Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhóm soạn thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi lên tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gần 1 tháng đưa ra Dự thảo thông tư về việc ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (CPTT) gây xôn xao dư luận xã hội, ngày 27-2, nhóm tác giả biên soạn đã có trao đổi chính thức những thông tin về căn cứ khoa học của việc xây dựng và sử dụng CPTT.
Xây dựng CPTT dựa vào đâu?
Theo nhóm tác giả, CPTT VN được xây dựng căn cứ vào các cơ sở khoa học.  Như vậy, chuẩn phát triển trẻ, một mặt phải phản ánh những gì trẻ biết và trẻ có thể làm được, nhưng mặt khác nội dung của CPTT phải dựa trên các kỳ vọng mang tính quốc gia về những điều mà trẻ em của quốc gia phải biết và làm được tại độ tuổi xác định nào đó.
Việc xây dựng CPTT cũng căn cứ vào việc xem xét một số bộ tiêu chí và công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ, một số văn bản về GDMN thời kỳ đổi mới, nghiên cứu cơ sở khoa học liên quan đến GDMN, đặc biệt là mục tiêu giáo dục trẻ MN hiện nay ở VN có thể xây dựng hệ thống các chỉ số cụ thể về mức độ phát triển của trẻ phù hợp với mục tiêu giáo dục ở từng độ tuổi. Theo các nhà soạn thảo, 4 lĩnh vực phát triển của trẻ liên quan chặt chẽ với nhau. Sự phát triển ở lĩnh vực này ảnh hưởng và phụ thuộc vào sự phát triển ở những lĩnh vực khác và không có lĩnh vực nào quan trọng hơn lĩnh vực nào.
Bên cạnh đó là kết quả nghiên cứu thực tiễn của CPTT được xác định thông qua 2 đợt nghiên cứu tính xác thực về nội dung và độ tuổi, nhằm khẳng định các chỉ số phản ánh chính xác những gì trẻ em biết và có thể làm. Đồng thời, CPTT nhận được sự góp ý của các chuyên gia hướng dẫn xây dựng.
Một nghiên cứu nữa là nghiên cứu đánh giá tính xác thực về độ tuổi nhằm xác định và lựa chọn ra những chỉ số phù hợp với sự phát triển của phần lớn trẻ 5 tuổi VN. Có nghĩa là xác định xem các chỉ số có quá dễ, quá khó hay phù hợp với đa số trẻ trong độ tuổi mà CPTT đề cập. 
Sử dụng CPTT để làm gì?
Theo nhóm soạn thảo, CPTT được xây dựng với 4 mục đích sử dụng cơ bản sau: 1. Hỗ trợ cải thiện phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ cho giáo viên mầm non. 2. Cải thiện công tác đào tạo giáo viên. 3. Tăng cường cải thiện kỹ năng và hành vi của các bậc phụ huynh. 4. Nâng cao kiến thức cộng đồng về sự phát triển của trẻ em.
Nhóm soạn thảo khẳng định CPTT không phải là một danh mục liệt kê thật đầy đủ các bằng chứng về sự phát triển của trẻ. Có thể có những chỉ số phát triển cùng phản ánh một phần nội dung của chuẩn này hay chuẩn kia; không dùng để xếp loại trẻ; không dùng như bộ công cụ để trực tiếp đánh giá trẻ. Chính vì vậy, CPTT cần được sử dụng đúng đắn, hợp lý và đúng với các mục đích đề ra khi xây dựng chúng.
Chủ yếu CPTT được xây dựng để gia đình và những người làm việc với trẻ sử dụng. Cần sử dụng CPTT để thúc đẩy sự phát triển của trẻ, định hướng thiết kế chương trình GDMN, điều chỉnh các hoạt động giáo dục… giúp trẻ phát triển tối đa. Không nên coi CPTT như một công cụ để đánh giá, trừng phạt trẻ hoặc chỉ trích giáo viên. Khi sử dụng CPTT phải lưu ý để không một trẻ nào cảm thấy mình bị thất bại.
CPTT cần được đánh giá lại và cập nhật ít nhất có thể là 5 năm một lần để đảm bảo luôn phù hợp với sự phát triển của trẻ và sự mong đợi của xã hội. Để đảm bảo sử dụng và thực hiện CPTT một cách tối ưu, cần hỗ trợ về kỹ thuật và các nguồn lực một cách đầy đủ và rõ ràng cho người sử dụng.
Nhóm soạn thảo cũng nhấn mạnh lại rằng, trẻ không phải tự nhiên đạt được CPTT một cách dễ dàng. Sự phát triển của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và tác động giáo dục của những người xung quanh trẻ. Do đó nếu CPTT được xây dựng khoa học mà trẻ chưa đạt tới thì người lớn không vì thế mà lo lắng, trái lại cần tìm cách tác động giáo dục phù hợp giúp trẻ đạt được những chuẩn mong đợi.
Theo HẠNH NGÂN – Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)