Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nhộn nhạo đào tạo lái xe ô-tô

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ I Học giả lĩnh bằng thật "Bằng mọi giá có bằng lái xe ô-tô" đã và đang trở thành một thứ "mốt" đối với không ít người trong những năm gần đây. Và để đáp ứng nhu cầu xã hội, các trung tâm đào tạo lái xe cũng mọc lên như nấm ở khắp nơi. Với những cuộc chạy đua lợi nhuận, nhiều trung tâm đã cắt xén giờ học, tăng số lượng học viên và cuối cùng là cấp bằng thật cho không ít người học hành lõm bõm, không hiểu luật, tay lái yếu, thiếu đạo đức. Ðể rồi, xảy ra rất nhiều chuyện thương tâm, nhức nhối cho xã hội…


Sát hạch tay nghề.  

Từ "rút ruột" chương trình học…
Trong vai người đi xin học, tôi tìm đến nhiều trung tâm đào tạo lái xe ô-tô và đều được "đón tiếp" rất nhiệt tình. Ngay cửa các trung tâm đó, người bán hàng nước cũng đóng vai trò là "cò mồi", làm trung gian giữa người học và… các thầy. Tất nhiên họ sẽ được hưởng tiền phần trăm và khoản "hậu tạ" của người học. Hỏi mức lệ phí, cả nhân viên trung tâm, "cò mồi" và các thầy đều có thể nói rất rành rẽ mức tiền các hạng. Cụ thể: học bằng B1, B2 theo đúng quy trình thì mức lệ phí và chi phí phát sinh dao động từ năm đến bảy triệu đồng, "trọn gói" và "chống trượt" hết khoảng 12 triệu đồng. Nhiều trung tâm tạo điều kiện cho thí sinh học theo ý muốn nên có những lớp "siêu tốc", từ lúc học đến lúc thi chỉ 10 ngày, mức phí trọn gói là 15 triệu đồng. Chương trình học ghi rõ các nội dung học lý thuyết, thực hành trong sa hình và ngoài đường trường với những giờ học cụ thể. Trong đó, học lý thuyết, thí sinh được học luật, đạo đức và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Nhưng nhờ "quan hệ" với các thầy dạy, chương trình học của thí sinh sẽ được rút bớt, vừa đỡ tốn sức thầy, vừa tiết kiệm thời gian cho trò. Thời gian còn lại, trò mời thầy đi… uống bia!
Ðến bãi tập Nhật Tân (đóng trên địa bàn phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), vừa dừng xe, một người bán hàng nước đã săn đón và giới thiệu vài thầy giáo để tôi chọn. Một thầy giáo được cho là dễ tính còn mời tôi ngồi lên xe đi thử nửa vòng trong sa bàn, hướng dẫn cách đi để "nếu sướng thì cứ đăng ký đi học". Thậm chí, người này còn "khích lệ" tôi rằng, anh ta sẽ lo luôn cho tôi tấm giấy khám sức khỏe, mắt tôi cận ba độ, anh có thể hô biến thành… nửa độ (!?).
Anh Trần Tấn Ca (quận Ðống Ða, Hà Nội), người đang học ở sân tập lái Nhật Tân cho biết: "Ở đây dễ lắm, thích học buổi nào thì gọi điện trước cho thầy, kể cả buổi tối. Các thầy đều "châm chước" cho ý mà. Thời gian học lý thuyết được rút bớt, đi thi thì có thầy nâng đỡ. Nhiều cô gái trẻ còn mạnh dạn đi học để kiếm bằng…".
Hiện nay, nhu cầu học và lấy bằng lái ô-tô ngày càng tăng. Người học để lái ta-xi, người lái xe riêng, người khác chỉ cần có bằng để có thể thuê xe tự lái. Rất nhiều công chức bận bịu nhưng muốn có bằng cũng tranh thủ dùng tiền "chạy", nên có bằng mà không biết lái, không hiểu luật. Chẳng ít cô gái đua nhau đi học "rút gọn" như một thứ mốt, sau đó cầm tấm bằng trang trí cho… oai. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều người đã đầu tư mở trung tâm đào tạo, mở văn phòng đăng ký "vệ tinh" thu nhận hồ sơ, đồng thời lập cả trang báo mạng để quảng cáo, cung cấp rõ số điện thoại, địa chỉ, mức tiền học theo các cấp độ khác nhau. Tệ hại hơn, họ còn móc ngoặc với các đối tượng "cò mồi", những người có trách nhiệm chấm thi sát hạch, tạo thành "ê kíp" hoàn chỉnh, hỗ trợ nhau để tạo ra những lớp học cấp tốc và chất lượng thì… tụt dốc!
