Nhóm ngành y dược hiện đang rất thu hút thí sinh tham gia xét tuyển NV bổ sung |
Nửa chặng xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung đợt đầu tiên, những quan tâm của thí sinh và phụ huynh vẫn đổ dồn vào nhóm ngành y dược. Nhất là sau NV1, nhiều thí sinh không “chen” nổi vào trường công vì điểm xét tuyển quá cao.
Vừa qua, chương trình tư vấn xét tuyển NV bổ sung 2013 “Cùng bạn quyết định tương lai: Hiểu đúng mình – chọn đúng nghề – làm đúng đam mê” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp kênh VTV9 thực hiện tại TP.HCM tiếp tục đem đến nhiều thông tin mới nhất về ngành nghề cho thí sinh.
“Phủ sóng” rộng
Sau khi không vào được nhóm ngành y dược ở NV1 bởi điểm xét tuyển rất cao, các thí sinh vẫn tìm cơ hội theo đuổi đam mê ở những trường ngoài công lập và hệ thấp hơn là CĐ.
Ở bậc CĐ, đây là năm đầu tiên Trường CĐ Viễn Đông bắt đầu tuyển sinh ngành điều dưỡng. Giải đáp thắc mắc của một thí sinh về cơ hội xét tuyển vào ngành điều dưỡng với mức điểm 12 (khối B), ThS. Phan Thị Thanh Hương (phụ trách công tác đào tạo của nhà trường) cho biết, khởi điểm xét tuyển ngành này tại trường đối với khối B chỉ bằng mức sàn CĐ. Ở mức điểm 12, thí sinh có thể có cơ hội học tập ngành điều dưỡng. Cũng theo ThS. Hương, với mức điểm bằng sàn CĐ, các thí sinh còn có cơ hội tham gia xét tuyển vào 9 ngành nghề khác.
Thí sinh Nguyễn Thiên Ngân (TP.HCM) cho biết rất yêu thích ngành điều dưỡng nhưng lại phân vân vì điểm số của em có cơ hội đậu vào nhiều ngành nghề hấp dẫn khác. TS. Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) khuyến khích, nếu có đam mê thì thí sinh nên quyết tâm theo đuổi ngành đã lựa chọn. Ngành điều dưỡng hiện là một trong những ngành chăm sóc sức khỏe có mức độ “phủ sóng” rất rộng. Tại Trường CĐ Bách Việt, hiện ngành dược đã tuyển đủ lượng chỉ tiêu. Ngành điều dưỡng vẫn tiếp tục “chào đón” thí sinh ở NV bổ sung.
Liên quan đến mối băn khoăn lớn của người học về vấn đề “đầu ra” của ngành điều dưỡng, ông Dương Duy Khải (đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, bên cạnh nhu cầu việc làm trong nước, người học cần chú ý trang bị thêm cho mình một ngoại ngữ nhất định để có điều kiện tham gia thị trường lao động nước ngoài. Được biết, gần đây do đặc thù dân số già đi và khan hiếm nhân lực nên Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành tuyển dụng một số lượng nhân viên điều dưỡng lớn tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh ngành điều dưỡng, ngành dược cũng đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của thí sinh tham gia xét tuyển NV bổ sung.
Chọn ngành nào, chắc ngành đó
Hiện nay, cuộc đua của thí sinh tranh suất vào NV bổ sung đang diễn ra khá căng thẳng. Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) khuyến cáo, hiện các trường công như ĐH Sài Gòn, ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… đã nhận được rất nhiều hồ sơ. Thí sinh hết sức cân nhắc và nên theo dõi diễn biến số hồ sơ đăng ký được cập nhật trên website của các trường để có được lựa chọn chính xác. Dù là NV bổ sung nhưng thí sinh cũng nên chọn ngành nghề phù hợp bản thân, nhu cầu xã hội, điều kiện gia đình. Tránh trường hợp… chọn đại cho đậu một ngành nghề rồi đến khi trúng tuyển lại muốn chuyển đổi.
Cũng theo ông Cường, hiện có nhiều thí sinh đăng ký vào ngành mà trường không xét tuyển hoặc không ghi rõ chuyên ngành, mã ngành khiến tuột mất cơ hội. Các thí sinh cần tìm hiểu kỹ để tránh sơ suất này. Việc kiên định lựa chọn ngành nghề cũng được ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhấn mạnh. Trước đó, câu hỏi của thí sinh Phan Thị Hồng Thuận (Q.3, TP.HCM) đề cập, sau khi không đậu NV1 có nên đợi đến năm sau thi lại đúng ngành mình thích hay chọn một ngành khác phù hợp mức điểm. Ông Tuấn cho rằng, việc “bám trụ” ngành nghề với quyết tâm cao là đáng khích lệ. Bởi thực tế có những em sau một năm miệt mài kinh sử với ngành nghề không yêu thích đã tỏ ra nản chí và tìm cách chuyển đổi ngành học. Tuy nhiên, nếu không đủ điểm vào ĐH, các em có thể tiếp cận ngành nghề mình yêu thích ở bậc học thấp hơn như CĐ hoặc TCCN. Hiện có nhiều doanh nghiệp chú trọng lựa chọn những người làm được việc chứ không quá đặt nặng vấn đề bằng cấp.
Ở bậc CĐ, các trường còn khá dồi dào chỉ tiêu cho NV bổ sung. ThS. Nguyễn Minh Khang (Phòng Tư vấn tuyển sinh Trường CĐ Kinh tế Công nghệ TP.HCM) cho rằng, thí sinh được phép xét tuyển cùng lúc vào nhiều ngành nghề của trường. Hiện trường đang tuyển 1.500 chỉ tiêu hệ CĐ cho 15 ngành và 1.000 chỉ tiêu hệ TCCN cho 12 ngành. Những ngành kỹ thuật môi trường, du lịch lữ hành, công nghệ sinh học, xây dựng, công nghệ vật liệu là nơi thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển. Mỗi ngành sẽ lấy khoảng 200 chỉ tiêu.
Đối với hệ nghề, ThS. Phan Bửu Toàn (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) cũng khẳng định, trường sẽ xét tuyển khoảng 700 chỉ tiêu cho 3 ngành quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch. Riêng ngành hướng dẫn du lịch, học phí khoảng 10 triệu/năm, chia thành 6 lần đóng.
Có điểm thi 14 điểm khối A, một thí sinh ở Bình Phước bày tỏ sự quan tâm đến khối ngành kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai. ThS. Hoàng Văn Phúc (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai) nhận định, ở khối A, trường lấy mức điểm bằng sàn cho tất cả các ngành xét tuyển bổ sung. Lĩnh vực kỹ thuật, thí sinh đạt 14 điểm có cơ hội học tại các ngành như công nghệ thông tin, điện tử… Khối D1, ngành công nghệ ô tô trường xét tuyển 40 chỉ tiêu với mức điểm bằng sàn.
Cũng với mức điểm bằng sàn khối A, thí sinh có cơ hội học tập ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng công trình của Trường ĐH Tây Đô cũng như ở nhiều ngành nghề khác.
Bài, ảnh: M.T
Bình luận (0)