng dẫn viên quốc tế, công tác xã hội), bảo tàng, thư viện, lịch sử đang thiếu hụt trầm trọng về nhân lực. Tuy nhiên không phải các ngành này không có sinh viên theo học mà số sinh viên ra trường không đáp ứng được về yếu tố ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm…”, ông Tuấn chỉ ra.
Nhiều cơ hội nghề nghiệp
Trước câu hỏi về cơ hội việc làm trong ngành xã hội học, ThS. Nguyễn Duy Hải (Trưởng khoa KHXH&NV, Trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ, xã hội học là ngành đặc thù, cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực xã hội. Tại Trường ĐH Văn Hiến, ngành này được đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, với nhiều học phần mang tính chất thực hành cao thông qua 2 lĩnh vực chuyên sâu: Xã hội học truyền thông báo chí và xã hội học truyền thông xã hội. “Cơ hội việc làm rất rộng từ phóng viên, biên tập viên đến chuyên viên điều tra số liệu, nhân sự, nghiên cứu… Người học có cơ hội thử sức trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, phải tìm ra lĩnh vực nào phù hợp nhất với bản thân”, ThS. Hải cho biết.
Giải đáp câu hỏi của một học sinh: “Ngành tâm lý tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM có tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ không?”, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết, ngành này cũng giống như tất cả các ngành khác trong hệ thống đào tạo của ĐHQG TP.HCM, đa phần đều sử dụng 2 phương thức cơ bản là xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Phương thức xét học bạ chỉ áp dụng cho đối tượng là học sinh giỏi 3 năm liền tại một số trường THPT trên cả nước. Với băn khoăn về ngành đào tạo chất lượng cao, TS. Mai cho hay, đây là xu hướng đào tạo phổ biến, song song chương trình đại trà. Thông thường chương trình đào tạo này có mức học phí cao từ hai lần trở lên so với các chương trình đại trà, tùy theo chương trình chất lượng cao bằng tiếng Việt hay tiếng Anh.
Tại Trường ĐH Văn Hiến, trong nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn, theo ThS. Nguyễn Duy Hải, các ngành ngôn ngữ, Đông phương học, xã hội học, tâm lý được nhiều người học lựa chọn. Năm 2020, các ngành này được xét tuyển theo 4 phương thức: Điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và xét tuyển thẳng. Đồng thời, trường cũng dành nhiều suất học bổng hỗ trợ tân sinh viên trong năm học tới. Riêng phương thức xét bằng học bạ, thí sinh có thể lựa chọn một trong 3 cách xét tuyển sau: tổng điểm 3 môn xét tuyển trong 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11, 1 học kỳ lớp 12) đạt từ 18 trở lên; tổng điểm trung bình 3 môn xét tuyển trong 2 học kỳ lớp 12 cộng điểm ưu tiên khu vực đạt từ 18 trở lên; tổng điểm trung bình chung lớp 12 đạt từ 6 trở lên.
“Gỡ rối” cho một số học sinh với băn khoăn “nhút nhát, sợ đám đông có theo học ngành sư phạm được không?”, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) khẳng định, đám đông trong môi trường sư phạm là đám đông “rất dễ thương”. Theo TS. Tùng, đối với nhóm ngành sư phạm, chỉ cần yêu trẻ thì mỗi người sẽ có cách riêng nói chuyện với trẻ, tương tác với trẻ để gieo kiến thức và nhân cách đến các em. “Từ lòng yêu trẻ, mỗi người sẽ tự tin hơn. Vì thế, dù có nhút nhát, sợ đám đông nhưng nếu yêu trẻ, yêu nghề sư phạm thì các em hoàn toàn có thể theo được ngành này”, TS. Tùng nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)