Anh Tô Sỹ Duy, một người vừa nhận bằng lái tâm sự: "Tôi chỉ phải học lý thuyết hai buổi, học thực hành vài buổi còn thời gian thì đi dã ngoại và đi ăn uống với thầy. Thật ra, chuyện học lái xe nhộn nhạo lắm, chỉ qua quýt cho xong, trung tâm thì có tiền, thí sinh thì có bằng. Ðể yên tâm ngồi sau vô-lăng, tôi phải thuê thầy dạy thêm và nhiều buổi nhờ bạn chỉ bảo thêm kinh nghiệm. Học trong trung tâm, lấy bằng, ít người ra đường tự tin lái được lắm". Giống như anh Duy, anh Hà Sơn Bình- người vừa được cấp bằng cho biết, ở trung tâm mà anh theo học, người học dùng tiền để nhờ vả thầy là phổ biến. Bản thân anh cũng chẳng phải học buổi lý thuyết nào mà cứ nộp tiền, vài hôm sau thì được gọi đi thi. Bài lý thuyết đã có người làm hộ nên không lo trượt. Theo kinh nghiệm của anh Bình, phần thi lý thuyết và kiểm tra đường trường là dễ "nhờ" thầy nhất. Phần thi sát hạch có khó hơn nhưng không phải không có cách để lách. Tất nhiên, mức độ khó khăn tương ứng với số tiền mà người học phải chi.
… đến rút ngắn sự sống
Những cuộc đua về lợi nhuận của các trung tâm đã khiến công tác đào tạo lái xe ô-tô trở nên hết sức bát nháo. Theo phản ánh của nhiều người đã được cầm bằng thì hầu hết phần lý thuyết các thầy giao cho học viên tự… "mang về nhà", số lượng học viên bị nhồi nhét, chất lượng xe và sân tập xuống cấp, nhiều học viên còn "lớ ngớ" đã phải rời xe, rời sân… Và, hầu hết những người đã đi học đều tốt nghiệp bởi họ tìm cách "bôi trơn" ngay trong quá trình học và thi. Kết quả cuối cùng là các trung tâm đào tạo kiểu ăn xổi này tạo ra các lớp học trò non kém cả hiểu biết luật, ý thức tham gia giao thông lẫn trình độ lái xe. Theo đó, khi đã có tấm bằng thì họ vô tư ra đường, thậm chí có những người cưỡi lên xe và biến nó trở thành "hung thần" trên đường, trên phố. Sau cùng, bằng rất nhiều tình huống, nhiều người điều khiển ô-tô đã cướp đi chính mạng sống của họ, gây tai nạn cho người đi đường. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm, cả nước có khoảng hơn 14 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT), cướp đi mạng sống của 10 nghìn người và làm khoảng 11 nghìn người bị thương. Mới đây nhất, vào ngày 7-11, vụ tai nạn kinh hoàng ở Bình Thuận đã cướp đi sinh mạng của 10 người, làm 28 người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế xe công-ten-nơ buồn ngủ, đã nhường tay lái cho phụ xe tên Thiên. Chỉ sau ít phút Thiên đã tông vào chiếc xe khách 54 chỗ đi ngược chiều, làm cả hai xe bốc cháy dữ dội.
Rất nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi tham gia giao thông, sợ phải chạm mặt "hung thần đường phố". Thế nhưng, sự bùng nổ của các hãng ta-xi, các hãng vận tải đường dài, các loại ô-tô cá nhân… đã làm tăng đột biến nhu cầu giấy phép lái xe (GPLX). Sau cùng là các "lò" đã cẩu thả, đào tạo ra rất nhiều tay lái thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không làm chủ tốc độ, nhấn nhầm chân phanh thành chân ga, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ…
Rõ ràng, việc "rút ruột" chương trình học đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần phối hợp, kiên quyết xử lý, không để hiện tượng này tiếp diễn. Và chỉ khi nào các cơ sở đào tạo thắt chặt đầu ra, giảm bớt tình trạng học giả lĩnh bằng thật thì sự lộn xộn, tiêu cực trong công tác đào tạo lái xe mới được kiểm soát, nâng cao chất lượng lái xe tham gia giao thông.
* Ông Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật và Ðiều tra xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ, đường sắt:
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông cho thấy rất nhiều lái xe rất kém hiểu biết về quy tắc tham gia giao thông, xử lý tình huống. Nhiều trường hợp vi phạm, chúng tôi giữ GPLX, buộc phải học lại 60 ngày, thế nhưng sau khi học lại cũng chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân của sự việc này là chương trình học luật, kỹ thuật phương tiện, ý thức đạo đức tham gia giao thông đều bị rút ngắn.
Theo PHÚ TÂY
(NDDT)

Bình luận (0)