Không chỉ có Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 mới nói về tình mẹ mà có thể nói, mẹ là một bức tranh tuyệt vời, bao la như biển Thái Bình không gì có thể thay thế được. Sự thành đạt, nên người của con cái bao giờ cũng có sự hỗ trợ đắc lực của những người mẹ. Chính vì vậy, cho dù mẹ còn sống hay đã mất thì công ơn trời biển ấy vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí của những người con…
1.Bạn H.Minh (Tiền Giang) nói: “Mỗi lần nghe NS Thanh Sang nói lối rồi xuống câu vọng cổ, vai Lê Long Hồ trong vở cải lương “Tuyệt tình ca” là cổ họng tôi nghèn nghẹn, nước mắt rơi tự do… “Nhưng má à, nếu không thi được niên khóa này thì con sẽ chờ kỳ thi năm tới. Nếu thiếu tiền trường mà học hành dang dở năm nay thì con còn có đủ thời gian học hỏi cả mấy chục năm sau nữa. Chứ một mai mà má chết đi rồi thì trọn đời con hối hận. Có đốt đuốc rọi khắp trần gian cũng không sao tìm kiếm cho con một người mẹ… nhân từ…”. H.Minh xúc động kể: “Ngày nhận giấy báo thi đậu đại học, trong khi bạn bè làm tiệc ăn mừng linh đình thì tôi phải đứng trước ngã ba đường: Học tiếp hay dừng lại? Nhà tôi thời điểm ấy rất sa sút, khó khăn. Ba tôi thì sao cũng được. Nhưng mẹ thì nhất quyết: “Có bán đất mẹ cũng lo cho con ăn học”. Nhưng ở quê chỉ có mua đất thêm chứ làm gì có chuyện bán đất. Vậy là mẹ tôi đã lao vào buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi, làm mướn… để có tiền. Không đủ mẹ phải đi vay trả lãi của người cô họ xa. Cứ cuối tuần là tôi từ TP.HCM đáp xe đò về quê phụ mẹ, sẵn lại lấy gạo, thức ăn mẹ làm mang lên nhà trọ ăn để giảm bớt chi phí, hết tuần lại về!
Thương mẹ cực quá, tôi đã xin đi làm thêm. Khi tôi kiếm được tiền cũng là lúc mẹ phát hiện ra mình bị đủ thứ bệnh trong người. Mẹ đã từng ngưng thở trên tay của người dì ruột. Nhưng có lẽ Phật trời thương cho mẹ tỉnh lại. Cả bác sĩ cũng bất ngờ trước “ca lạ” của mẹ. Ngày ba tôi mất, lúc chuẩn bị động quan, mẹ đi nhà vệ sinh luýnh quýnh thế nào mà té ngã luôn trong đó. Chờ mãi không thấy mẹ ra, cả nhà chạy vào tìm thì thấy mẹ không đứng lên nổi… Từ đó đến nay, một chân của mẹ yếu hẳn nên những chuyến du lịch xa chung của mẹ với tôi cũng ít dần. Tôi luôn tự hỏi, mình đã báo hiếu được bao nhiêu cho mẹ? Mỗi khi tôi ra đường, mẹ đều nhắc nhở: “Nhớ đội mũ bảo hiểm, phải nhìn kỹ đèn xanh đèn đỏ, đừng ăn thịt, trứng không an toàn… nghen con!”. Nhiều khi đâm quạu, tôi nói: “Con đã lớn tuổi rồi mà mẹ”… Nhưng với mẹ, tôi vẫn luôn còn bé bỏng. Công việc buộc tôi phải đi suốt cả ngày, hôm nào tôi ăn cơm ở nhà là mẹ vui lắm, bởi vậy cho dù đã ăn ở đâu đó rồi nhưng về nhà, tôi vẫn ráng ăn thêm một chén cơm nhỏ hoặc húp một chén canh để mẹ vui lòng. Tình mẹ, bao giờ tôi trả hết…”.
