Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhóm ngành kinh tế “nóng” trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Các sở GD-ĐT trực tiếp bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi 2014 cho các trường ĐH-CĐ

Sau một thời gian trầm lắng, khối ngành kinh tế đã có dấu hiệu “nóng” trở lại với việc thu hút đông đảo thí sinh. Ngành sư phạm cũng được nhiều thí sinh lựa chọn…
Qua bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2014 từ các sở GD-ĐT cho các trường ĐH-CĐ phía Nam ngày 12-5 cho thấy số lượng hồ sơ đăng ký năm nay giảm đồng loạt tại các tỉnh thành.
Mỗi học sinh nộp chưa tới 2 hồ sơ
Thống kê ở sở GD-ĐT các tỉnh cho thấy, năm nay khó kiếm thí sinh “rải” từ 3 đến 4 hồ sơ. Bình quân mỗi em nộp chưa tới 2 bộ. Bên cạnh vấn đề lệ phí thì, nguyên nhân được các sở đề cập nhiều chính là việc thí sinh đã có phần “chín chắn” hơn trong lựa chọn ngành nghề. Số lượng hồ sơ “ảo” giảm cũng lí giải cho việc giảm mạnh lượng đăng ký dự thi tại các tỉnh thành năm nay. Mỗi tỉnh giảm từ 1.000 đến vài ngàn bộ. Riêng TP.HCM con số giảm lên đến 19.000.
Đơn cử, lượng hồ sơ đăng ký dự thi nộp tại Sở GD-ĐT Đồng Nai năm nay giảm 6.250 bộ (khoảng 13% so với năm trước). Các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận cùng giảm khoảng 1.000 hồ sơ. Khu vực Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng giảm đến 4.000. Trong khi đó, nằm ngoài xu hướng chung, Cần Thơ năm nay có trên 21.300 hồ sơ đăng ký, tăng nhẹ so với năm trước. Ông Lâm Đức Thành (Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Cần Thơ) giải thích rằng có tình trạng thí sinh nộp dự trù nhiều hồ sơ để xem tỷ lệ “chọi” ngành nào thấp sẽ lựa chọn.
Kinh tế “nóng” trở lại
Sau một thời gian trầm lắng, nhóm ngành kinh tế năm nay đã “tăng nhiệt” trở lại, thu hút đông đảo thí sinh. Ông Huỳnh Văn Sý (Trưởng phòng GDTXCN Sở GD-ĐT Phú Yên) dẫn chứng thực tế tại địa phương, lượng hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay bất ngờ giảm hàng trăm bộ trong khi số đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng lên. Nhiều thí sinh ở đây quan niệm, học khối ngành kỹ thuật cực nhọc, vất vả mà thu nhập sau khi ra trường lại không cao. Trong khi đó, nhóm ngành kinh tế học… nhẹ nhàng hơn mà dễ đạt mức lương như mong muốn. Những quan điểm “thực tế” này khiến học sinh có xu hướng ngả nhiều về nhóm ngành kinh tế.
Ông Lê Văn Đức (Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT Đồng Nai) cũng cho biết, lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành kinh tế khó mà thuyên giảm. Các em chỉ “luân chuyển” sự quan tâm vào các ngành khác nhau cùng thuộc lĩnh vực kinh tế thôi. Đơn cử tại Đồng Nai năm nay, ngành kế toán có phần tụt giảm hồ sơ thì ngành quản trị kinh doanh lại được thí sinh đăng ký mạnh.
Ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Tài chính – Marketing năm nay cũng có đến trên 3.000 lượt đăng ký vào. Tổng lượng hồ sơ trường nhận được năm nay tăng hơn năm ngoái gần 2.000 bộ. Tại Cần Thơ, lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành kinh tế năm nay vẫn giữ ổn định, không hề giảm xuống.
Khó kiếm việc vẫn “chen” vào sư phạm
Nhu cầu giáo viên tại nhiều địa phương hiện đã bão hòa nhưng ngành sư phạm vẫn được thí sinh rầm rộ đăng ký. Ông Đỗ Trọng Tạo (Chuyên viên Phòng GDCN Sở GD-ĐT Lâm Đồng) phân tích, nhiều thí sinh quan tâm vấn đề được miễn học phí nên lựa chọn vào các ngành sư phạm. Đó là một phần lý do nhu cầu giáo viên không còn nhiều nữa nhưng thí sinh vẫn đăng ký.
Tại Phú Yên, ông Huỳnh Văn Sý cũng cho biết, năm nay địa phương không khuyến khích học sinh lựa chọn ngành sư phạm nhiều vì sinh viên mới ra trường chưa có việc vẫn còn lượng dư khá lớn. Thế nhưng, con số đăng ký thi sư phạm năm nay vẫn không giảm. Tại Ninh Thuận, lượng hồ sơ đăng ký vào hai trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn vẫn chiếm áp đảo. Đồng Nai cũng có lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm rất đông.
TP.HCM cũng không ngoại lệ, năm nay, chỉ thông qua tuyến sở đã có gần 5.200 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng có gần 2.000 lượt…
Bài, ảnh: M.Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)