Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút nhiều thí sinh dự thi nhất

Tạp Chí Giáo Dục

"Nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút nhiều thí sinh dự thi nhất, kế đến là nhóm ngành công nghệ, du lịch…; việc mở rộng khối thi và tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tạo nhiều cơ hội lựa chọn cũng như trúng tuyển cho các em học sinh", Ông Nguyễn Quốc Cường (ảnh) – chuyên viên tư vấn của Bộ GD-ĐT (Văn Phòng 2, TP.HCM) chia sẻ với chúng tôi.

* Cùng với những điểm thay đổi mới, lệ phí tuyển sinh 2010 cũng tăng so với năm 2009, ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

– Theo thông tư liên tịch số: 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT liên Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT ban hành ngày 11/2/2010 thì lệ phí tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và TCCN bao gồm lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi sẽ tăng 20.000đ/hồ sơ. Cụ thể, lệ phí ĐKDT vào các trường ĐH,CĐ và TCCN là 50.000đ/hồ sơ; lệ phí dự thi là 30.000đ/hồ sơ. Đối với các trường có tổ chức sơ tuyển, lệ phí dự thi các môn năng khiếu như sau: sơ tuyển đối với những ngành năng khiếu là 100.000đ/hồ sơ, sơ tuyển đối với các ngành khác là 40.000đ/hồ sơ, lệ phí dự thi năng khiếu là 200.000đ/hồ sơ. Mức lệ phí này bao gồm tất cả các môn thi. Phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học và trung cấp chuyên nghiệp thu bằng tiền Việt Nam (VNĐ). Phí dự thi nộp cùng với phí đăng ký dự thi để chuyển cho cơ Sở GD-ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi; phí xét tuyển nộp cùng với hồ sơ đăng ký xét tuyển để chuyển cho cơ Sở GD-ĐT nơi thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với những cơ Sở GD-ĐT có tổ chức sơ tuyển trước khi thi chính thức thì thí sinh chỉ phải nộp phí dự thi sau khi trúng vòng sơ tuyển.

* Cấu trúc, nội dung đề thi là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh. Kỳ tuyển sinh 2010, hai nội dung này có gì thay đổi, thưa ông?

– Đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: phần chung cho tất cả các thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một trong 2 phần riêng thích hợp để làm bài, nếu làm cả 2 phần riêng thì cả 2 phần riêng đó đều không được chấm. Đối với các môn ngoại ngữ, đề thi chỉ có phần chung dành cho tất cả các thí sinh ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.

* Theo ông, trong kỳ tuyển sinh 2010 ngành học nào sẽ thu hút nhiều thí sinh dự thi?

– Thực tế công tác tuyển sinh trong những năm qua cho thấy: Nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút nhiều thí sinh dự thi nhất, kế đến là nhóm ngành công nghệ, du lịch…dự báo thị trường lao động cho thấy nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho các nhóm ngành trên ở nước ta vẫn còn thiếu rất nhiều, do vậy khả năng sẽ có nhiều thí sinh chọn các nhóm ngành này.

* Vài chia sẻ của ông đối với các sĩ tử trước mùa tuyển sinh?

– Khi chọn ngành nghề, các em nên xem xét kỹ về năng lực bản thân có phù hợp với các nghề này không, nhu cầu xã hội trong thời gian tới như thế nào. Việc xác định nghề nghiệp tương lai rất quan trọng nên phải thật sự cân nhắc, tránh chạy theo phong trào ví dụ như: thấy bạn đăng ký ngành này mình cũng đăng ký theo. Bên cạnh đó, các bạn phải chuẩn bị thật tốt kiến thức cho mình, nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài …
Xin cám ơn ông!

P.Hậu (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)