Cảnh mua bán gia cầm chưa qua kiểm dịch tại cầu Chợ Cầu 2 (ảnh chụp sáng 8-2) |
Trong khi dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thì tại TP.HCM, gà vịt chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán công khai. Đặc biệt là từ cận Tết Nguyên đán đến nay, các “chợ” gà, vịt mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi…
Công an không muốn bắt…
Sáng 8-2, chúng tôi ghi nhận có tới 15 “shop” gà, vịt sống được bày bán ngang nhiên trên hai bên cầu Chợ Cầu 2 (ranh giới giữa quận 12 và Gò Vấp). Phần lớn các “shop” chỉ bày vài ba con gà, hoặc vịt, “shop” nào nhiều thì khoảng chục con. Tôi ghé vào một “shop” chỉ có vẻn vẹn ba con gà (hai trống, một mái). Chị bán hàng trạc 40 tuổi xách con gà mái lên và nói: “Gà mái tơ đó em, béo lắm. Mua đi, chị cắt tiết cho rồi về nhà làm”. “Chỉ có ba con thôi à, vậy làm sao tôi lựa được?”, tôi hỏi. Chị bán hàng hồ hởi trả lời: “Ba con này là để chào hàng, chứ gà của chị có cả trăm con đang nhốt gần đây thôi. Em muốn lấy bao nhiêu cũng có…”.
Cách đó khoảng 2-3 mét là “shop” của một thanh niên khoảng 19 – 20 tuổi. Anh ta có gần chục con gà cả trống lẫn mái, tất cả đều được trói chặt chân và đặt nằm dài trên mặt đất. Nhiều con gà mắt nhắm nghiền, có con mào còn tai tái, thế nhưng anh ta vẫn quảng cáo ầm ầm là: “Gà này đảm bảo 100% không nhiễm bệnh. Tôi bán ở đây mấy năm nay rồi mà có thấy khách hàng nào phản ánh là mua phải gà bệnh đâu. Chị cứ yên tâm, nếu gà bệnh tôi đền cho con khác…”.
Để tránh sự nghi ngờ của những người này, tôi bọc qua phía bên kia cầu để chụp hình. Cách chân cầu khoảng 7-8 mét là một “shop” gà và một “shop” vịt, hai “shop” cách nhau khoảng 1 mét. Tôi gửi xe dưới chân cầu và “lén lút” cầm máy chụp hình đi về phía những người bán hàng. Khi cách họ khoảng 3 mét, tôi đưa máy lên chụp. Vừa chụp xong tấm thứ nhất thì một người đàn bà khoảng 45 tuổi đi về phía tôi và nói: “Sao mấy em rảnh quá vậy, tối ngày cứ quay phim chụp hình hoài. Để cho mấy chị làm ăn với chứ. Công an họ còn không muốn bắt, cớ gì các em cứ phải chụp hình”. Rồi một người đàn bà khác chạy lại đanh đá ném vào mặt tôi và chửi những lời rất mất lịch sự. Thậm chí chị ta còn đòi tụt quần cho tôi chụp hình. Tôi chưa biết phải xử trí thế nào thì một người đàn ông chạy xe máy từ chân cầu lao lên và dựng xe hùng hổ tiến lại gần tôi rồi quát ầm ầm: “Mày chụp cái gì, tao đập chết bây giờ. Cút…”. Mặc dù đã được cảnh báo trước là những người này thuộc hạng “đầu trâu, mặt ngựa” nhưng tôi không ngờ họ dữ đến vậy…
Người tiêu dùng: “điếc không sợ súng”
Trong khi ngày nào các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin về dịch cúm gia cầm, tác hại của dịch bệnh thế nhưng người dân vẫn cứ vô tư mua gà, vịt chưa qua kiểm dịch.
Trong lúc đóng vai người mua gà tại khu vực cầu Chợ Cầu 2, tôi đã gặp chị Hoa (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp). Chị Hoa cho biết: “Gia đình tôi chỉ thích ăn gà ta mà trong siêu thị thì không có. Vả lại gà cúng thì phải mua gà sống chứ gà làm sẵn không linh. Hôm 23 tết đưa ông táo, tôi cũng mua gà ở đây. Ba ngày tết cũng ăn gà mua ở đây. Bữa nay thì mua gà cúng rằm tháng giêng. Gà cúm ở đâu thì tôi không biết chứ ở đây tôi mua bao nhiêu lần rồi mà có sao đâu…”.
Chưa đầy 10 phút đứng quan sát ở “chợ gà vịt” này, tôi nhận thấy cứ trung bình 1 phút lại có 1 – 2 người đi đường dừng lại hỏi mua gà, vịt.
Anh Hanh – tài xế xe ôm ở chân cầu Chợ Cầu 2 kể lại: “Ngày nào tôi cũng có mặt ở đây và thấy người ta mua bán tấp nập lắm. Có người bán cả chục con/ngày. Từ trước tết đến nay cảnh mua bán càng nhộn nhịp hơn nhưng cũng không thấy chính quyền địa phương đuổi bắt…”.
Tại cầu Trường Đai, cầu An Lộc (Q.Gò Vấp), cảnh những “chợ” mua bán gà vịt chưa qua kiểm dịch cũng diễn ra khá nhộn nhịp. Chiều 7-2 tại cầu Trường Đai, thấy tôi dừng xe lại, một cậu bé khoảng 14 -15 tuổi, xách hai con gà (một trống, một mái) lại tiếp thị: “Chị mua đi, em để giá rẻ cho. Gà trống 90 ngàn đồng/kg, gà mái 85 ngàn đồng/kg”… Nói chưa dứt lời, cậu ta đem gà đi cân rồi nói tiếp: “Con gà trống 1,45 kg giá 130 ngàn đồng, em bớt chị 10 ngàn, còn con gà mái 1,37 kg giá 116 ngàn đồng, em lấy chị 110. Ngoài ra còn khuyến mại chị công làm gà”. Cậu bé cũng cho biết từ 3 ngày nay, mỗi ngày cậu bán được từ 13 -15 con gà, chủ yếu là gà trống. “Ngày mai và ngày mốt số người mua còn nhiều hơn. Năm nào cũng vậy, rằm tháng giêng bán được nhiều lắm”, cậu bé khẳng định.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)