“Mẹ yêu, nhân vô thập toàn, có thể mẹ không là người hoàn hảo ở một mặt nào đó, nhưng với con, mẹ là tất cả, là điểm tựa tinh thần rất lớn cho con. Thế cho nên, sự thiếu vắng mẹ làm cho con vô cùng hụt hẫng. Nhưng con phải cứng cỏi lên, cố gắng sống cho đáng sống, như mẹ đã từng sống vì con…” – Thành Nam (sinh viên ĐH Nông Lâm) xúc động nói! |
2.“Cho đến giờ phút này, tôi mới hiểu ra rằng, dù sống trong cảnh nghèo khó, nhưng được sự giáo dưỡng, cưu mang của mẹ để nuôi lớn tâm hồn, bản thân tôi mới trở nên trí tuệ, tốt đẹp…”. Bạn Kim Ngọc (ĐH Bách Khoa) đã mở đầu câu chuyện như thế. “Mẹ tôi không biết chạy xe máy, cả đời lam lũ mẹ chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Những năm tôi học tiểu học, mẹ đưa tôi đến trường, ngang qua quầy bán bánh bao, mẹ dừng lại mua cho tôi chiếc bánh bao nhân thịt có trứng cút, còn mẹ thì ăn bánh bao chay. Nghe mẹ bảo thích ăn bánh bao chay chứ tuổi thơ tôi đâu biết được rằng, túi tiền của mẹ không đủ mua hai cái bánh bao nhân thịt có trứng cút. Khi tôi lên cấp 2, mẹ cũng tiếp tục đưa đón tôi đến trường. Nhiều lúc bị bạn bè chọc là “em còn bé lắm”, tôi cằn nhằn nói mẹ cứ để tôi tự đi một mình. Mẹ chỉ cười nhẹ rồi vẫn cứ đưa đón. Những hôm trời nắng gắt, mẹ ngồi trên yên sau trước cổng trường chờ đợi. Bản thân tôi không bao giờ thắc mắc, vì sao mẹ phải ngồi trên yên sau… Cho đến hôm qua, tình cờ đọc một bài báo, cũng giống y như hoàn cảnh của tôi ngày trước. Và câu trả lời của người viết: “Mẹ luôn ngồi phía sau để yên xe không bị nóng, mẹ muốn “gánh” mọi cái nóng vào mình để khi con ngồi lên, cảm thấy dễ chịu và thoải mái…”. Tôi đã bật khóc, ngồi trong ký túc xá mà tôi chỉ muốn chạy về quê nhanh với mẹ, tạ lỗi vì những vô tình của mình trước đây với mẹ…”.
Nói về mẹ, đôi mắt bạn Thành Nam (sinh viên ĐH Nông Lâm) long lanh. Nam kể: “Ba tôi mất năm tôi 11 tuổi. Đám tang của ba ai đến viếng cũng sụt sùi, riêng mẹ tôi thì không, rất bình tĩnh cảm ơn từng người đến chia buồn. Mấy cô chú của tôi cho rằng mẹ không thương ba, chắc là sẽ nhanh chóng “đi thêm bước nữa thôi”. Trong trí óc tuổi thơ, tôi cũng giận mẹ lắm, nếu thật mẹ không thương ba thì cũng phải “diễn” nhỏ vài giọt nước mắt chứ. Nhưng tôi và tất cả các cô chú đã lầm. Gần một tháng trời sau đó, đêm nào mẹ cũng lén ra mộ ba ngồi, đôi mắt thất thần nhìn xa xăm, miệng lầm bầm một điều gì đó… Cho đến bây giờ tôi mới biết, mẹ đang hứa với ba sẽ làm thân góa phụ nuôi tôi ăn học thành tài. Suốt mười năm qua, mẹ âm thầm đi về một mình, làm việc vất vả nuôi tôi. Những đêm tôi ngồi học bài khuya, mẹ cứ quẩn quanh nhắc nhở: “Sao không ngủ sớm hả con?”, rồi mẹ pha ly sữa, mắc sẵn mùng cho tôi. Nhiều lần tôi hỏi: “Sao mẹ không tìm người chia sẻ, mai mốt con đi học xa rồi…”. Mẹ cười: “Mẹ chưa tìm được ai bằng ba con… Ngày nhận được tin thi rớt đại học, tôi thất vọng đến não nề. Thật khủng khiếp khi mình đã quá kỳ vọng vào một điều gì đó để rồi đau khổ ê chề khi nhìn thấy nó đổ nhào tan tành trong nháy mắt. Tôi trốn tránh mẹ, dù mẹ không nói gì. Tôi cứ tìm ra quán cà phê của Bà Tư ngồi lì ra đó nếm sự đau khổ một mình. Về nhà, lại chui vào mùng trốn, bỏ cả cơm. Tôi cố gắng lắm nhưng vẫn bật ra tiếng nấc. Chính lúc ấy, mẹ mới xuất hiện: “Con trai không được khóc”. Ánh mắt mẹ nhìn tôi thật bình thản, không trách móc cũng không an ủi thương hại. Mẹ nói: “Mẹ không thất vọng khi con thi rớt. Mẹ chỉ thất vọng khi thấy con ngã gục đầu hàng. Con còn trẻ, còn nhiều cơ hội mà. Thật ra trong đời ai cũng có một lần vấp ngã, nhưng cái quan trọng là phải biết tự mình đứng lên”. Bài học của mẹ làm cho tôi thêm vững vàng, tôi lao vào ôn luyện, và khi tôi vui mừng khoác lên người chiếc áo sinh viên thì mẹ đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh nhồi máu cơ tim… Suốt cuộc đời này, tôi không bao giờ quên ơn mẹ. Tôi cũng mong tất cả những người con trên thế gian này phải luôn hiếu hạnh với cha mẹ mình…”.
Anh Khôi
Bình luận (0)